Ngay sau ngày công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII vừa rồi, Thống đốc Nguyễn Văn Bình có số phiếu tín nhiệm cao nhiều gấp 4 lần so với cuộc bỏ phiếu gây nhiều tranh cãi lần thứ nhất vào năm 2012. Tôi gặp ông tại hành lang hội trường của nhà Quốc hội mới. Và thật kỳ lạ, nét mặt ông cũng chẳng “tươi tỉnh” hơn là bao. Hình như trong ông vẫn luôn canh cánh một nỗi lo về chuyện đồng tiền?

Đã rất nhiều lần tôi tự hỏi rằng, nếu ông không đi làm cán bộ Nhà nước mà đi làm kinh tế tư nhân thì không hiểu ông sẽ là một đại gia tầm cỡ thế nào?

Bởi lẽ nói một cách hơi ngoa thì ông biết sử dụng đồng tiền, điều khiển đồng tiền từ khi… còn nằm trong bụng mẹ.

Sở dĩ tôi nói vậy vì thân mẫu của ông là một cán bộ ngân hàng, đã mang thai ông khi bà đang học trong trường nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Còn thân phụ của ông là một cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Còn ông, khi vào đại học, ông cũng học về toán kinh tế ở nước ngoài. Ông thông thạo tiếng Anh, tiếng Nga và nói chuyện thoải mái được bằng tiếng Pháp.

Tất nhiên, cái gen "ngân hàng" được cha mẹ truyền cho, cộng với những kiến thức được học trên ghế nhà trường chưa phải là yếu tố quan trọng tạo nên thành công trong sự nghiệp của một người, mà trong những thành công của mình, điều quan trọng nhất là ông có một ý chí sắt thép, cực kỳ bản lĩnh, quyết đoán và đặc biệt là có một tư duy về tiền tệ sắc sảo, thậm chí đi trước cả diễn biến tình hình.

{keywords}

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình

Cổ nhân có câu “Có chí làm quan, có gan làm giàu”, càng ngẫm càng đúng, đặc biệt là về ông.

Nhưng ông không làm giàu cho bản thân mình, mà làm giàu cho cả một nền kinh tế của quốc gia.

Ông là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình.

Thống đốc - thú thực là tôi không hiểu tại sao người ta lại chỉ dành chức danh này cho hai vị trí: Thống đốc Ngân hàng và Thống đốc bang (như ở nhiều nước phương Tây).

Lần mò tìm hiểu theo chữ nghĩa, mới thấy chữ “đốc” thì dễ hiểu vì có nghĩa là “xem xét, trông coi, đốc thúc”. Nhưng còn chữ “thống” - hóa ra lại là rất hay. “Thống”, nghĩa gốc là mối tơ, mối sợi và người “gom các mối tơ ấy lại, gỡ nó ra, sắp xếp lại, thì gọi là THỐNG” - Nói giản dị, Thống đốc Ngân hàng là người chịu trách nhiệm xử lý những vấn đề luôn “rối như tơ vò” của thị trường tiền tệ, sắp xếp, quản lý chúng, bắt chúng phải đi vào trật tự, quy củ, theo ý muốn của mình.

Ôi, “gỡ mối tơ vò”, thật khó làm sao?

Ông bây giờ nổi tiếng không những ở Việt Nam mà cả trên thị trường tiền tệ thế giới. Bởi ông và tập thể lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã làm được những điều phi thường, mà nói một cách chính xác là chưa từng có trong lịch sử khoảng 30 năm trở lại đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Vì có một nốt ruồi rất đặc biệt nên những người yêu mến ông gọi ông là "anh Bình ruồi", còn những người căm ghét ông thì lại gọi là "thằng Bình ruồi".

