Trong năm 2016 này, các liên doanh ôtô Nga ban đầu sẽ được nhập khẩu miễn thuế một số xe nguyên chiếc vào thị trường Việt. Khi không chịu thuế, giá xe Nga đương nhiên sẽ rất "mềm".
Sau nửa năm, đàm phán các thỏa thuận song phương về hợp tác sản xuất, lắp ráp ôtô giữa Việt Nam với Liên bang Nga và với Cộng hòa Belarus đã kết thúc. Các Trưởng đoàn đàm phán đã ký tắt Nghị định thư về ôtô giữa Việt Nam và Nga (vào ngày 15/1/2016) và Nghị định thư về ôtô giữa Việt Nam và Belarus (vào ngày 20/1/2016).
Nội dung cơ bản của các Nghị định về ôtô bao gồm việc các doanh nghiệp sản xuất ôtô của Nga (KAMAZ, GAZ, UAZ...) và Belarus (MAZ) sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ôtô tải (KAMAZ, GAZ, UAZ, MAZ), xe từ 10 chỗ trở lên (KAMAZ, MAZ), xe địa hình (UAZ) và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam.
Xe UAZ huyền thoại sẽ trở lại Việt Nam trong thời gian không xa |
Phía đối tác cũng cam kết là các xe lắp ráp tại Việt Nam sẽ phù hợp với Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 về Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Cụ thể, xe lắp ráp phải đạt được tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2020 là 25% đối với xe chuyên dụng, 30% đối với xe tải, xe địa hình và 35% đối với xe từ 10 chỗ trở lên. Vào năm 2025 đạt được tỷ lệ nội địa hóa là 40% đối với xe chuyên dụng và xe địa hình, 45% đối với xe tải và 45% đối với xe từ 10 chỗ trở lên. Riêng Belarus cam kết tỷ lệ nội địa hóa cao hơn, đến năm 2020 là 40% và đến năm 2026 là 60%.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh được nhập khẩu miễn thuế một số xe nguyên chiếc để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường đồng thời cho hưởng hạn ngạch miễn thuế cụ thể đối với linh kiện, phụ tùng lắp ráp ôtô trong vòng 5 năm.
Như vậy, trong thời gian tới, một số hãng xe Nga và Belarus sẽ "đổ bộ" vào Việt Nam. Và do một số xe nhập khẩu nguyên chiếc không phải chịu thuế, giá xe Nga dự kiến sẽ khá "mềm", phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng hơn.
(Theo báo Đầu tư)