Ngày 20/1/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại điều 224 Bộ Luật Hình sự.
Việc ra quyết định tố tụng với ông Đinh La Thăng nằm trong diễn biến mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (vụ án Ethanol Phú Thọ).
Ông Đinh La Thăng. |
Mới đây nhất, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 9 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3 Điều 224 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, cuối năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra, chỉ ra những sai phạm từ khâu lập, phê duyệt, chỉ định thầu cho đến trong quá trình triển khai đầu tư các dự án Nhiên liệu sinh học có vốn góp của PVN và các đơn vị thành viên.
Theo kết luận thanh tra, từ tháng 10/2007 đến tháng 3/2009, PVN đã quyết định chủ trương đầu tư dự án nhiên liệu sinh học với công suất mỗi nhà máy 100.000 m3 Ethanol/năm ở 3 tỉnh Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước.
PVN chỉ định nhà thầu thiếu kinh nghiệm
Đối với dự án Ethanol Phú Thọ, vốn là dự án nguyên liệu sinh học nhằm sản xuất ethanol làm nguyên liệu phối trộn tạo xăng sinh học, được Công ty CP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) khởi công từ tháng 7/2009, trên diện tích 50ha (chủ yếu là đất trồng lúa thuộc 3 xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương - huyện Tam Nông, Phú Thọ). Dự án có vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.317 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên 2.484,93 tỷ đồng, như cho đến nay vẫn "đắp chiếu".
Dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ) nhìn từ trên cao. |
Cụ thể, năm 2008, chủ đầu tư PVB đã tổ chức đấu thầu chọn nhà thầu tư vấn lập dự án đầu tư là Công ty CP Thiết kế Công nghiệp hoá chất (CECO). Sau khi CECO lập xong dự án đầu tư, chủ đầu tư đã phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 1.317 tỷ đồng.
Ngày 13/3/2009, PVC có công văn gửi PVN xin được thực hiện gói thầu EPC tại nhà máy ethanol Phú Thọ và đã được PVN chấp thuận giao cho thực hiện gói thầu EPC dự án Phú Thọ theo hình thức chỉ định thầu. Gói thầu thiết kế, mua sắm, cung ứng vật tư thiết bị, thi công xây dựng nhà máy có giá trị hơn 59 triệu USD này sau đó được giao cho Liên danh bao gồm PVC và Alfa Laval, Delta-T thực hiện.
Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, đến thời điểm được chỉ định thầu và ký hợp đồng EPC dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, nhà thầu PVC chưa thực hiện hợp đồng EPC dự án nhiên liệu sinh học hoặc các dự án có tính chất tương tự, do đó, PVC là nhà thầu chưa có năng lực, kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án. Trong liên danh với nhà thầu, PVC được giao thực hiện các công việc quan trọng của dự án gồm: thiết kế, xây dựng, mua sắm, lắp đặt toàn bộ thiết bị các hạng mục phụ trợ và lắp đặt thiết bị nhà máy sản xuất chính.
“Việc chỉ định thầu cho liên danh, trong đó PVC thực hiện các công việc chính của dự án khi hạn chế năng lực và chưa có kinh nghiệm là vi phạm quy định Luật Đấu thầu. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trong quá trình thực hiện, nhà thầu PVC đã phải dừng thi công dự án từ tháng 11/2011, vi phạm quy định hợp đồng EPC, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư, dự án khó tiếp tục thực hiện”, Thanh tra Chính phủ nêu.
Liên tục đòi tăng giá trị hợp đồng
Về việc đàm phán hợp đồng EPC, trong quá trình nhà thầu PVC và chủ đầu tư đàm phán hợp đồng, PVC đã có văn bản thông báo kết luận của lãnh đạo Tập đoàn PVN, theo đó, giao chủ đầu tư đàm phán với các đối tác về gói thầu EPC với giá không vượt quá 50 triệu USD.
Tuy nhiên, PVC và chủ đầu tư “không thống nhất được việc ký kết hợp đồng trọn gói với giá 59,117 triệu USD không phát sinh” nhưng lãnh đạo PVN cho rằng nếu PVC không đồng ý thì chủ đầu tư đàm phán với nhà thầu khác.
Do đó, PVC đã có văn bản gửi chủ đầu tư và PVN xin cam kết thực hiện gói thầu EPC với giá trọn gói hơn 59 triệu USD và không phát sinh thêm.
