Theo kết luận điều tra, tháng 11/2011, công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trung Dũng (công ty Trung Dũng) có 2 đơn đề nghị phát hành thư tín dụng (L/C) kèm theo phương án kinh doanh, đề nghị BIDV mở 2 L/C trị giá hơn 22 ngàn USD, đảm bảo bằng hàng hóa tồn kho của lô hàng phôi thép, thép phế nhập khẩu.
Khi đề nghị BIDV mở L/C để đảm bảo thanh toán, công ty Trung Dũng cam kết chuyển toàn bộ số tiền thu được từ việc bán hàng nhập khẩu về tài khoản của BIDV, sử dụng tiền này để thanh toán cho đối tác nước ngoài khi đến hạn.
Ông Trần Bắc Hà |
Tại hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản, công ty Trung Dũng đều cam kết điều này.
Trên cơ sở những cam kết của khách hàng, BIDV chi nhánh Hà Thành giao doanh nghiệp tự quản lý tài sản đảm bảo (hàng hóa hình thành từ vốn vay) kèm điều kiện: Lô hàng nhập khẩu chỉ được xuất kho sau khi có sự chấp thuận bằng văn bản của BIDV.
Mọi trường hợp xuất kho chưa được sự chấp thuận của BIDV đều bị coi là vi phạm hợp đồng bảo đảm.
Tuy nhiên, sau khi BIDV ký phát hành L/C bảo lãnh thanh toán, sau khi nhập hàng về, lợi dụng việc BIDV giao cho tự quản lý hàng hóa, công ty Trung Dũng không thực hiện như cam kết mà bán hàng lòng vòng qua các công ty “sân sau” để tránh sự quản lý của BIDV.
Tiền thu được từ việc bán hàng, công ty Trung Dũng không chuyển về tài khoản của BIDV để trả nợ cho đối tác khi đến hạn như đã cam kết, mà sử dụng cho các mục đích khác.
Như vậy, công ty Trung Dũng đã tự ý bán tài sản đảm bảo thuộc quyền quyết định của BIDV mà không được phép của NH này và sử dụng tiền sai mục đích đã cam kết với NH, vi phạm hợp đồng bảo đảm, dẫn đến hậu quả không còn tài sản đảm bảo để BIDV thu nợ, gây thiệt hại cho NH hơn 263 tỷ đồng.
Kết luận điều tra cho rằng, tại thời điểm tháng 11/2011, công ty Trung Dũng gặp nhiều khó khăn về tài chính, dự nợ tín dụng tăng. Tuy nhiên, BIDV, chi nhanh Hà Thành vẫn đánh giá công ty này có khả năng tài chính để trả nợ.
Trong vụ án này, cán bộ BIDV thừa nhận đã đánh giá không đúng khả năng tài chính của khách hàng, đề xuất cấp hạn mức tín dụng khi khách hàng không đủ điều kiện về tài sản đảm bảo...
Nhưng những sai phạm là do chịu sức ép từ lãnh đạo NH, cán bộ NH biết khách hàng này có quan hệ với ông Trần Bắc Hà nên phải đề xuất cho vay.
Lời khai của cựu Chủ tịch HĐQT BIDV
Về phần mình, ông Trần Bắc Hà khai, chỉ biết công ty Trung Dũng là khách hàng của BIDV thông qua đầu mối là chi nhánh Hà Thành. Cá nhân ông không có mối quan hệ gì về tài chính với công ty Trung Dũng, hay ông Đoàn Hồng Dũng, giám đốc công ty.
Đối với các khoản dư nợ, ông Trần Bắc Hà khai ông đều là người ký phê duyệt với vai trò là Chủ tịch HĐQT.
Ông Hà thừa nhận, khi cấp L/C cho khách hàng, do không đọc kỹ tờ trình tín dụng nên không để ý các điều kiện tín dụng của công ty Trung Dũng nêu trong tờ trình, do đó đã đồng ý cấp tín dụng khi khách hàng không đủ điều kiện tín dụng theo quy định.
Theo lời khai của ông Trần Bắc Hà, việc ông quyết định cấp tín dụng là làm theo chế độ tập thể, trên cơ sở ý kiến của Hội đồng, nhưng khẳng định chịu trách nhiệm cá nhân đối với quyết định của mình với vai trò là người có quyết định cao nhất, cuối cùng.
Số phận khối tài sản khổng lồ của gia đình ông Trần Bắc Hà
Cơ quan điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển VKS đề nghị truy tố 12 bị can trong vụ án có liên quan đến bố con ông Trần Bắc Hà.
T.Nhung