Đã có lần cánh nhà báo chúng tôi “tán” với nhau và thấy rằng, người ghét Bình "ruồi" có lẽ là dễ đếm ra nhất ở Việt Nam mà không cần bỏ phiếu. Ấy là có 13.700 người ghét - đó là những chủ hiệu buôn vàng trên khắp cả nước mà còn chưa kể bao nhiều người “ăn theo” từ các hiệu vàng này. Trong số này có những người ghét cay ghét đắng, có những người thù ông chắc đến tận xương tủy, bởi vì những chính sách của ông về quản lý lại thị trường vàng đã làm vơi túi của họ. Con số vơi đi cụ thể là: Bằng biện pháp đấu thầu vàng miếng, ông đã lấy về cho ngân sách Nhà nước 8.000 tỉ đồng (tính đến giữa năm 2014). Số tiền này tương đương với 1/3 ngân sách quốc gia dành cho giáo dục. Nếu như không có các biện pháp của ông, 13.700 người buôn vàng kia đã chia nhau số tiền 8.000 tỉ đó.

Dĩ nhiên, đây là nói theo kiểu thống kê cơ học, chứ chắc chắn sẽ có những người mất hàng trăm tỉ và có những người chẳng mất xu nào.

Số người ghét ông thì dễ “đếm”, nhưng người yêu quý ông, chắc chắn là vô vàn.

Trở lại chuyện cũ, tháng 8/2011, ông Nguyễn Văn Bình được Quốc hội phê chuẩn chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đây là thời điểm hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và bên cạnh đó là một nền tài chính đang bộc lộ tất cả những yếu kém, khiếm khuyết và chưa bao giờ vận mệnh quốc gia lại gắn với đồng tiền như thời kỳ này.

Lạm phát tăng phi mã, các ngân hàng đua nhau nâng lãi suất và tìm đủ mọi mưu kế để huy động vốn với mục đích có tiền để thanh toán các khoản đáo hạn. Bên cạnh đó, thị trường vàng đang nhảy múa với vũ điệu điên loạn từng ngày, từng giờ. Người dân không còn tin vào đồng tiền Việt nữa và lao đi mua vàng để cất trữ.

Không có quốc gia nào trên thế giới lại có kiểu buôn bán vàng miếng vô tội vạ như ở Việt Nam. Một quốc gia có 90 triệu dân mà mỗi năm nhập về 100 tấn vàng, rồi từng người, từng người mua bằng được để mang đi… cất giấu. Khi người dân (và cả doanh nghiệp) đi mua vàng dự trữ thì có nghĩa là đã làm chảy máu ngoại tệ tại chỗ và tác động rất lớn đến tỷ giá.

Cũng không có quốc gia nào có nền kinh tế trung bình kém như ở Việt Nam mà lại có đến 13.700 cửa hiệu kinh doanh vàng bạc. Ở đô thị lớn, người ta kinh doanh vàng đã đành, nhưng ở nhiều vùng sâu, vùng xa, thậm chí ở những nơi chưa có trường học mà lại có hiệu vàng.

Còn trên thị trường tiền tệ, các ngân hàng thương mại cổ phần, các quỹ tín dụng mọc lên nhan nhản và không ai có thể quản lý được.

Vậy là các trò thổi giá chứng khoán, nâng trần lãi suất, mang tiền huy động đi kinh doanh trái phép, đầu tư ngoài ngành, rồi thậm chí lãi suất cho vay qua đêm lên tới 40%... đã tạo nên một thị trường tài chính hỗn loạn. Và một sự lo ngại đặc biệt không những xuất hiện trong lòng dân, mà còn đến mức các tổ chức tiền tệ quốc tế đã tiên đoán về sự sụp đổ của nền kinh tế Việt Nam.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhậm chức trong tình cảnh kinh tế đất nước đang trên đà suy thoái, còn thị trường tài chính thì như vậy đó.

Ấy vậy mà chỉ sau 3 tháng làm "ông quản tiền", bước vào năm 2012, ông đã dám tuyên bố rằng, sẽ giảm lạm phát xuống một con số và lập lại trật tự thị trường vàng, giảm lãi suất cho vay của ngân hàng xuống ít nhất 40%. Nghe những thông tin ông đưa ra khi đó, rất nhiều người cười nhạt và tỏ ý hoài nghi. Không ít người đã dè bỉu rằng: "Nói trước bước không qua".

Đúng là từ xưa đến nay, người ta vẫn răn dạy nhau rằng: Làm đi rồi hãy nói!

