- Ở nơi đó chống lại chuyện trường giả, bằng giả, bằng thật học giả hiệu quả, không cần đến những lệnh cấm từ Nhà nước, trong khi dân lại được nhờ, được thực sự làm chủ.
Mô tả |
Thời gian gần đây, dư luận khen câu nói của Bộ trưởng Giáo dục: “Thực tế những người có bằng giả hay bằng thật, nhưng chất lượng giả, chỉ có thể ‘chui’ vào hệ thống công chức Nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân”. Cũng như nhiều người, tôi thấy Bộ trưởng nói đúng quá.
Tuy vậy cũng có người chê: Là Bộ trưởng tại sao Ông để bằng cấp giả, chất lượng giả tràn lan trong xã hội, và để nó “chui” vào hệ thống cơ quan Nhà nước ?
Theo tôi điều này không thể trách riêng Bộ trưởng Luận, mà nên trách anh “cơ chế” hiện tại. Hay nói cách khác, đây là lỗi hệ thống, liên quan đến toàn bộ xã hội, đến lòng người mà dân ta lại hay nói “dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”.
Bởi lẽ bằng giả thì có thể kiểm soát, nhưng bằng thật mà học giả thì rất khó, khi người ta đã muốn.
Tôi có một người quen, nghề tay trái của anh ấy là viết luận văn thạc sĩ thuê. Khách hàng của anh toàn là các cán bộ, giảng viên muốn có “vé” để trèo cao hơn hay để không bị đuổi. Những người thuê anh viết vẫn đến lớp, vẫn có thầy hướng dẫn, vẫn bảo vệ luận văn và đương nhiên vẫn tốt nghiệp thạc sĩ hoành tráng với mũ cao áo dài, hoa và những lời chúc tụng.
Anh kể, trước khi đến gặp thầy hướng dẫn, đối tượng đến gặp anh ấy để được huấn luyện cách trả lời những câu hỏi nếu có của thầy. Cũng bằng cách này, trước khi bảo vệ, anh huấn luyện “khách hàng” mình mấy ngày để trình diễn trước hội đồng.
Vậy đó, đến cả thầy hướng dẫn và hội đồng chấm luận văn còn không phát hiện ra chuyện học giả, thì làm sao Bộ trưởng có thể kiểm soát ? Trong câu chuyện trên và những câu chuyện tương tự, chẳng ai có thể ra lệnh cấm mà có thể có hiệu quả khi lương tâm con người không còn ngay thẳng để tự điều chỉnh mình, khi sự gian dối trong xã hội lên ngôi và được dung dưỡng.
Áp dụng cơ chế thị trường
Như đã nói ở trên, chuyện này liên quan đến cơ chế. Như vậy, muốn dẹp bỏ nó cũng phải bắt đầu bằng việc cải cách cơ chế.
Tôi thấy nhiều người hay có thói quen đỗ lỗi cho cơ chế thị trường khi nói đến những tiêu cực trong xã hội hiện nay. Theo tôi thì ngược lại, căn nguyên của nhiều vấn đề trong xã hội ta hiện nay là đến từ việc chúng ta không dứt khoát theo cơ chế thị trường, mà cứ nữa này nữa kia mâu thuẫn nhau, giẫm đạp, nứu kéo lẫn nhau, làm cho xã hội không có một lộ trình rõ ràng để tiến bước về phía trước.
Theo tôi, một giải pháp cho nhiều vấn đề mà trong đó có chuyện chống bằng giả, bằng thật học giả là áp dụng cơ chế thị trường trong cách quản lý với toàn bộ hệ thống Nhà nước, trong đó có quản lý giáo dục (ở đây chẳng liên quan gì đến chuyện thương mại hoá giáo dục). Cơ chế thị trường có các yếu tố là cạnh tranh, tạo ra nhiều lựa chọn, đặt khách hàng là người dân với những quyết định lựa chọn của họ làm trọng tài.
Trong giáo dục, nhất là giáo dục đại học, Nhà nước hãy trao quyền tự chủ và trách nhiệm trước khách hàng, trước xã hội cho các trường công cũng như tư, khuyến khích các trường cạnh tranh nhau một cách công bằng, lành mạnh và chấp nhận quy luật đào thải. Quyền quyết định số phận, vị trí của các trường hãy đặt vào tay khách hàng mà ở đây là sinh viên và gia đình của họ. Khi quyết định chọn trường, đương nhiên người đi học sẽ chọn trường nào có uy tín, có chất lượng, giá cả hợp lý (ở bậc đại học). Những trường nào không đàng hoàng sẽ phải tự động bị đào thải theo quy luật, khỏi cần Nhà nước ra tay.
Khi người học có lựa chọn, sự lựa chọn của họ sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các trường, buộc các trường phải tìm cách nâng cao chất lượng, giữ gìn chữ tín và đặt người học làm trung tâm trong mọi chính sách và kế hoạch nếu muốn tồn tại và phát triển lâu bền.
Nhiệm vụ của Nhà nước là điều chỉnh chính sách thuế má, đầu tư ngân sách, cung cấp học bổng nhằm tạo ra công bằng cơ hội học tập cho mọi thành phần dân chúng, đảm bảo quyền được học hành của người dân (với những cấp học miễn phí theo luật định).
Nhà nước cũng có thể làm trọng tài bằng cách thực hiện kiểm định chất lượng các trường theo định kỳ, công bố công khai kết quả, để người dân có căn cứ thực hiện việc lựa chọn trường lớp của mình.
Cơ chế thị trường này cũng phải được vận dụng cả trong các cơ quan Nhà nước để làm sao các cơ quan này cũng được như các công ty tư nhân mà Bộ trưởng Luận đã nhắc tới.
Chẳng hạn, chính các cơ quan Nhà nước phải tự xem mình là những dịch vụ (service), xem dân là khách hàng để có thái độ phục vụ chứ không phải là những nơi ban phát theo kiểu xin cho hiện nay.
Từ đó, các cán bộ công chức Nhà nước phải được xem như những nhân viên phục vụ khách hàng, lấy thái độ và mức độ thoả mãn của người dân làm căn cứ để điều chỉnh, đánh giá từng nhân viên, gắn liền với chính sách lương thưởng của họ chứ không phải chỉ dựa trên bằng cấp họ có. Nói cách khác là hãy để người dân thực sự làm ông chủ có quyền lựa chọn, đánh giá công bộc mà mình đã bỏ tiền thuế ra thuê.
Một cơ chế như vậy sẽ chống lại chuyện trường giả, bằng giả, bằng thật học giả và nhiều vấn đề tiêu cực khác một cách hiệu quả, không cần đến những lệnh cấm từ Nhà nước, trong khi dân lại được nhờ, được thực sự làm chủ.
Làm được như thế thì mới có thể tự tin nói to với thiên hạ rằng Nhà nước này là của dân, do dân và vì dân mà không ngượng miệng.
- Nguyễn Khánh Trung