Trong hai ngày 3 và 4/12/2015, Hội nghị Quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu  (AVAR 2015) đã diễn ra tại Đà Nẵng. Đây là Hội nghị quy mô quốc tế về An toàn thông tin (ATTT) đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề chính là “Kỷ nguyên Chiến tranh mạng - The Age of Cyber Warfare”. Hội nghị có sự góp mặt của hơn 150 chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng, các Giám đốc Công nghệ, Giám đốc Bảo mật, các Phó Chủ tịch phụ trách ATTT đến từ 50 hãng sản xuất phần mềm chống mã độc lớn nhất thế giới. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Hội nghị về an ninh mạng có quy mô toàn cầu.

Trong thông điệp của ông Triệu Trần Đức, Chủ tịch AVAR 2015, Tổng Giám đốc Công ty CMC Infosec, nói rằng, trong tương lai gần, máy giặt thông minh hay tủ lạnh thông minh có kết nối Internet cũng có thể chịu chung số phận. Nếu điều này xảy ra có nghĩa là, trong một gia đình khá giả có thể đang sở hữu tới 5 vũ khí của tội phạm mạng. Nếu nhân con số 5 với số hộ gia đình tại các đô thị lớn của Việt Nam, chúng ta có kết quả là vài chục triệu. Vài chục triệu thiết bị nối mạng này đang hỗ trợ đắc lực cho việc học tập, giải trí hay kết nối bạn bè của chúng ta, của con em chúng ta; nhưng cùng một lúc cũng rất có thể đang tấn công trang web của một chính phủ hay tổ chức nào đó.

“Nguy hiểm hơn, chúng ta không biết ai đang đứng đằng sau những mã độc đó, ai viết ra chúng, ai điều hành chúng. Nguy hiểm hơn nữa, thông qua những thiết bị đó, chúng ta bị mất tiền qua thẻ tín dụng, bị lấy trộm tài khoản ngân hàng, bị lấy cắp mật khẩu mạng xã hội, hòm thư điện tử. Việc bị lộ thông tin nhạy cảm của cá nhân vốn đã là thảm họa nhưng thảm họa hơn nữa là những đồng tiền bị mất kia đang chảy về túi của tội phạm mạng”, ông Triệu Trần Đức nói.

Trong bài phát biểu kết thúc Hội nghị, ông Triệu Trần Đức chia sẻ rằng cảm thấy kỳ lạ về ngành công nghiệp phòng chống mã độc và cũng tự hào về sự khác biệt đó so với mọi ngành công nghiệp khác.

“Khi bán hàng, chúng ta cạnh tranh từng xu một. Khi hợp tác, chúng ta lại sẵn sàng chia sẻ mọi hiểu biết không để lại điều gì. Cạnh tranh và hợp tác trong ngành công nghiệp phòng chống mã độc toàn cầu đều được đẩy tới đỉnh điểm của nó. Vì sao sự mâu thuẫn tột đỉnh như vậy lại có thể tồn tại? Bởi vì chúng ta là những người đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến với tội phạm mạng. Hơn hết, chúng ta có chung một tầm nhìn và chúng ta có chung một niềm tin. Chúng ta đều cùng nhau nỗ lực hết sức mình để cho không gian mạng ngày qua ngày trong sạch và an toàn hơn”, ông Triệu Trần Đức nói.

“Với tinh thần đó, với tư cách là chủ tịch AVAR 2015, tôi tuyệt đối tin tưởng rằng: cùng nhau, chúng ta chắc chắn sẽ thắng trong cuộc chiến bảo vệ không gian mạng. Hẹn gặp lại các bạn tại Malaysia, năm 2016. Kỷ nguyên chiến tranh mạng đã bắt đầu, chúng ta cũng đã chuẩn bị đầy đủ”, ông Triệu Trần Đức nhấn mạnh.

Tại Hội nghị này, ông Mikko Hypponen, Giám đốc kỹ thuật của Tập đoàn Bảo mật F-Secure, huyền thoại về ATTT thế giới đã “điểm mặt” 5 xu hướng tấn công mạng phổ biến hiện nay, trong đó xu hướng tấn công nhằm mục đích khủng bố là hoạt động tấn công mạng nguy hiểm nhất.

 Ông Mikko Hypponen cảnh báo thêm rằng 5 xu hướng này chưa phải là danh sách cuối cùng mà sẽ còn bổ sung thêm trong tương lai do thủ đoạn của bọn tội phạm mạng cũng như công nghệ đang thay đổi liên tục. Và công nghệ Internet Of Things (Internet của vạn vật) tạo cho chúng ta nhiều tiện nghi nhưng cũng khiến xã hội phải đối mặt với nguy cơ hơn. Vị Giám đốc kỹ thuật của Tập đoàn F-secure nhấn mạnh rằng: “Mục đích cuối cùng của những chuyên gia ATTT giờ đây không còn là “bảo vệ riêng một hệ thống máy tính nữa mà làm sao để toàn bộ cộng đồng, xã hội được vận hành an toàn nhờ những hệ thống đó. Và chúng ta còn rất nhiêu việc phải làm”.