Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập về trong tháng 12/2019 ghi nhận đạt 8.000 chiếc, giảm 32% so với tháng 11(trên 3.743 xe). Đây là tháng thứ 2 lượng xe nhập suy giảm bởi trước đó tháng 11, xe nhập về Việt Nam cũng chỉ còn 11.740 chiếc, giảm hơn 29% so với tháng trước (gần 5.000 xe).

Lượng xe nhập khẩu giảm mạnh hai tháng liên tiếp ngay trong mùa cao điểm mua bán xe đang bị cho là rất bất thường, có bàn tay của các doanh nghiệp lớn, chi phối thị trường.

Tính chung, cả hai tháng 11 và tháng 12, thời điểm doanh số bán xe hơi tốt nhất trong năm, lượng xe nhập về Việt Nam giảm hơn 8.600 chiếc. Điều này hoàn toàn trái ngược với năm 2018, khi xe nhập tăng dần đều thời điểm cuối năm.

Cụ thể, theo số liệu của hải quan, hết tháng 9/2018, Việt Nam nhập hơn 11.400 xe, tháng 10 là hơn 12.600 chiếc, tháng 11 là hơn 15.000 chiếc và tháng 12/2018 là hơn 14.500 chiếc. Xu hướng tăng lượng nhập nhằm bổ sung và chuẩn bị nguồn hàng cho năm 2019.

Quay trở lại với năm 2020, trong bối cảnh xe nhập những tháng cuối năm 2019 giảm, nhiều chuyên gia nhận định chủ yếu do sự chủ động của các hãng xe, nhà nhập khẩu lo sợ cung nhiều thời điểm hiện nay sẽ khiến giá xe giảm.

Bên cạnh đó, từ tháng 10/2019, trên toàn thị trường diễn ra cuộc giảm giá bình quân từ 10 đến 50 triệu đồng/chiếc, cá biệt có hãng là 100 đến 200 triệu đồng/chiếc.

“Xu hướng giảm giá xe trên thị trường là biểu hiện của dư cung, thiếu hụt cầu. Các đầu mối nhập xe cũng là các liên doanh xe hơi trong nước không muốn việc giảm giá tiếp diễn, gây giảm doanh thu, lợi nhuận trong năm 2020 nên cắt giảm lượng xe nhập theo kế hoạch từ vài tháng trước đó”, một chuyên gia xe hơi đề nghị dấu tên cho hay.

Hiện, xe nhập về Việt Nam có khoảng gần 80% là xe con dưới 9 chỗ ngồi và có đến 80% là nhập từ thị trường Thái Lan, Indonesia. Trong tháng 11, theo báo cáo của hải quan, lượng xe từ Indonesia và Thái Lan cũng suy giảm lượng nhập về Việt Nam. Các hãng có sự suy giảm xe nhập cuối năm chính là Toyota, Honda, Ford, Mitsubishi, Mazda, Nissan…

Trong nước, hiện xu hướng tiêu thụ xe lắp ráp giảm khá mạnh hơn 13%, trong đó, đáng nói một số mẫu, dòng xe của các hãng lớn là xe lắp ráp trong nước có sự suy giảm rõ rệt. Ảnh hưởng lớn đến doanh số và lợi nhuận của các liên doanh, hãng xe trong năm 2019.

Theo một số đại lý xe hơi, từ đầu quý IV/2019, hàng loạt mẫu xe sedan, SUV hay MPV đều giảm giá, trong đó có những mẫu xe giá rẻ, giá phù hợp trên thị trường cũng tham gia cuộc chơi này. Đây là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang phải sử dụng công cụ giảm giá để kích (push) doanh số nóng cuối năm.

Điều đáng lưu tâm là các liên doanh xe lắp ráp trong nước cũng chính là những đầu mối nhập xe về Việt Nam. Chính vì vậy, để ổn định thị trường theo hướng có lợi cho mình, giảm lượng nhập xe cuối năm là điều được các hãng sử dụng.

Ghi nhận ở một số đại lý xe hơi, cuối năm 2019 và đầu năm 2020, thời điểm trùng với lúc chuẩn bị chạy doanh số cho Tết Nguyên đán, các mẫu xe “hot” trên thị trường không còn kiểu khan hàng, ít xe và bị đại lý ăn chênh giá. Hiện tượng, Honda CRV, Toyota Fortuner không còn khan hàng cả tháng trời, thậm chí khách phải chấp nhận trả thêm hàng chục triệu đồng để nhận xe như trước đây.

Theo Dân trí

Tết Dương lịch, nhiều ô tô "hot" rớt giá vài trăm triệu đồng gây sốt

Tết Dương lịch, nhiều ô tô "hot" rớt giá vài trăm triệu đồng gây sốt

Sức ép cạnh tranh từ các đối thủ cùng lượng hàng tồn kho cuối năm lớn là nguyên nhân khiến nhiều mẫu xe "hot" như Toyota Innova, Vios, Honda HR-V, BMW... giảm mạnh dịp cận Tết Nguyên đán.