Mấy ngày qua, hình ảnh Chùa Cầu sau khi trùng tu làm dấy lên tranh cãi. Nhiều người cho rằng, tu bổ, sửa chữa là cần thiết song phải đảm bảo được nét cổ kính, đặc trưng của công trình. Màu sơn trắng, mái vòm, màu vôi đỏ ở bức tường... sau tu bổ khiến Chùa Cầu được đánh giá là "như mới", "không còn nhận ra Chùa Cầu"...
Trước những ý kiến trái chiều, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư TP Hội An đã có cuộc trao đổi với báo VietNamNet.
- Sau một thời gian dài trùng tu, Chùa Cầu đã lộ diện và lập tức có nhiều phản hồi đa chiều về hình ảnh mới của di tích. Từng là người đảm nhận vai trò quản lý TP Hội An, ông nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ việc trùng tu Chùa Cầu sẽ nhận được sự đồng tình của dư luận. Đến thời điểm hiện tại, nếu không tôn tạo, sửa chữa thì nguy cơ sụp đổ có thể xảy ra. Trước kia, thời kỳ tôi còn làm quản lý Hội An đã bàn đến vấn đề tu bổ Chùa Cầu, nói đến trùng tu tức là phải hạ giải toàn bộ kiến trúc của chùa. Chính tôi là người phản đối bởi sợ nếu hạ giải, khi lắp lại không đảm bảo yếu tố nguyên gốc, trở thành “râu ông nọ, cắm cằm bà kia”, vì vậy chỉ gia cố, hư đâu sửa đó. Thậm chí năm 2016, khi bàn chuyện trùng tu, hạ giải tôi vẫn phản đối.
Nhưng hiện giờ, công nghệ, kỹ thuật đã phát triển hơn, có thể đảm bảo đến 90% yếu tố nguyên gốc. Ví dụ, để tính toán chính xác về những cấu kiện gỗ, đơn vị thi công sẽ dùng máy siêu âm phân tích. Thêm nữa, trước khi trùng tu di tích, TP Hội An đã tổ chức hội thảo quốc tế với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong nước và Nhật Bản. Tức là đã “bắt được bệnh”, vậy thì chỉ còn “chữa bệnh” mà thôi.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng Chùa Cầu mang diện mạo mới, trông khác lạ, không còn cổ kính như trước. Theo quan điểm của tôi, những đánh giá đó hoàn toàn bình thường. Bởi khi người ta đang nhìn quen mắt mái ngói rêu phong, tường màu cũ… thì giờ đây họ thấy những thứ đó trở nên quá mới, khác lạ nên sẽ phản ứng. Nhìn ở góc độ người yêu Hội An, tôi cho đây là điều đáng mừng. Chùa Cầu đã ở trong tâm thức của người dân Hội An, trở thành điểm đến ấn tượng của du khách, vì vậy khi nhìn thấy diện mạo mới sau trùng tu, nhiều người không đồng tình.
Tôi đã đọc gần hết những phản hồi trái chiều, trong đó có ý kiến rất gay gắt, nhưng tôi hiểu đó là vì họ yêu quý Chùa Cầu nên mới phản ứng như vậy. Hội An có tới 80% là di tích của tư nhân và tập thể, do đó người giữ gìn, bảo tồn chính là cộng đồng cư dân. Những phản ứng của dư luận cũng là sự cảnh báo cho cơ quan quản lý, cần ý thức và thận trọng khi bảo tồn, trùng tu các di tích.
- Từng là người phản đối việc hạ giải Chùa Cầu trước đó, vậy theo ông để tránh vấp phải sự phản ứng như hiện tại nên làm thế nào?
Tôi cho rằng, khi trùng tu cần đảm bảo 3 yếu tố quan trọng. Thứ nhất là đảm bảo tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc. Thứ hai là yếu tố nguyên trạng. Thứ ba là yếu tố chân xác. Yếu tố nguyên gốc - tức là với cấu kiện không thể dùng được nữa mới bỏ đi, còn nếu vẫn có khả năng sử dụng nên tìm cách khắc phục. Ví dụ, một cây cột gỗ chỉ hư hỏng một nửa thì mình bỏ chỗ hỏng và tiếp tục sử dụng phần còn lại. Hay như mái ngói cũng vậy, chỉ thay thế những viên mục nát. Bản chất của trùng tu các di tích lịch sử, văn hoá là không thay đổi kích thước, không thay đổi hoa văn.
Nói một cách công bằng, tôi thấy tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật tại Chùa Cầu đang làm rất tốt, chỉ có màu vôi chưa ổn. Trên mái những phần màu trắng quá nổi, thanh gỗ lan can lại quét màu xi măng mới tinh, hai bên bức tường vôi quá đỏ, trong khi bên dưới để nguyên, tức là không sơn đồng bộ, vì vậy nhìn tổng thể chỗ mới, chỗ lại cũ kỹ gây nên sự đối lập. Ngày trước, mỗi năm tôi cho quét vôi, tân trang Chùa Cầu vào dịp đón năm mới, nhưng phải làm toàn bộ, hai bên bức tường là màu nâu, các thanh gỗ lan can không phủ vôi trắng.
Tuy nhiên, mới đây, Chủ tịch UBND TP Hội An ra thông báo sẽ tiếp thu ý kiến của dư luận và khắc phục bằng cách sơn lại sao cho hài hòa, bớt đi màu đỏ chói lọi trước đó. Còn mái ngói chỉ cần qua một mùa mưa sẽ trở nên rêu phong hơn.
Thảo Nguyên