Không nhãn mác, không kiểm chứng chất lượng, không hạn sử dụng… những túi ốc đông lạnh nhiều “không” vẫn hàng ngày tuồn ra các quán ăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe!

Ốc đông lạnh siêu bẩn, siêu rẻ

Bún ốc, chả ốc, ốc chuối đậu…từ lâu đã trở thành những món ăn phổ biến được ưa chuộng từ những nhà hàng sang trọng tới các quán ăn vỉa hè. Đây cũng chính là lý do mặt hàng dân dã này luôn có thị trường tiêu thụ rộng lớn nhưng chắc hẳn khi biết được “quy trình” sơ chế sản phẩm này từ đầu mối thu gom đến các bàn ăn, nhiều thực khách sẽ không khỏi giật mình về chất lượng.

Nằm nép trong một ngõ sâu cạnh chợ đầu mối Nhổn (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), một kho hàng ốc nguyên liệu lớn, chuyên cung cấp thịt ốc đã làm sẵn, đóng túi trữ đông. Bất kể ốc to hay ốc nhỏ, tất cả đều có giá bán lẻ 50.000/kg. Vừa chào hàng với chúng tôi, chị T. - chủ mối cho biết: “Hàng ốc nhà chị được thu gom từ khắp các tỉnh ven Hà Nội và các chợ đầu mối lớn, nên em yên tâm là không bao giờ hết hàng, muốn lấy bao nhiêu cũng được. Mỗi ngày kho nhà chị đổ buôn cả tấn ốc cho khắp các quán trong Hà Nội”.

{keywords}
Ốc đông lạnh không nhãn mác được đổ buôn chỉ với 32.000/kg

Cầm gói ruột ốc đông lạnh trong tay, dễ dàng nhận ra chúng được đóng gói thủ công, không nhãn mác, không hạn sử dụng... Đáng chú ý, đối với loại ốc to, chỉ còn nguyên đầu khiến người ăn khó mà phân biệt được đâu là ốc nhồi, đâu là ốc bươu vàng rẻ tiền. Đây cũng là chiêu trò mà “dân làm ốc” nghĩ ra. Khi được hỏi có ốc nhồi thật hay không, chị T. nói: “Ốc nhồi riêng ruột của nó là 200.000/kg, các em có dám ăn không mà mua về làm hàng? Loại ốc to đấy chỉ toàn ốc biêu vàng. Nhặt nguyên đầu ra không ai biết mà giá rẻ hơn nhiều. Các em lấy buôn chị để cho 32.000/kg”.

Cách kho hàng ốc đông lạnh chưa đầy 100m, là bãi sơ chế ruột ốc. Giữa trưa nắng, hàng chục người ngồi trên mặt đất, tấp nập nhể ruột ốc đổ buôn cho nơi thu gom. Mùi ốc tanh nồng bốc lên, ruồi nhặng xung quanh bu lại những chậu ruột ốc trên nền đất. Ốc sống không hề được ngâm rửa, vẫn còn đầy bùn đất nhưng được đổ vào nồi luộc sơ qua để nhể ruột.

Và những nguy cơ tiềm ẩn

Chính vụ ốc là vào mùa thu đông, tuy nhiên để lúc nào cũng có ốc cung cấp ra thị trường đồng nghĩa với việc các sản phẩm này đã được trữ đông thời gian rất dài. Theo các chuyên gia, thực phẩm muốn để trữ đông thời gian dài phải tuân thủ quy trình sơ chế và có hệ thông làm lạnh đạt chuẩn. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, tại kho lạnh trữ hàng tấn ốc nêu trên, chỉ có những chiếc tủ làm lạnh thông thường, không có một thiết bị hay quy trình khép kín nào khác. Tuy nhiên, chủ mối T. vẫn khẳng định về chất lượng khi khách hàng tỏ vẻ đắn đo. “Cái này em mua về cứ để thế này thì dùng cả năm cũng được. Có như thế đến hết mùa vẫn có ốc bán!”.

Chính những người kinh doanh các món ăn từ ốc cũng khẳng định ốc nguyên liệu làm sẵn thường chứa nhiều tạp chất, bùn đất và chất lượng thấp hơn nhiều lần ốc tự sơ chế. Chị Thủy (chủ cửa hàng bún ốc ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Có lần, bận việc gia đình nên lỡ mua túi ốc đông lạnh. Mở ra đã thấy mùi khác thường, bên trong ốc lẫn đầy bùn cát nên hãi quá không dám dùng”.

Không thể phủ nhận, cấp đông thực phẩm là một trong những phương pháp hiệu quả để bảo quản thực phẩm trong 4 mùa. Tuy nhiên, với cách sơ chế, bảo quản manh mún như hiện nay, mặt hàng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe đối với người tiêu dùng. Điển hình năm 2016, có tới 4 trẻ em tại Đồng Tháp vị viêm màng não mủ do ăn phải ốc có ký sinh trùng. Hay năm 2017, một phụ nữ trẻ tại Bình Định cũng đã tử vong do ăn phải ốc có độc không được sơ chế đảm bảo.

Theo bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, ốc là loại thực phẩm sống dưới lớp bùn, do vậy khi sơ chế bảo quản cần phải đặc biệt lưu ý. “Với các loại nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không được sơ chế an toàn khi sử dụng rất có thể sẽ gây nhiều bệnh cho đường tiêu hóa. Đặc biệt khi ốc không được sơ chế đảm bảo, còn có nguy cơ lớn nhiễm sán và nhiều loại kí sinh trùng sống dưới nước”, bà Hải nói và khuyến cáo: “Không nên sử dụng ốc để đông lạnh trong thời gian quá dài mà điều kiện cấp đông không đảm bảo. Bởi khi đó, thực phẩm không những bị mất chất dinh dưỡng mà thành phần các chất cũng có thể bị biến đổi gây hại với cơ thể”.

(Theo Báo Giao thông)