Hiện nay về cơ bản đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được cải thiện và nâng lên rõ rệt, đồng bào tin tưởng và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống định canh, định cư, yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, theo công an tỉnh Sơn La, do xuất phát điểm thấp và đặc điểm đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào còn hạn chế, nhiều phong tục, tập quán còn lạc hậu; một số hủ tục chậm được xóa bỏ; kinh tế chủ yếu là canh tác, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi mang tính tự cung, tự cấp; chưa chú trọng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, do vậy một bộ phận đồng bào dân tộc thiếu số còn thuộc diện đói nghèo, đời sống còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến nảy sinh ý định di cư đi nơi khác để có cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Tại Đắc Lắc, thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho hay từ năm 1976 đến đầu năm 2020, toàn tỉnh có 59.836 hộ, với 291.339 nhân khẩu di cư tự do đến địa bàn tỉnh, trong đó có 19.096 hộ người DTTS, chiếm tỷ lệ 31,9%. Trong khoảng thời gian hơn 10 năm trở lại đây, dân di cư tự do đến Đắc Lắc chủ yếu là nhóm hộ đồng bào DTTS từ các tỉnh miền núi phía Bắc.

Nhìn chung việc dân di cư của đồng bào dân tộc thiểu số giúp phân bố lại dân cư, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên di cư tự do lại gây ra nhiều hệ lụy, khó khăn trong công tác quản lý xã hội, nhất là tình hình an ninh trật tự, tôn giáo, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, tranh chấp đất đai, đặc biệt đã phá vỡ quy hoạch, tác động tiêu cực đến công tác bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân tại chỗ.

Nghiên cứu của tác giả Phạm Võ Quỳnh Hạnh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết:

Dự báo xu hướng di cư của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Thứ nhất, di cư theo kế hoạch: Loại hình di cư theo kế hoạch trong phạm vi tỉnh, huyện tiếp tục diễn ra do yêu cầu bảo vệ vùng sinh thái tự nhiên; tránh các nguy cơ sạt lở, thiên tai; ô nhiễm môi trường vì sự phát triển nóng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đặc biệt là phục vụ yêu cầu xây dựng các công trình thủy điện.

Thứ hai, di cư tự do: Do sự giám sát chặt chẽ của chính quyền các cấp ở cả nơi đi và nơi đến, điều kiện môi trường sản xuất ở nơi đến không còn thuận lợi như trước, những vướng mắc khi triển khai các chính sách, các nguồn phúc lợi (không dành cho những người cư trú bất hợp pháp)..., nên trong thời gian tới, dòng di cư này sẽ ngày càng ít đi.

Thứ ba, di cư lao động: Đây sẽ là dòng di cư phổ biến, ngày càng gia tăng, chủ yếu gồm 3 hình thức: Di cư lao động đến các doanh nghiệp: dòng di cư này là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, dòng di cư này có gia tăng hay không tùy thuộc vào nhận thức, khả năng thích nghi với môi trường lao động công nghiệp của đồng bào DTTS.

Di cư lao động sang các nước láng giềng lao động: Sẽ ngày càng gia tăng, bởi sự chênh lệch thu nhập cũng như điều kiện giao lưu, hội nhập ngày càng sâu rộng. Sự gia tăng kiểm soát của chính quyền cả hai nước, cũng như quy định thời hạn qua lại biên giới của người dân được kéo dài hơn, thủ tục cấp phép được phân cấp cho chính quyền cấp cơ sở (cấp xã) đã tạo thuận lợi cho việc đi lại hợp pháp của bà con. Do đó, ở cấp quốc gia, cần có sự hợp tác ký kết giữa hai bên để không chỉ người dân vùng biên giới, mà cả người dân các tỉnh khác không có biên giới với các nước láng giềng cũng có thể làm thủ tục thuận tiện cho việc xuất khẩu lao động. Đây cũng là giải pháp để ngăn chặn hiện tượng di cư lao động trái phép qua biên giới;

Và xu hướng di cư lao động giản đơn trong nội địa tiếp tục phát triển, bởi nhu cầu lao động giản đơn từ các công trình xây dựng ở đồng bằng sẽ ngày càng gia tăng; nhu cầu giúp việc, các dịch vụ ở các thành phố cũng phát triển mạnh.

