- "Tôi ngậm đắng nuốt cay hầu hạ cha mẹ anh 20 năm nay rồi. Mỗi khi xảy ra chuyện anh lại bảo thôi ráng nhịn, ba mẹ chỉ sống được vài ba năm nữa. 20 năm rồi mà ba mẹ anh vẫn sống trơ trơ ra. Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa!” – nghe tiếng vợ chồng cậu con trai độc nhất to tiếng trong phòng mà bà Hường chua xót, từng giọt nước mắt nghẹn ngào ứa ra từ đôi mắt mờ đục.

Con giai nhu nhược, con dâu phá của


Nhớ lại cái thời cách đây 20 năm. Vợ chồng bà Hường có mấy tiệm kinh doanh vàng bạc đá quý. Khắp đường Lê Thánh Tôn, quận 1(TP.HCM) không ai không biết đến thanh thế của gia đình bà.

Kinh tế khá giả mà bà Hường chỉ có một cậu con trai duy nhất tên Thành. Hai ông bà dồn hết tình yêu thương cho con.

Tuy nhiên, do ỷ lại vào cha mẹ, hễ cứ mở miệng ra là có tiền, đô la, Thành tha hồ làm mưa làm gió, chẳng chuyên tâm tu chí học hành.

Ngoài 20 tuổi tự dưng cậu dắt một cô gái quê Tiền Giang tên Duyên, học chưa hết phổ thông về đòi cưới.

"Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa!”
Bà Hường không bằng lòng vì cho rằng hai đứa còn quá trẻ, chưa đủ chín chắn để lập gia đình. Thấy thế Tuấn tạo áp lực bằng mọi cách: “Mẹ ơi mẹ của Duyên bị ung thư, chẳng sống được bao nhiêu ngày nữa. Mẹ không cho con cưới thì phải chờ tang 3 năm nữa. Nếu thế con chẳng thiết sống nữa, con chết ngay cho mẹ xem!”.

Thương con, hai ông bà đành lặn lội đi Tiền Giang làm đám cưới, rước dâu về. Khi bước chân vào nhà chồng Duyên là cô gái quê mùa, chân lấm tay bùn. Vậy mà chỉ sau một năm cho ra phụ gia đình buôn bán cô đã thay da đổi thịt đến không ngờ.

Cô trưng diện hơn, biết trang điểm son phấn, ăn mặc model mát mẻ. Còn Thành thì cứ vô tư suốt ngày nhậu nhẹt, bạn bè đến tối mịt còn chưa thấy về.

Một hôm Thành đến thưa chuyện với cha mẹ, ngỏ ý xin vốn làm ăn cho vợ: “Mẹ ơi! vợ con muốn mở quán cà phê. Ba mẹ giúp đỡ ít vốn cho vợ chồng con. Nếu chưa có công ăn việc làm ổn định thì tụi con chưa đẻ đâu, mà như thế còn lâu ông bà mới có cháu nội”.

Bà Hường nghĩ bụng con nó tu chí làm ăn cũng tốt, vả lại cho nó vốn rồi nó đẻ cho mình đứa cháu đích tôn vui vầy khi tuổi già. Thế là vợ chồng bà đưa cho Thành số vốn khi ấy là 10 cây vàng để mở quán cà phê.

Từ ngày mở quán cà phê, con dâu bà ăn mặc hở đùi hở ngực, sơn móng tay móng chân, son phấn lòe loẹt, nước hoa thơm phức, đi từ sớm đến 12 giờ đêm chưa thấy về. Những việc nhà cô chẳng đụng tay vào nữa. Thấy chướng mắt, bà Hường nhắc khéo con dâu về cách ăn mặc và giờ giấc đi đứng thì bất ngờ bị cô nói thẳng vào mặt: “Tôi đi như vậy nhưng mà ra tiền!”.

Quán cà phê mở chưa đầy 1 năm, tự dưng bà thấy Duyên ở nhà liền mấy hôm không ra ngoài. Trong bụng bất an, bà gặng hỏi thì Duyên cho biết đã dẹp quán cà phê vì làm ăn thua lỗ.

Sợ hai vợ chồng con buồn vì chuyện làm ăn không suôn sẻ nên bà chẳng dám hỏi thêm. Ở yên được vài tháng cô con dâu lại đòi mở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Sau một hồi bàn bạc, vợ chồng bà Hường nghĩ người tính không bằng trời tính, nếu con nó muốn làm lại mình cũng nên tạo cơ hội. Vậy là hai ông bà lại đưa cho con thêm 10 cây vàng nữa để mở Spa.

