- Ngay sau khi về Việt Nam, lao động từ Libya về nước vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại những ngày sống trong sợ hãi ở Tripoli (Libya). Và sau niềm vui ngày đoàn tụ, giờ đây, lại đang đau đáu về khoản tiền nợ ngân hàng.
Những ngày khốn khổ ở Tripoli
Có lẽ, kém may mắn nhất là anh Vũ Văn Trí, 41 tuổi (xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, Thanh Hoá) vừa sang Tripoli làm việc được 4 ngày thì phải về nước. Theo lời anh Trí kể, anh được đưa sang làm việc tại Tripoli từ ngày 15/2, sang đến nơi vừa bắt đầu đi làm cốp pha xây dựng cho công ty Colin (Thổ Nhĩ Kỳ) được 4 ngày. Sang ngày thứ 5, ra công trường nhưng chờ 1 giờ đồng hồ mà không thấy chủ đến nên anh em quay về lán trại.
“Vừa về lán trại, chúng tôi đã gặp ngay nhiều lao động Thái Lan tập trung ở đây. Họ bảo với chúng tôi có bạo loạn khiến anh em rất hoảng loạn và lo sợ” - anh Trí cho biết.
Anh Vũ Văn Trí nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng ở Libya. |
Sau đó, anh Trí cùng 38 lao động Việt Nam được giám đốc thông báo cho nghỉ tiếp 3 ngày. Những ngày nghỉ ở Tripoli, anh và mọi người được bạn bè cũng là lao động người Việt ở Benghazi thông báo: ở đó bạo loạn, chiếm phá, cướp bóc xảy ra rất căng thẳng khiến anh em lao động phải chạy tán loạn tìm nơi an toàn để trú ẩn.
“Bốn ngày sau khi nghe tin bạo loạn, lao động các nước Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Angola… về nước hết, chỉ còn lại 39 lao động Việt Nam ở lại doanh trại gần công trường. Chúng tôi xuống gặp giám đốc công ty thì được động viên: anh em cứ yên tâm, tôi sẽ cùng ở lại với anh em để tìm cách liên lạc, đưa anh em về nước”- anh Trí nói.
Ngày 28/2, 39 lao động Việt Nam được chủ đưa ra sân bay Tripoli để về nước. Toàn bộ sân bay Tripoli ngập đầy rác do các chuyến bay trước đó hành khách không được đưa hành lý lên. Thêm vào đó, ghế ngồi chờ bị phá nát, camara bị bẻ gãy treo lơ lửng. Cả sân bay như một bãi rác khổng lồ.
Vũ Văn Hùng (huyện Bắc Hà, Lào Cai) là một trong những lao động đầu tiên được về nước. Chuyến bay mang ký hiệu SHJ của Hãng hàng không quốc gia Bồ Đào Nha hạ cánh xuống sân bay Nội Bài mang theo anh Hùng cùng với 175 lao động khác của Công ty Vinaconexmex và Công ty Glotech.
“Về nước là vui rồi, nhưng em lo lắm. Trước khi đi nộp gần 40 triệu đồng nhưng em chỉ mới làm được hai tháng đã phải về nước” - Hùng rưng rưng.
Hùng kể, chiều ngày 27/2, khi được tập hợp tại sân bay Tripoli thì còn rất nhiều anh em khác vẫn đang kẹt ở đây. Nhiều người bị mất hết giấy tờ, không tiền, không quần áo trong khi trời mưa tầm tã và rất lạnh. Nhiều người trong đoàn điện hỏi bạn bè ở Banghazhi thì hay tin ở đó bạo loạn ngày càng khủng khiếp hơn. Các cú điện thoại liên tiếp bị mất tín hiệu giữa chừng, trong khi anh em lao động ở Banghazhi cho biết đã nhiều ngày trời bị bỏ đói.
Lo ngân hàng xiết nợ
Trong số những lao động may mắn được về Việt Nam, có nhiều người chỉ mới sang làm việc chưa đầy một năm. Thậm chí có nhiều lao động vừa sang đến nơi chưa làm được ngày nào. Ngay trong chiều 4/3, khi có mặt tại thôn An Điền (xã Cộng Hoà, huyện Nam Sách, Hải Dương), PV chứng kiến cảnh ông Đỗ Quang Khoa và bà Phạm Thị Sới vui mừng khi con trai là Đỗ Quang Tin đã về tới nhà.
“Nó về nước an toàn cả nhà mừng lắm. Mấy ngày trước khi nó chưa về ai cũng lo lắng, suốt đêm thức trắng. Cứ nghe tiếng chó sủa là chạy ra mở cổng vì tưởng con trai về” - ông Khoa xúc động.
Gia đình Tin đang lo lắng trước món nợ ngân hàng không thể trả. |
Tin về, gia đình vui mừng, nhưng ngay sau đó gia đình lại lo lắng trước khoản nợ ngân hàng đã vay cho Tin đi chưa trả được đồng nào.
Được biết, ông Khoa có 5 người con. Tin là con thứ hai trong gia đình. Vợ Tin, chị Nguyễn Thị Thuý trên tay bồng hai con nhỏ nước mắt ngắn dài cho biết: trước khi chồng đi, gia đình cắm sổ đỏ vay được 20 triệu đồng. Vì không đủ nên mượn thêm sổ đỏ của chú ruột để thế chấp ngân hàng. Ngoài khoản vay ngân hàng, còn vay thêm cô bác chú dì mới đủ 40 triệu đồng lo chi phí cho anh Tin ra nước ngoài làm việc. Giờ không biết làm gì ra để trả nợ khi cả nhà chỉ có hơn 5 sào ruộng.
Vì con đông nên vợ chồng Tin được bố xây cho gian nhà khoảng 8m2 bên cạnh để ở. Liếc mắt vào trong chỉ thấy có mỗi hai cái giường rộng chừng một mét, chiếc tủ kính nhỏ và một phích nước cùng với vài bộ quần áo. Ngoài ra, không có một thứ tài sản nào quý giá.
Bác Nghiêm Đình Lanh, một hàng xóm của gia đình ông Khoa cho biết, nhà Tin vào loại nghèo nhất xã trong khi xã Cộng Hoà lại là xã nghèo nhất huyện Nam Sách. Vì thế, việc Tin về nước sớm chắc chắn sẽ khiến gia đình nghèo lại thêm nghèo.
Không phải chỉ có Đỗ Quang Tin, mà còn nhiều lao động đang phải đối mặt với các khoản nợ trong những ngày tới. Anh Nguyễn Văn Huân (quê ở Nghệ An) lo âu: Mình vừa được Công ty Vinaconexmex đưa sang làm việc tại Libya được 2 tháng. Chưa kịp làm quen với công việc thì xảy ra nội chiến ở nước này. Dù may mắn trở về, nhưng sắp tới anh không biết phải xoay xở thế nào với số tiền 30 triệu đồng vay ngân hàng trước khi đi.
“Giữ được mạng sống về với gia đình là mừng, nhưng giờ không biết phải làm gì để trả nợ ngân hàng” - anh Huân thở dài.
Vũ Điệp - Thiện Phúc