Nhưng ông thì đã làm được một việc khác người, đó là nói trước, làm sau. Ông đặt ra các mục tiêu và cùng bộ máy tham mưu của mình tìm ra các giải pháp để cứu nền tài chính.

Trong một mớ những vấn đề cần giải quyết, Thống đốc Bình và bộ máy tham mưu của mình đã chọn một điểm đột phá là tái cơ cấu ngành ngân hàng.

Rất nhiều cán bộ ngân hàng còn nhớ vào thời điểm đầu năm 2012, khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu ra vấn đề tái cơ cấu ngân hàng thì Chính phủ chưa đặt ra vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế.

{keywords}

Thống đốc Nguyễn Văn Bình và tác giả bên lề Kỳ họp thứ 8 Quốc hội thứ XIII (Ảnh: Lê Tùng)

Ông nhận ra vấn đề tái cơ cấu và xử lý nợ xấu là vấn đề sống còn của ngành ngân hàng và trăn trở làm thế nào để có nền tài chính lành mạnh, phục vụ cho phát triển kinh tế. Trong khi đó, để giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu thì với quốc gia nào cũng vậy, vấn đề đầu tiên là… tiền đâu!

Chính phủ không có tiền để giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Với các quốc gia khác, để làm được việc này thì thường phải dành ra 20-40% GDP để xử lý nợ xấu.

Khi Thống đốc Bình nêu ra vấn đề này, rất nhiều cán bộ có kinh nghiệm của ngành ngân hàng vẫn không thể nào tin Thống đốc có thể làm nổi.

Vậy mà ông đã tìm ra một cách "vô tiền khoáng hậu" là dùng biện pháp kỹ thuật kêu gọi, động viên nguồn lực từ doanh nghiệp, từ nước ngoài để giải quyết vấn đề nợ xấu và tái cơ cấu.

Vậy biện pháp kỹ thuật ở đây là gì?

Đó là bắt "thằng" ngân hàng khỏe cõng "thằng" ngân hàng yếu. Những cổ đông lớn đã trót mang tiền huy động đi sử dụng không có hiệu quả thì nay phải mang tài sản nộp vào, rồi ra khỏi ngân hàng. Về xử lý nợ xấu, ông cho thành lập Công ty Mua bán nợ Quốc gia (VAMC).

Ở các quốc gia khác, công ty mua bán nợ cũng có, nhưng lấy tiền từ ngân sách, nghĩa là tiền thuế của dân. Ở Việt Nam mà làm thế thì… chết! Nợ công sẽ tăng, ngân sách thâm hụt. Nói một cách nôm na là không khác gì cho người khát... uống rượu.

Thống đốc Bình đã quyết định không dùng tiền Chính phủ, mà mua nợ xấu bằng trái phiếu.

Hai cách làm này của Thống đốc Bình đã được các đại biểu dự Hội nghị Giám sát an toàn tài chính toàn cầu đánh giá rất cao. Năm 2013, Hội nghị này mới bàn đến việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng, còn ở Việt Nam thì Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã đi trước một năm.

Nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn, VAMC đã mua gần 40 ngàn tỉ đồng và nợ xấu đã giảm nhanh chóng từ đầu năm 2013. Lạm phát năm 2012, 2013 đã được kéo xuống liên tục.

Những việc làm đầu tiên của Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã đưa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ thế bị động sang thế chủ động dẫn dắt thị trường. Các mục tiêu ông đặt ra đều hoàn thành tốt: Mục tiêu đặt ra là lạm phát năm 2012 là 8%, đạt 7%; mục tiêu năm 2013 là 7% thì giảm còn 6%. Còn năm 2014 thì chỉ là 4,2%, trong khi Quốc hội đặt ra là 5%.

Sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã tạo ra động lực làm ổn định thị trường tài chính. Thống đốc Bình đã đề xuất với Bộ Tài chính là phát hành trái phiếu Chính phủ, huy động vốn nhàn rỗi để có tiền đầu tư cho các công trình trọng điểm.

Ở các đơn vị kinh doanh, thông thường là cứ đầu năm thì đầu tư bằng tiền ngân sách, cuối năm lại đầu tư bằng nguồn vay tín dụng.