Cửa hàng Spa của Duyên cũng chỉ hoạt động được chừng 1 năm rồi sập tiệm vì…ế khách. Lần này cô con dâu sợ ba mẹ chồng cằn nhằn, đổi chiêu, quyết định không làm gì nữa mà…ở nhà đẻ con.

Đào mỏ không được thì trở mặt

Khi sinh được đứa con trai kháu khỉnh cũng là lúc Duyên đặt ra các yêu sách với ba mẹ chồng: “Con đẻ xong bác sĩ nói bị trầm cảm vì căng thẳng và buồn chán. Nếu cứ ở nhà thế nào cũng có ngày tự tử chết mất. Con xin phép ba mẹ cho con đi sinh hoạt ở câu lạc bộ thơ ca cho đầu óc thanh thản. Ngoài ra con cũng đăng kí học thêm một lớp tiếng Anh để bổ sung tri thức”.

Thôi thì học thêm được cái gì tốt cái nấy, vợ chồng bà Hường gật đầu cho xong.

Từ ngày Duyên đi sinh hoạt ở câu lạc bộ thơ suốt ngày về mơ mơ mộng mộng. Cô bắt đầu tập làm thơ, giấy nháp, bút mực vứt đầy nhà.

Tối thì Duyên đi học tiếng Anh nên thảy con cho bà nội giữ. Bà thấy vậy xót cháu nhắc nhở, Duyên đáp trả ngay: “Ai bảo mẹ thích cháu đích tôn. Hồi trước mẹ chẳng tuyên bố ráng đẻ cho mẹ thằng cháu đích tôn để mẹ bế cho vui còn gì!”.

Tưởng chừng mọi chuyện dừng lại ở đó, ngờ đâu một thời gian sau Duyên lại bắt đầu…dở chứng. Cô tự nghĩ giờ mình đã là nhà thơ lớn nên bắt chồng xin tiền bố mẹ để in sách, ra mắt tuyển tập thơ đầu tay, sau đó sẽ tổ chức…triển lãm ra mắt bạn bè.

Quá sức chịu đựng bà Hường hét lên: “Không triển lãm gì hết, không tiền nong gì nữa. Từ giờ các con phải tự lo cho cuộc sống của mình, cha mẹ già rồi không lo nổi nữa!”.

Không kiềm chế được, lần đầu tiên bà buông lời mắng mỏ Thành, cậu quý tử: “Con ơi, cha mẹ già rồi, chẳng biết sống thêm được mấy năm mà con xem con đi. Con năm nay đã ngoài 35 tuổi mà vẫn cứ hồn nhiên, lông bông, không biết suy nghĩ. Thế này mẹ có nằm xuống làm sao nhắm mắt được hả Thành ơi, rồi ai lo cho con, ai lo cho cháu nội mẹ!”.

Tối hôm đó vợ chồng bà Hường nghe tiếng cãi cọ trong phòng cậu con trai: “Tôi nhịn đắng nuốt cay hầu hạ cha mẹ anh 20 năm nay rồi. Mỗi khi xảy ra chuyện anh lại bảo thôi ráng nhịn, ba mẹ chỉ sống được vài ba năm nữa. 20 năm rồi mà ba mẹ anh vẫn sống trơ trơ ra. Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa! Bây giờ có hai con đường, một là anh yêu cầu ông bà già cho ra ở riêng, hai là anh ở lại mà hầu ông bà già, anh chọn đi!”.

Thế rồi một tiếng đập cửa rầm vang lên. Duyên bước ra kéo theo chiếc va li vừa đi vừa nói với: “Con không chịu thêm được nữa, để đứa khác về làm dâu xem cháu nội và con trai ba mẹ sướng thế nào. Ba mẹ nhiều tiền, nhiều của để mà ăn cho hết đi nhé!”.

Thành đóng cửa chui vào phòng im lặng, bà Hường quay ra nắm tay chồng khóc nức nở. Bao nhiêu năm qua, vợ chồng bà cố gắng cho con trai một khởi đầu vững chắc, tạo cho con các cơ hội làm ăn hơn bạn hơn bè, những gì ông bà giành cho con cũng là tốt nhất. Vậy mà giờ đây, ở tuổi gần đất xa trời cái ông bà thấy chỉ là một thằng con trai nhu nhược, vô tích sự và một đứa con dâu hỗn hào, ngỗ ngược.

Ngọc Nhi