Một số giải pháp để thực hiện tốt việc di cư của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Thứ nhất, bảo đảm đất ở, đất canh tác, việc làm.

Bảo đảm đất ở, đất canh tác cho đồng bào DTTS di cư tự do đến các địa phương là vấn đề quan trọng, cấp thiết nhất hiện nay. Bởi có an cư, lạc nghiệp thì người dân mới không tiếp tục di cư tự do nội vùng và ngoại vùng.

Những năm vừa qua, đã có các chương trình, đề án xây dựng các tiểu khu, các điểm tụ cư đối với đồng bào DTTS. Các chương trình, đề án này đã thu được kết quả tích cực; tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, quỹ đất tái định cư, tập quán du canh, du cư của đồng bào DTTS... Chính vì vậy, cần có sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương nói riêng và của Đảng và Nhà nước nói chung về vấn đề di cư của đồng bào DTTS.

Thực hiện đúng tiến độ và mục tiêu các dự án quy hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân cư đã được phê duyệt. Các địa phương cần ưu tiên bố trí ổn định dân cư theo hình thức xen ghép, nhằm giảm chi phí và khó khăn về quỹ đất. Trong điều kiện có thể, khơi dựng tinh thần cộng đồng, động viên người dân bản địa trợ giúp người dân di cư tự do bằng cách thức nhường lại một phần đất ở, đất rừng, đất canh tác theo các phương thức phù hợp.

Thứ hai, xây dựng thiết chế xã hội ở cơ sở và trong cộng đồng các dân tộc di cư tự do.

Cần xây dựng, duy trì, phát huy các thiết chế xã hội ở cơ sở, tập trung vào việc phát triển đảng viên, gây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán, người uy tín trong các cộng đồng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, không để địa bàn tụ cư của đồng bào DTTS, di cư tự do “trắng” đảng viên, cán bộ cốt cán, người có uy tín. Cùng với đó, phát huy thiết chế xã hội trong các cộng đồng đồng bào DTTS. Cần nhận thức rõ rằng, các DTTS có ý thức cộng đồng thân tộc rất mạnh, đó là cội nguồn tâm linh, tinh thần, là cơ sở để họ tồn tại qua nhiều thế kỷ dù đã du canh, du cư qua nhiều vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, khi xây dựng, phát huy thiết chế xã hội trong các cộng đồng đồng bào DTTS, cần chú trọng xây dựng, duy trì, phát huy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, làm cơ sở cho việc quản lý dân cư tốt hơn, bền chặt hơn.

Thứ ba, quản lý dân di cư, ổn định địa bàn.

Việc bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn trước xu hướng di cư lao động tự do của đồng bào DTTS đòi hỏi phải kiểm soát, quản lý dân cư, nhất là đối với đồng bào các DTTS di cư tự do.

Việc quản lý dân cư đối với đồng bào DTTS di cư tự do đến các nơi khác đã, đang và sẽ còn gặp nhiều khó khăn, do ý thức công dân của người di cư lao động tự do. Họ chưa có thói quen “đi báo, đến trình” và còn có trường hợp lảng tránh cán bộ cơ sở, không muốn vào khu định cư.

Một khó khăn khác cũng cần tính đến là, người dân di cư lao động tự do thường sống rải rác, cách xa các khu trung tâm, thiếu kết cấu hạ tầng thiết yếu. Do sống phân tán, ở vùng sâu, vùng xa nên thường bị kẻ xấu xúi giục, lôi kéo không hợp tác với chính quyền cơ sở trong việc quản lý dân cư. Do đó, chính quyền địa phương cần quan tâm, động viên, đặc biệt là tăng cường phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp người dân nhận thức rõ các vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh, an toàn cho bản thân, gia đình, cũng như liên quan đến an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, cần có giải pháp sớm tháo gỡ những vấn đề bất cập về hộ tịch, hộ khẩu cho người dân di cư tự do theo quy định của pháp luật.

Xu hướng di cư của đồng bào DTTS ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian tới đòi hỏi sự quan tâm sát sao hơn nữa của các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương có sự di cư đi - đến của đồng bào DTTS, nhất là trong quá trình thực hiện chính sách di cư nhằm đem lại hiệu quả tích cực, góp phần tạo sự ổn định đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Đức Yên, Bích Hạnh, Ngọc Quý, Giao Linh, Thu Hằng