Hôm 9/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden thu hồi sắc lệnh hành pháp nhằm vào TikTok và WeChat của người tiền nhiệm Donald Trump. Đồng thời, ông ký sắc lệnh mới yêu cầu đánh giá an ninh của các ứng dụng này cùng các chương trình khác. Bộ Thương mại nhận trách nhiệm đánh giá các ứng dụng có liên hệ với các nước thù địch theo quy tắc bảo mật chuỗi cung ứng gần đây của Mỹ và hành động nếu thích hợp.
Bộ Thương mại được yêu cầu đánh giá các ứng dụng “liên quan tới phần mềm được thiết kế, phát triển, sản xuất hay cung ứng với những cá nhân thuộc sở hữu hay bị kiểm soát, hoặc là đối tượng chịu sự quản lý của một nước thù địch, có thể gây ra rủi ro không đáng có hoặc không thể chấp nhận được với an ninh quốc gia của Mỹ và người Mỹ”.
Sắc lệnh làm rõ các tiêu chí nhằm xác định, đánh giá một ứng dụng có gây rủi ro không chấp nhận được với an ninh quốc gia và an ninh dữ liệu của Mỹ hay không. Nó bao gồm các ứng dụng “có thể đại diện cho rủi ro cao khi các giao dịch liên quan đến ứng dụng thuộc sở hữu, bị điều khiển hay quản lý bởi người ủng hộ quân đội hay hoạt động tình báo của nước thù địch, hay tham gia vào hoạt động trên mạng độc hại, hay liên quan tới ứng dụng thu thập dữ liệu cá nhân nhạy cảm”.
Trước đây, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump nhằm vào TikTok của ByteDance và WeChat của Tencent. Tuy nhiên, sắc lệnh của ông bị một tòa án liên bang chặn lại và không có hiệu lực. Trong trường hợp của TikTok, ông Trump còn tìm cách buộc ByteDance phải bán TikTok cho công ty Mỹ.
Bị ép "gả" cho Oracle, tại sao TikTok nhất quyết không bán thuật toán?
Dù rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan giữa thương chiến Mỹ - Trung, phải đến phút chót TikTok mới chọn Oracle làm 'đối tác công nghệ' tại Mỹ. Nhưng tại sao ByteDance không bán hoặc chuyển giao thuật toán của TikTok?
Theo Thời báo Phố Wall, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang phát triển cách tiếp cận toàn diện hơn nhằm bảo vệ an ninh dữ liệu. TikTok vẫn đang trải qua một cuộc điều tra độc lập của chính phủ Mỹ liên quan đến các giao dịch xuyên biên giới.
Đây là dấu hiệu mới nhất của chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc của chính quyền ông Biden. Tuần trước, Tổng thống Mỹ mở rộng phạm vi lệnh cấm đầu tư vào các công ty Trung Quốc có dính líu đến quân đội nước này. Nhiều cái tên mới trong danh sách là công ty con hay chi nhánh của các doanh nghiệp quốc doanh hay các công ty đã có tên trong danh sách đen từ trước.
Mỹ cũng đang nỗ lực giải quyết các vấn đề chuỗi cung ứng để giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.
Các quan chức chính phủ Mỹ tiết lộ sắc lệnh mới của ông Biden nhằm thay thế cách tiếp cận từng công ty của ông Trump bằng quy trình toàn diện hơn, khi đánh giá đồng thời rủi ro của nhiều ứng dụng liên hệ với các nước thù địch. Chính quyền ông Biden hi vọng sắc lệnh mới sẽ tạo ra nền tảng pháp lý vững chắc hơn, dù ngay cả khi nó đồng nghĩa với biện pháp trừng phạt không nghiêm khắc bằng.
Du Lam (Theo WSJ)
Mỹ muốn đổ thêm 250 tỷ USD trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc
Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật lưỡng đảng hiếm hoi, trị giá 250 tỷ USD, nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn của công nghệ Trung Quốc.