Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) - Thủy sản Hùng Vương - của ông Dương Ngọc Minh vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2019 (niên độ tài chính 1/7-30/9/2019) với doanh thu tụt giảm mạnh từ mức 1.675 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống chỉ còn 690 tỷ đồng.
Lũy kế cả niên độ kinh doanh 1/10/2018-30/9/2019, Thủy sản Hùng Vương của ông Minh ghi nhận tổng doanh thu đạt 3.966 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số 8.230 tỷ đồng của niên độ liền trước.
Trong quý vừa qua, HVG lỗ ròng 240 tỷ đồng, so với mức lãi hơn 382 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm (niên độ 1/10/2018-30/9/2019), Thủy sản Hùng Vương lỗ gần 497 tỷ đồng, thay vì lãi 16,2 tỷ đồng trong năm trước, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 890 tỷ đồng.
Sở dĩ Thủy sản Hùng Vương tiếp tục lỗ nặng là do giá bán hàng thấp hơn giá vốn và doanh nghiệp không còn doanh thu tài chính bất thường nhờ vào việc bán các công ty con và bất động sản như trước đó.
Một năm sóng gió, “vua cá tra” Dương Ngọc Minh chìm trong thua lỗ. |
Doanh thu tụt giảm là do công ty đã bán vốn tại cỗ máy tin tiền CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) cho Tập đoàn Vingroup của tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng; cắt giảm mảng kinh doanh bán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bã nành, bắp, lúa mì,... ), tương đương khoản doanh thu lên tới cả ngàn tỷ đồng.
Những diễn biến trong vài quý gần đây khiến tham vọng tỷ USD của ông Dương Ngọc Minh ngày càng trở nên xa vời.
HVG của ông Dương Ngọc Minh từng một thời là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản, là ông “vua cá tra”. Tuy nhiên, tham vọng doanh thu tỷ USD với hàng loạt vụ thâu tóm và mở rộng hoạt động sản xuất trong nước cũng như sang tận Nga... đã đẩy doanh nghiệp này cũng như các doanh nghiệp con vào tình trạng khó khăn, nợ nần chồng chất.
Từ vị trí top 10 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán, ông Dương Ngọc Minh, người tình tin đồn của ca sỹ Mỹ Tâm, rớt dài, ra khỏi top 100 và oằn mình với gánh nặng nợ nần.
Không chỉ mất VTF, gần đây HVG cũng chịu cảnh bị Mỹ áp thuế cao lên cá tra xuất khẩu. HVG bị áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất trong nhóm các doanh nghiệp thủy sản sau đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14) của Mỹ: 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ).
Nhiều đại gia thủy sản gặp khó. |
Tuy nhiên, với nỗ lực tái cấu trúc thời gian gần đây, tình hình tài chính của Thủy sản Hùng Vương có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng nợ của doanh nghiệp hiện chỉ còn hơn 7,2 ngàn tỷ đồng, so với mức 11,4 ngàn tỷ đồng vào cuối 2017.
Mặc dù báo cáo lỗ nhưng cổ phiếu HVG diễn biến tích cực trong thời gian gần đây. HVG tăng mạnh 10 phiên liên tiếp, trong đó có tới 6 phiên tăng trần. Cổ phiếu từ mức 2.720 đồng/cp lên 4.460 đồng/cp.
Một đại gia thủy sản khác là Vĩnh Hoàn (VHC) của bà Trương Thị Lệ Khanh cũng chứng kiến doanh thu và lợi nhuận giảm khá mạnh so với cùng kỳ do xuất khẩu sang Mỹ gặp khó cho dù được hưởng thuế thấp.
Cổ phiếu VHC vẫn ở vùng thấp sau cú mạnh kể từ đầu năm. VHC hiện đang ở mức 80.600 đồng/cp.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), trong phiên 29/10 VN-Index giảm nhẹ. Một số mã blue-chips ảnh hưởng tới thị trường như: CTD, GAS, PNJ, VJC...
Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) tiếp tục đưa ra các dự báo thận trọng.
Theo YSVN, thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co trong vùng giá 990-1.000 điểm của VN-Index trong vài phiên tới. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy và mức độ có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong phiên tới. Điểm tích cực là dòng tiền đầu cơ quay trở lại cho nên mức độ thanh khoản có thể sẽ tiếp tục được cải thiện trong vài phiên tới. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục tăng nhẹ cho thấy cơ hội giải ngân mới gia tăng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/10, VN-Index giảm 0,61 điểm xuống 995,87 điểm; HNX-Index giảm 0,36 điểm xuống 104,68 điểm. Upcom-Index giảm 0,03 điểm xuống 56,36 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 270 triệu đơn vị, trị giá 4,4 ngàn tỷ đồng.
V. Hà