Dù phải cắt bỏ cả hai bên bộ ngực tự nhiên, nhưng những người hâm mộ ngoại hình của Angelina Jolie có thể thở phào yên tâm rằng bề ngoài cặp "tuyết lê" của nữ minh tinh Hollywood này vẫn nguyên vẹn, chỉ thêm vài vết sẹo nhỏ và thậm chí là còn quyến rũ hơn so với trước khi phẫu thuật. Đó là nhờ phương pháp phẫu thuật bảo toàn da kết hợp tái tạo khuôn ngực lập tức.

{keywords}
Bề ngoài cặp "tuyết lê" của nữ minh tinh Hollywood này vẫn nguyên vẹn, thậm chí là còn quyến rũ hơn so với trước.

 

Với hy vọng tránh mắc bệnh trong tương lai, một số phụ nữ có nguy cơ phát triển ung thư vú cao đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ cả 2 bên ngực. Vậy biện pháp phòng ngừa này có hiệu quả tới đâu và nên áp dụng với những trường hợp nào?

Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ "núi đôi" là biện pháp nhằm loại bỏ tất cả mô vú (kể cả ở "vỏ" và "lõi") có nguy cơ tiềm tàng phát triển thành ung thư vú. Các bác sĩ cũng có thể cân nhắc áp dụng dạng phẫu thuật này cho những bệnh nhân nữ đã từng bị ung thư vú và do đó có nguy cơ cao tái phát bệnh ở bất kỳ bên nào của ngực.

{keywords}
Ung thư vú là căn bệnh chiếm tỉ lệ cao nhất trong mọi dạng ung thư ở phụ nữ. Ảnh: WordPress

Ngoài ra, biện pháp phòng ngừa này còn có thể cân nhắc áp dụng nếu người phụ nữ mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2, vốn làm tăng nguy cơ ung thư vú; có tiền sử gia đình bị ung thư vú; hoặc đã/đang bị tăng sản ống tuyến vú không điển hình hoặc ung thư tiểu thùy tại chỗ (LCIS). Trong đó, tăng sản ống tuyến vú không điển hình là hội chứng có các tế bào bất thường che phủ các thùy sữa; ung thư tiểu thùy tại chỗ là một bệnh ung thư chưa ăn sâu hay di căn.

Cắt bỏ "núi đôi" có thể ngăn chặn ung thư vú?

Một nghiên cứu gần đây cho rằng, phẫu thuật cắt bỏ "núi đôi" có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú tới 100% nếu người phụ nữ có tiền sử gia đình bị ung thư vú cao hoặc mang gen đột biến BRCA. Tuy nhiên, kết quả giảm nguy cơ khác nhau rất lớn do nhiều nguyên do. Theo phát hiện của một số nghiên cứu, phụ nữ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ các bên ngực vì những nguyên nhân có nguy cơ thấp hoặc rất ít như đau, nang xơ tuyến vú (lành tính), mô vú dày, ám ảnh bị ung thư vú hoặc có thành viên trong gia đình từng bị ung thư vú.

Ước tính khoảng 10% phụ nữ sẽ phát triển ung thư vú ngay cả khi đã được loại bỏ các mô vú. Tuy nhiên, trong hầu hết các nghiên cứu, những bệnh nhân đã không mắc căn bệnh ung thư này sau khi trải qua phẫu thuật loại bỏ mọi tế bào vú. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trong số các bệnh nhân này đáng lẽ không nên được xem là có nguy cơ cao bị ung thư vú.

Một số chuyên gia thậm chí tuyên bố, ngay cả đối với những phụ nữ có nguy cơ cao, phẫu thuật cắt bỏ "núi đôi" là không thích hợp vì không phải tất cả mô vú đều có thể loại bỏ được trong quá trình phẫu thuật.

Thêm vào đó, nhóm duy nhất trải qua dạng phẫu thuật này được hưởng lợi ích kéo dài tuổi thọ (sống lâu hơn) là những phụ nữ tiền mãn kinh với các bệnh ung thư vú không có chất tiếp nhận nội tiết. Để hiểu lí do tại sao, chúng ta cần biết rõ cấu tạo của mô vú và nơi khởi phát ung thư vú.

