![]() |
Trước khi đặt chân lên đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), ít ai có thể hình dung tại hòn đảo cách xa đất liền tới gần 200km lại được phủ sóng truyền hình sớm đến vậy. Huyện đảo được thành lập từ năm 1992 thì đến năm 1995 sóng truyền hình đã vươn tới đảo. Cho đến nay, mặc dù dân số huyện đảo mới có chừng gần 150 hộ dân với 500 nhân khẩu nhưng đã có đủ dịch vụ truyền hình K+, VTC và truyền hình analog quảng bá.
Theo ông Nguyễn Trung Hưng, Phó Giám đốc Đài PT-TH Bạch Long Vĩ, trên đảo đang tiếp sóng 3 kênh truyền hình analog là VTV1, VTV3 và Truyền hình Hải Phòng, độ phủ sóng nằm trên bán kính 6-7km. Do đó, bà con trên đảo và ngư dân trên âu cảng, cũng như ngư dân đánh bắt cá gần khu vực đảo đều có thể thu sóng truyền hình bằng anten thường.
Theo quan sát của ICTnews, hầu hết các hộ dân trên đảo đều có tivi, có một số nhà còn có từ 2-3 tivi. Các tàu cá đang neo đậu trên cảng cũng vậy, ngư dân khi ghé vào đảo trú gió hoặc mua thêm lương thực, mua dầu đều có thể xem tivi như đất liền. Để duy trì được sóng truyền hình phục vụ người dân trên huyện đảo đã được đầu tư một cột anten cao hơn 100m và có 5 cán bộ thường xuyên túc trực để đảm bảo chất lượng phát sóng.
Bên cạnh việc xem truyền hình quảng bá, nhiều hộ dân trên đảo còn xem đầy đủ các kênh truyền hình trả tiền phát sóng qua vệ tinh VINASAT của VTC, K+ không khác gì đất liền. Nhiều hộ dân và cơ quan trên đảo cũng thu được hơn 70 kênh truyền hình do VTC phát sóng miễn phí qua vệ tinh qua đầu thu "lậu".
Ông Hưng cũng cho biết, trên đảo và khu vực âu cảng có khoảng trên 1.000 tivi xem truyền hình thường xuyên. Chất lượng sóng truyền hình trên đảo bình thường khá ổn định, chỉ những khi thời tiết gió to, sấm sét thì bị ngắt sóng.
Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất mà ICTnews ghi nhận được là do ảnh hưởng bởi thời tiết nên tivi và các thiết bị điện tử trên đảo rất mau hỏng. Do đó, để xem được truyền hình thì người dân trên đảo bà con nơi đây phải chi phí khá đắt đỏ để mua tivi, dù là để xem truyền hình miễn phí.
Theo ông Phạm Văn Tiệp – một người dân định cư trên đảo, tivi ở đây rất mau hỏng. Cái nào bền nhất cũng chỉ 2 năm là hỏng, có cái vừa mua 6 tháng đã hỏng. Gia đình ông Tiệp sống trên đảo được 8 năm thì đã thay tới 9 cái tivi. Gia đình ông thuộc hàng khá giả ở đây, hiện cả nhà đang có 2 thuê bao truyền hình vệ tinh của K+. Ngoài hai chiếc tivi đang sử dụng thì trong nhà ông còn có tới 7 cái tivi hỏng, mà hầu hết là của những hãng Sony, Samsung, Panasonic...
"Nơi đây tiêu thụ tivi có khi còn nhiều hơn số lượng người dân", ông Tiệp cho biết.
![]() |
Do đặc điểm giao thông giữa đảo với đất liền khó khăn, mỗi tháng chỉ có 3 chuyến tầu vào Hải Phòng. Trên đảo lại không có bất cứ tiệm sửa chữa tivi hay điện tử nào, cho nên việc duy trì thông tin trên truyền hình quả là rất tốn kém. Bởi nếu tivi hỏng cũng không có ai sửa chữa tại chỗ, mà nếu mang vào đất liền sửa thì cũng gian nan và tốn kém.
Gia đình nữ thanh niên xung phong Vũ Thị Sâm cũng rơi vào tình cảnh không có tivi để xem khi chị được Truyền hình số VTC tặng một bộ thu truyền hình vệ tinh. Do tivi vừa bị hỏng, khi lắp đặt đầu thu truyền hình số cho gia đình chị, cán bộ kỹ thuật phải mượn tivi của nhà hàng xóm để thử tín hiệu. Chị Sâm bảo, chưa biết lúc nào mới có điều kiện để vào đất liền mua tivi mới vì việc đi lại không dễ dàng gì.
Không chỉ tivi mau hỏng mà máy tính của các cơ quan trên đảo cũng có tuổi thọ rất ngắn. Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, công nhân Trạm Viễn thông Bạch Long Vĩ, máy tính ở đây có khi chỉ 6 tháng đến 1 năm là tự hỏng. Nhất là sau những dịp nghỉ lễ dài ngày mà máy tính không sử dụng, có khi mới mua cũng bị hỏng.
Ông Lê Xuân Oanh, Phó Chánh văn phòng HĐND – UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ cũng cho biết, số lượng máy tính hỏng của cơ quan đầu não cũng huyện cũng khá nhiều, do ảnh hưởng của thời tiết biển.
Có lẽ chính vì thiết bị mau hỏng nên rất ít hộ dân trên đảo sử dụng máy tính tại nhà mặc dù trên đảo đã có Internet của VNPT và dịch vụ D-com 3G của Viettel. Cả hòn đảo cũng không có tiệm Internet công cộng.