Đối với thị trường vàng. Thống đốc Nguyễn Văn Bình kiên quyết dẹp loạn bằng cách tổ chức đấu thầu vàng miếng và thống nhất quản lý vàng miếng về một mối. Giai đoạn này, ông bị… chửi nhiều nhất. Đám buôn vàng chửi ông, ngày nào ông cũng bị nhắn tin đe dọa. Nhưng bi kịch còn cao hơn thế, ấy là không ít người có vị trí chính trị cũng không tiếc lời sỉ vả ông. Kỳ họp Quốc hội nào ông cũng bị lôi ra băm vằm về chuyện vàng bạc, mà khổ nỗi gây nên sự hỗn loạn thị trường vàng, sự yếu kém của các ngân hàng có phải là ông đâu. Trong khi ông đang nghiến răng vào làm thì không những người ta không ủng hộ, mà còn nghi ngờ, rồi tìm cách phá đám.

Nhân chuyện này, tôi lại ngẫm đến một việc mới đây, ấy là chuyện Công an Hà Nội cải tiến cách cấp hộ chiếu cho người dân 7-8 ngày xuống… 15 phút. Một việc làm rất hay như vậy, thể hiện tư duy rất mới của lãnh đạo Công an Hà Nội về việc phục vụ nhân dân, vậy mà Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã nhận được không ít ý kiến phản đối, dè bỉu, chê bai, bới móc đủ chuyện. Thật đúng là quái quỷ! Hóa ra là bây giờ muốn làm việc tốt cũng khó!

Hỏi ra mới biết, do thủ tục cấp hộ chiếu rườm rà, người dân phải đi lại nhiều lần, chờ đợi mất ngày, mất buổi nên sinh ra đám cò. Bây giờ với cách làm mới này, "cò" không còn đất sống, phải bay đi nên mới sinh chuyện.

Trở lại chuyện Thống đốc Bình dẹp loạn thị trường vàng. Do quyền lợi của những người buôn bán vàng bị ảnh hưởng, mà trong số đó có những kẻ rất rất nhiều tiền nên họ này không chịu ngồi im để chờ "cây gậy Như Ý" của Thống đốc Bình vụt xuống. Chúng thuê mướn báo chí, dùng mạng xã hội phản ứng về cách làm của ông, chúng reo rắc sự hoài nghi trong nhân dân… Có thể nói rằng, mỗi kỳ họp Quốc hội là một lần ông Bình phải gồng lên, chịu sức nặng của cả một núi dư luận. Và rồi hậu quả nhỡn tiền là ông làm như vậy, kết quả như vậy, nhưng khi Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm thì đau đớn thay, số phiếu của ông thuộc nhóm thấp nhất. Vậy là đã rõ! Cái gọi là sự công tâm, sáng suốt của một số vị đại biểu do dân bầu lên rất đáng nghi ngờ.

Đảm nhiệm chức vụ Thống đốc mới được gần 3 năm mà ông đã làm được những việc chưa từng có là: Giảm lạm phát xuống dưới mức lý tưởng là 4,2% (năm 2014); ổn định được tỷ giá đồng tiền Việt Nam; đưa vàng vào quản lý Nhà nước và cơ bản chấm dứt được việc dùng vàng làm phương tiện thanh toán; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và đã loại ra được một loạt ngân hàng yếu kém; xử lý thành công nợ xấu mà không phải chi đến một đồng của ngân sách quốc gia; lãi suất ngân hàng giảm xuống mức gần như lý tưởng.

Tất cả các việc làm của ông và các cộng sự đã đảm bảo được hoạt động tiền tệ, tài chính một cách bình thường, nâng cao vị thế của đồng tiền Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chưa bao giờ, dự trữ ngoại tệ của chúng ta nhiều như hiện nay. Chỉ tính từ khi ông Nguyễn Văn Bình lên làm Thống đốc cho tới nay, dự trữ ngoại tệ đã tăng 5 lần. Ngay đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mua được thêm 7,7 tỉ đôla, mua được ngoại tệ dự trữ nhưng lạm phát không tăng, đây mới thực sự là điều đáng mừng. Ít năm trước, để mua được 10 tỉ đôla, chúng ta đã phải nghiến răng in thêm tiền và chấp nhận lạm phát nhảy vọt lên 28%.

