- Với 138 phiếu thuận trên 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng, tương đương hơn 2/3 số phiếu cần thiết theo quy định, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức nâng quy chế của Palestine lên "nhà nước quan sát phi thành viên".
Đây được coi là "thời khắc lịch sử" của người dân Palestine. Quốc kỳ của Palestine nhanh chóng được treo lên tường tòa nhà Đại hội đồng, phía sau chỗ ngồi của đoàn Palestine. Ngay lập tức, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích kết quả cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa lịch sử này, trong khi Israel tuyên bố đây là "sự vi phạm các thỏa thuận" giữa nước này với Palestine.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Liên hợp quốc. (Ảnh: AP) |
Theo quy định, để được công nhận tình trạng nhà nước quan sát phi thành viên, Palestine phải nhận được sự đồng ý của ít nhất 2/3 số nước thành viên Liên Hợp Quốc (khoảng 132 phiếu). Trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu đã có 130 quốc gia lên tiếng ủng hộ nhà nước Palestine độc lập. Do đó, cơ hội giành đủ số phiếu cần thiết của Palestine được đánh giá là lạc quan.
Ngoài việc nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nước đang phát triển vốn chiếm đa số tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, đến nay, nhiều nước châu Âu gồm Pháp, Áo, Đan Mạch, Tây Ban Nha... cũng đã lên tiếng ủng hộ việc nâng cấp quy chế cho Palestine. Trong khi đó, Mỹ và Israel vẫn tiếp tục bày tỏ thái độ phản đối việc nâng cấp quy chế cho Palestine tại Liên hợp quốc.
Với việc được nâng cấp quy chế lên cấp "nhà nước quan sát phi thành viên", Palestine sẽ được phép tiếp cận các tổ chức quốc tế. Chính quyền Palestine trước đó đã cam kết sẽ khởi động lại tiến trình hòa bình bị bế tắc trong hai năm qua, chủ yếu liên quan đến vấn đề định cư của người Do Thái tại khu vực Bờ Tây, ngay sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu nâng cấp quy chế tại Liên hợp quốc.
Thanh Vân (tổng hợp)