Với tốc độ lão hóa dân số nhanh chóng, tỷ lệ nhà bỏ trống ở Nhật Bản đã lên tới mức kỷ lục 13,6%, trong khi các công ty địa ốc ở nước này vẫn không ngừng khởi công các dự án mới.
Theo tờ Nikkei Asian Review, trong năm 2018, ở Nhật có 8,46 triệu căn nhà không có người ở, một con số cao chưa từng thấy. Đây là dữ liệu được đưa ra trong một báo cáo được Chính phủ nước này thực hiện 5 năm một lần. So với báo cáo năm 2013, số nhà trống ở Nhật đã tăng thêm 260.000 căn.
Một căn nhà bị bỏ hoang ở Kagawa, Nhật Bản đã được tu sửa với sự hỗ trợ của sinh viên đến từ Hà Lan - Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Báo cáo của Chính phủ Nhật chia nhà không có người ở thành hai loại: một loại được dành để cho thuê hoặc bán trong tương lai; và loại còn lại. Trong cuộc khảo sát mới nhất, số căn nhà trống thuộc loại thứ hai đã lên tới 3,47 triệu căn, tăng hơn 9% so với hồi năm 2013.
Ngoài dân số lão hóa, tình trạng số nhà bỏ trống tăng cao ở Nhật Bản còn do hoạt động xây dựng ồ ạt. Trong tài khóa 2018, có khoảng 950.000 căn nhà mới được khởi công ở Nhật, tăng 0,7% so với năm trước đó.
Tỷ lệ nhà bỏ trống ở Nhật đạt mức cao nhất ở tỉnh Yamanashi, nơi có phần phía bắc của núi Phú Sỹ, với 21,3% số nhà ở tỉnh này không có người ở. Tỷ lệ tương tự ở tỉnh Wakayama là 20,3%, còn ở tỉnh Nagano là 19,5%.
Nhiều khoản tiền mặt lớn đã được phát hiện và giao nộp cho cảnh sát khi phá dỡ những căn nhà vô chủ ở Nhật Bản, và điều này phản ánh cuộc sống cô đơn, không có người thân bên cạnh trong những năm tháng cuối đời của nhiều người già ở nước này. Khi một căn nhà hoang bị phá dỡ ở Tokyo vào năm 2018, số tiền tương đương 200.000 USD đã được phát hiện.
"Có thể đó là do người già phải sống một mình. Số tiền đó có thể là một khoản tiết kiệm bí mật của họ", ông Hideto Kone, một quan chức của Chính phủ Nhật chuyên về giải quyết tài sản của những người quá cố không có thân nhân, phát biểu.
Do không tìm được chủ nhân thực sự của số tiền, và những người phát hiện số tiền đã nộp lại cho cảnh sát, số tiền cuối cùng đã được trao cho chính quyền địa phương. Năm 2018, chính quyền thành phố Tokyo đã nhận được tổng cộng khoảng 560 triệu Yên, tương đương 5 triệu USD, như vậy.
Vào năm 2015, Nhật Bản đã thông qua một đạo luật nhằm giải quyết tình trạng số nhà bỏ trống gia tăng. Kể từ khi có đạo luật này đến tháng 10 năm ngoái, chính quyền các địa phương ở Nhật đã hối thúc chủ sở hữu tiến hành sửa chữa hoặc phá bỏ 708 ngôi nhà. Trong đó, chính quyền đã xử lý 118 căn nhà không tìm được chủ.
Chi phí cho việc sửa chữa hoặc phá dỡ nhà đều do chủ sở hữu chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc tìm được người chủ là rất khó.
Chính quyền các địa phương không vì thế mà khoanh tay đứng nhìn, mà trở nên sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề. Chẳng hạn, một thành phố đã biến khu đất trống sau khi một căn nhà hoang bị dỡ bỏ thành một công viên. Bằng cách cho phép chính quyền địa phương dùng khu đất này làm công viên, chủ sở hữu của căn nhà hoang được miễn thuế tài sản 5 năm.
Các công ty tư nhân cũng nhận thấy cơ hội. Katitas, một công ty môi giới nhà đã qua sử dụng, đã mua lại những căn nhà đơn không có người ở, nâng cấp và bán lại với giá 10-15 triệu Yên mỗi căn.
Trên khắp nước Nhật đều có những công ty cung cấp thông tin về những ngôi nhà không có người ở cho thuê hoặc bán lại. Các tổ chức phi lợi nhuận đã biến nhiều căn nhà như vậy thành quán café hoặc nhà trọ. Sử dụng những căn nhà này cho dịch vụ thuê phòng Airbnb hoặc các dạng thuê ngắn hạn khác cũng đang được cân nhắc.
So với ở một số quốc gia khác, lượng nhà bị bỏ trống ở Nhật Bản vẫn còn thấp hơn. Một cuộc khảo sát hồi năm 2017 ở Trung Quốc cho thấy tỷ lệ nhà bị bỏ trống tại các thành phố của nước này là 1/5, đồng nghĩa với 65 triệu căn nhà không có người ở, hãng tin Bloomberg cho hay.
Theo VnEconomy
Hoang tàn chốn ăn chơi một thời của vua Bảo Đại
Từng được xem là nơi nghỉ dưỡng của vua, hoàng hậu và các quan thời Bảo Đại, thế nhưng sau gần chục năm đóng cửa để triển khai khu nghỉ dưỡng cao cấp; khu du lịch Bảo Đại hiện chỉ là một công trường bị băm nát, nham nhở.