Đây chính là nghệ thuật điều hành thị trường tiền tệ của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Các tổ chức tiền tệ, tín dụng quốc tế không chỉ đánh giá cao bằng lời nói đối với những việc làm của Thống đốc Nguyễn Văn Bình mà còn sẵn sàng mở hầu bao cho Việt Nam vay những khoản lớn.

Còn người dân thì chưa bao giờ lại thích gửi tiết kiệm bằng tiền Việt Nam hơn đôla Mỹ như bây giờ.

Trước những thành công của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nhiều chuyên gia về tài chính, ngân hàng đã không còn tiếc lời bày tỏ sự thán phục ông.

Những lời nhận xét tốt đẹp về ông và ngành ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua, nếu bây giờ trích dẫn thì phải nhiều trang giấy. Nhưng lời ngợi khen có giá trị nhất đối với ông, đó là sự bình yên của thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam và người Việt đã thích dùng tiền Việt.

Điều kỳ lạ nhất ở ông là hình như ông đã đi trước một bước và luôn luôn nhìn thấy diễn biến của tình hình mỗi khi đưa ra quyết sách mới. Hay nói một cách giản dị là, dưới “cây roi” của Thống đốc Bình, đồng tiền vốn như con hổ dữ buộc phải đi vào đúng con đường ông đã vạch ra và làm đúng những việc mà ông đã định.

Soi lại những việc Thống đốc Bình làm trong hơn 3 năm qua mới thấy rằng, ông rất quyết đoán, nhưng không duy ý chí. Ông dám làm, dám chịu, nhưng không phiêu lưu. Ông tiến hành mọi việc khẩn trương, nhưng không vội vã. Đó là tố chất mà không phải nhiều người lãnh đạo có được.

Nhiều cán bộ cấp dưới của ông đã từng ứa nước mắt khi thấy ông ngồi một mình, hút thuốc và ngước mắt nhìn trừng trừng lên trần nhà. Họ cũng không hiểu ông lấy đâu ra sức lực, làm thế nào để có đủ minh mẫn trong những tháng ngày "trên đe dưới búa" như những tháng ngày qua. Cũng đã có người khuyên ông một cách chân tình rằng, nền kinh tế này không thể cứu vãn được, tốt nhất là đừng nghĩ chuyện quản lý tiền tệ, vàng bạc, cơ cấu… làm gì cho mệt; nhiệm kỳ chỉ có 4 năm, tốt nhất là cứ in tiền ra, lạm phát cao một tí cũng chẳng chết, mà an toàn cho mình và… VLC - vui là chính - vừa khỏi mua thù chuốc oán với ai, vợ con khỏi suốt ngày nơm nớp vì bị đe dọa bằng tin nhắn và đủ trò dọa dẫm và cũng khỏi phải nghe những lời: "Để rồi xem thằng Bình "ruồi" làm được những trò gì".

Tư duy nhiệm kỳ ở Việt Nam là thứ bệnh thật đáng sợ! Người nào mắc bệnh này thì khi được bổ nhiệm, được giao trọng trách hoặc là sẽ nghĩ mưu kế để nhanh chóng vơ vét cho đẫy túi tham rồi chuồn, hoặc làm cầm chừng, miễn làm sao dưới không chê, trên không trách và chờ cơ hội đi tiếp. Còn việc nghĩ mưu kế gì để chấm dứt những yếu kém trong lĩnh vực, địa bàn phụ trách thì cứ để đấy… sẽ có "thế hệ sau" giải quyết.

Công bằng mà nói, trong giai đoạn vừa qua, những vị tư lệnh xông xáo, dám làm dám chịu và có những quyết sách thực sự thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế như Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng là không nhiều. Đó thực sự là một nỗi buồn về đội ngũ cán bộ và tư duy nhiệm kỳ vẫn còn ngự trị trong rất nhiều người.

Thống đốc là ông. Và ông là Thống đốc!

(Theo Ghi chép của Nguyễn Như Phong/ Petrotimes)