Ung thư vú hình thành từ đâu?

Ung thư vú có thể phát triển trong các mô tuyến vú, đặc biệt là trong các ống dẫn sữa và tiểu thùy sữa. Các ống và tiểu thùy này tọa lạc trong tất cả các phần của mô vú, bao gồm cả mô ngay dưới da. Mô vú kéo dài từ xương đòn tới mép xương sườn thấp hơn, và từ giữa ngực, xung quanh phần bên trong và dưới cánh tay.

Trong phẫu thuật cắt bỏ "núi đôi", việc cần thiết là loại bỏ mô từ ngay dưới da xuống tới thành ngực và xung quanh đường biên ngực. Tuy nhiên, ngay cả với kỹ thuật phẫu thuật rất tỉ mỉ và khéo léo, các bác sĩ vẫn không thể loại bỏ tất cả các ống và tiểu thùy sữa do phạm vi của mô vú và vị trí của các tuyến dưới da.

Những ai nên trải qua phẫu thuật phòng ngừa?

Theo Hiệp hội Ung thư phẫu thuật, chỉ những phụ nữ có nguy cơ rất cao bị ung thư vú mới nên cân nhắc tiến hành phẫu thuật cắt bỏ "núi đôi". Đó là những phụ nữ có một hoặc nhiều trong số các yếu tố nguy cơ sau:

- Mang gen BRCA đột biến

- Từng bị ung thư một bên vú và có tiền sử gia đình bị ung thư vú cao.

- Có tiền sử bị ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (LCIS)

Phẫu thuật chỉ nên được cân nhắc thực hiện sau khi bạn đã được tư vấn tâm lý đầy đủ và kỹ lưỡng về gen và những ảnh hưởng của quá trình này.

{keywords}
Hiện đã có kỹ thuật bảo toàn da, giữa lại lớp "vỏ" của "núi đôi" sau khi phẫu thuật loại bỏ mô ung thư, để kết hợp với tái tạo bầu ngực ngay lập tức.

Những lựa chọn cho phẫu thuật ung thư vú?

Đối với các phụ nữ chọn phẫu thuật phòng ngừa ung thứ vú, hiện đã có một số lựa chọn kỹ thuật phẫu thuật mới và hữu hiệu. Hiện các bác sĩ đã có thể loại bỏ mô vú nhờ sử dụng các kỹ thuật bảo toàn da, trong đó mô vú phía dưới sẽ được loại bỏ từ dưới da tới thành ngực. Kỹ thuật này sẽ loại bỏ phần lớn các tuyến nhiều khả năng là nơi khởi phát ung thư vú. Núm vú và mô xung quanh - khu vực được gọi chung là quầng vú - sẽ được loại bỏ vì các ống dẫn hội tụ hướng về núm vú, tạo ra một khu vực tập trung của mô ống dẫn. Tuy nhiên, da của vú sẽ được giữ lại nhằm bảo quản lớp "vỏ" của vú.

Khi phẫu thuật bảo toàn da được kết hợp với việc tái tạo vú ngay tức thì, kết quả có thể rất tuyệt vời vì vừa an toàn về mặt ung thư, vừa đem lại kết quả thẩm mỹ cao, người bệnh lại chỉ chịu một lần mổ, không phải chờ đợi thời gian 2, 3 năm cho tái tạo một bên vú. Phụ nữ chọn cách phẫu thuật này như Angelina Jolie, thường tỏ ra rất hài lòng, không chỉ với lựa chọn của họ mà còn cả "núi đôi" sau khi được tái tạo.

Tóm lại, mặc dù phẫu thuật không phải là biện pháp khuyên dùng đối với mọi cá nhân có nguy cơ bị ung thư vú cao, nó có thể là cách phòng ngừa thiết yếu đối với một số phụ nữ.

Tuấn Anh (Theo Webmd, Health News)