Vào đầu vụ giá ớt thường tăng cao nên bà Cao Thị Hòa, ở xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi tranh thủ trồng sớm 4 sào ớt. Hiện nay ớt đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, nhưng bán chỉ 8.000 đồng/kg.
Nhẩm tính, lỗ nặng vụ ớt này, bà Hòa than thở, trước tết, trồng rau, đậu giá xuống thấp, không có người thu mua, phải hái về cho bò ăn, lỗ hết cả chục triệu đồng. Hy vọng vụ ớt sẽ vớt vát lại chút vốn liếng bỏ ra, nào ngờ ớt rớt giá nên lỗ càng thêm lỗ.
“Nói chung ớt mình làm là nhờ xuất khẩu, tại Trung Quốc dịch bệnh nên chưa xuất khẩu được giá cả thấp, phải chờ xuất khẩu qua Trung Quốc mới có giá, chứ giờ thị trường trong nước chỉ có 8.000/kg, nên lỗ” - bà Hoà nói.
Ớt mất giá còn 8.000 đồng/kg, nông dân khóc ròng. |
Thời điểm này tại cánh đồng Hỗ Tiếu, xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi, nhiều diện tích ớt cũng đã đến kỳ thu hoạch nhưng nông dân không muốn ra đồng hái ớt để bán. Bà Võ Thị Chớ, xã Nghĩa Hà tính toán, thời điểm này nếu đi hái ớt thì tiền bán ớt không đủ chi phí cho một ngày công nên nhiều người bỏ mặc cho ớt chín khô ngoài đồng.
“Năm ngoái, lúc đầu 20.000 đồng/kg sau đó lên 30.000 - 50.000 đồng/kg. Tôi bán năm ngoái có 1 sào ớt mà kiếm được 80 triệu đồng. Ớt bữa trước tôi hái bán có 8000/kg nên lỗ chứ không lời. Ớt mà khoảng 15.000 đồng/kg trở lên mới có lãi” - bà Chớ chia sẻ.
Nếu như vụ ớt năm ngoái có thời điểm giá ớt hơn 50.000 đồng/kg thì năm nay chỉ cò 8.000 đồng/kg. Ông Lương Chiến, một chủ đại lý chuyên thu mua ớt xuất qua thị trường Trung Quốc nhiều năm nay cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh do virus corona nên từ sau Tết Canh Tý đến nay phía Trung Quốc ngừng mua, trong khi thị trường nội địa thì nhu cầu không nhiều. So với thời điểm trước Tết, thời điểm này mỗi kg ớt giảm gần 10.000 đồng.
Để tiêu thụ ớt cho nông dân hiện nay, ông Lương Chiến thu mua ớt về cấp đông chờ khi Trung Quốc mua lại sẽ xuất bán hoặc tìm kiếm thị trường một số nước như Hàn Quốc, Nhận Bản để xuất bán.
Không chỉ có ớt mà dưa hấu của nông dân Quảng Ngãi cũng chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Ảnh hưởng từ dịch bệnh do dịch Covid-19, phía Trung Quốc ngừng thu mua nên nhiều nông dân đang khóc ròng vì nông sản rớt giá.
(Theo VOV)