Mặc dù đã cam kết nhưng trong quá trình thực hiện, giá trị gói thầu EPC vẫn phải điều chỉnh tăng. Ngày 25/8/2010, PVC có văn bản đề nghị chủ đầu tư về phần công việc của mình phát sinh lên tới hơn 20 triệu USD. Tiếp đó, chủ đầu tư PVB đã chấp thuận phát sinh và đồng ý điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC lên thành gần 66,4 triệu USD, chênh lệch gần 8,4 triệu USD so với hợp đồng gốc.
Ông Đinh La Thăng trong một lần thăm và kiểm tra tình hình triển khai dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ khi còn là Chủ tịch HĐTV PVN. |
Theo Thanh tra Chính phủ, qua kiểm tra 9 hạng mục lớn điều chỉnh tăng cho thấy, nguyên nhân tăng giá hợp đồng EPC không xuất phát từ nhu cầu của dự án và yêu cầu của chủ đầu tư, không tuân thủ đúng thiết kế cơ sở đã được phê duyệt, nhiều hạng mục đã lấy theo giá của nhà thầu PVC ký với các nhà thầu phụ trong khi đó giá do PVC mua của các nhà thầu phụ không thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và không phải là căn cứ để tăng giá trị hợp đồng.
Vì vậy, việc điều chỉnh tăng giá trị gói thầu thuộc khối lượng công việc của PVC phải thực hiện là không đúng quy định của Hợp đồng EPC ký theo hình thức hợp đồng trọn gói.
Đáng lưu ý, khi thực hiện hợp đồng EPC, theo quy định nhà thầu PVC phải có bảo lãnh thực hiện hợp đồng là 3% giá trị, tương ứng với số tiền 1,29 triệu USD và bảo lãnh tạm ứng 20% giá trị hợp đồng với số tiền 8,62 triệu USD. Tuy nhiên, PVC đã được PVN và chủ đầu tư cho phép miễn thực hiện. Điều này cũng được Thanh tra Chính phủ cho rằng đã vi phạm quy định.
Trong quá trình thực hiện, PVC đã uỷ quyền và chuyển giao cho nhà thầu phụ là PVC-HN quản lý, thực hiện toàn bộ phần việc còn lại cũng được đánh giá là vi phạm Luật Xây dựng. Việc bàn giao dự án từ tháng 6/2012 đến thời điểm thanh tra tháng 12/2014 vẫn chưa xong do nhiều nguyên nhân: Thiếu hồ sơ quản lý chất lượng, kết quả thí nghiệm và hồ sơ thanh toán cho phần việc đã thực hiện, các công việc còn dang dở nên các bên chưa chốt được khối lượng và giá trị thực hiện…
PVC đơn phương dừng thi công từ năm 2011
Không chỉ điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC, vào ngày 22/7/2011, PVC lại tiếp tục đề nghị tăng giá trị hợp đồng thêm 17,3 triệu USD. Do không được chủ đầu tư chấp nhận, PVC đơn phương dừng thi công dự án từ tháng 11/2011. Thời điểm đó, PVC mới thừa nhận ít kinh nghiệm về quản lý, kết nối các giao diện công nghệ của nhà máy nhiên liệu sinh học, chỉ có thể thực hiện được việc xây dựng và lắp đặt, do đó đề nghị PVN và chủ đầu tư tìm nhà thầu khác.
Sau khi PVC dừng thi công, chủ đầu tư đã nhiền lần có văn bản yêu cầu PVC tiếp tục thực hiện dự án, nhiều lần báo cáo PVN về tình trạng dự án nhưng cho tới thời điểm hiện tại, công trình này vẫn trong tình trạng “bỏ hoang”.
"Nhà thầu PVC đã đơn phương dừng thi công dự án gây hậu quả nghiêm trọng khiến toàn bộ máy móc, thiết bị lắp đặt đã bị han gỉ, vốn đã đầu tư 1.534 tỷ đồng chưa phát huy, tăng chi phí vốn vay và các chi phí khác; việc thi công các gói thầu, dự án thành phần thuộc nhà máy cũng bị ngừng trệ”, Thanh tra Chính phủ nhận định.
Với hàng loạt sai phạm, Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật đối với sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án Ethanol Phú Thọ có dấu hiệu cố ý làm trái và/hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện hợp đồng EPC, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
(Theo Dân Việt)