Ông đã mất gần hết thị lực sau hàng trăm đêm thức trắng để sao chép những bản tin tuyệt mật, trong đó có những nguồn tin đặc biệt quan trọng giúp cho quyết định giải phóng miền Nam được đẩy lên thần tốc và quyết thắng. 

Sáng 30/4/1975

Năm đạo quân từ 5 cánh đổ về, rầm rập tiến vào thành phố. Những con đường tấp nập hằng ngày giờ bỗng trở nên tán loạn. 

Tại Toà đại sứ Mỹ. 

9 giờ sáng, chiếc máy bay di tản cuối cùng ngừng gầm rú ngay trên nóc toà đại sứ quán. Trước làn sóng quân giải phóng đang tiến vào đô thành, những người Mỹ còn lại trên mảnh đất này cũng rơi vào tình trạng hoảng loạn. Kenneth Moorefield – nguyên sĩ quan bộ binh – đã miên tả Sài Gòn giờ phút cuối thật kinh hoàng: “Hàng trăm người Việt Nam đổ ào lên những bức tường, cướp bóc kho hàng, phòng ốc, quầy bar. Một số người khác thì lái xe của sứ quán chạy lòng vòng như những kẻ điên khùng. Ở bên kia bức tường, cả đám đông người hát vang lời ca chống Mỹ, chào mừng chiến thắng đang tới gần của những người cộng sản... Từ trên cao, tôi có thể nhìn thấy văn phòng của tuỳ viên quân sự Mỹ - DAO - ở Tân Sơn Nhứt - bốc cháy. Cả thành phố im lìm một cách đáng sợ. Chỉ toàn một màu đen đặc. Không động tĩnh, không đèn điện, không một cảm giác nào về những gì đang đến”. 

Tại Bộ Tổng tham mưu của Quân đội Việt Nam Cộng Hoà (BTTM)…

41 chiến sỹ đặc công biệt động Z28 (đoàn 316 đặc công) chia làm 2 mũi tiếp cận đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu - đầu não của quân đội Việt Nam Cộng hoà – và chờ đại quân tiến vào.

9 giờ 40’, cờ giải phóng treo cao trên cột cờ BTTM chế độ Sài Gòn. Đại tá anh hùng Bảy Vĩnh nhớ lại khoảnh khắc đó: "Khi tôi và anh em xông vào thì thấy 2 nhân viên văn phòng ngồi chờ. Các ngăn tủ đã được khoá kín. Tôi hỏi đường lên nóc BTTM thì một người đàn ông cao, gầy chỉ đường...". Bảy Vĩnh còn không quên dặn người đàn ông cao gầy: “Ông ở đây coi khu vực này nghen”. Lời dặn chỉ bấy nhiêu, nhưng người đàn ông đó đã ở lại cho tới 3 giờ chiều cho tới khi mọi việc bàn giao xong xuôi. Hệ thống máy tính lưu trữ hồ sơ của hơn 1 triệu quân VNCH cùng toàn bộ giấy tờ tại văn phòng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên được niêm phong không mất một tờ nào. Mệnh lệnh cuối cùng của thời chiến, nhiệm vụ cuối cùng của người lính ẩn danh: ông đã hoàn thành! Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm (bí danh Sáu Trí, nguyên Trưởng phòng J22) sau này còn xác nhận thêm một chi tiết thú vị nữa: "Khi tiến vào trung tâm, đồng chí Bảy Vĩnh đã gặp nội tuyến của ta, chuẩn uý văn phòng BTTM. Nội tuyến này còn động viên sỹ quan binh lính địch ra hàng".

Mãi về sau, người hỏi lối kẻ chỉ đường mới có dịp gặp nhau trong một tình huống hoàn toàn ngược lại: Cuộc gặp mặt những anh em đồng đội của Phòng tình báo chiến lược (J22) - Bộ tham mưu quân giải phóng miền Nam. Bảy Vĩnh - sĩ quan chỉ huy quân biệt động khi ấy, Cụm trưởng Cụm tình báo H67 (đơn vị anh hùng) – đã nhận ra ngay người đàn ông “phe địch” mà mình gặp khi đánh chiếm BTTM chính là H3 - người mà rất nhiều năm sau này, CIA vẫn không ngừng thắc mắc: Ông là ai?

Những câu hỏi không được phép trả lời sai

Năm 1973. Hiệp định Paris về việc Mỹ chấm dứt sự can thiệp vào chiến tranh Việt Nam được ký kết. Tuy nhiên, trên thực tế, tiền viện trợ Mỹ, vũ khí Mỹ, trang bị Mỹ và cố vấn Mỹ vẫn tiếp tục được gửi sang miền Nam Việt Nam. Chính vì thế, trong hàng ngũ tướng tá cộng hoà xì xầm: nếu như Sài Gòn thất thủ, Mỹ sẽ không để yên cho phe cộng sản Bắc Việt. Những cuộc tắm máu có thể xảy ra… 

Ngày 4-4-1975, trong bản lượng giá về tình hình Việt Nam mà Tổng tham mưu trưởng Mỹ Fred C. Weyand gửi cho Tổng thống G. Ford, chính nhân vật này đã đề cập tới khả năng tham gia trở lại của quân đội Mỹ: “Chính phủ Nam Việt Nam đang bên bờ vực thẳm của một sự thất bại quân sự hoàn toàn. Tuy nhiên, miền Nam Việt Nam đang dự tính sẽ tiếp tục phòng ngự với nguồn lực sẵn có của mình, và nếu như được nghỉ ngơi, có thể sẽ tái thiết lại khả năng chiến đấu tùy thuộc vào sự yểm trợ về trang thiết bị mà phía Hoa Kỳ cho phép. Tôi tin là chúng ta phải có nghĩa vụ yểm trợ giúp họ.[…] Để duy trì sự tin tưởng đó, chúng ta phải nỗ lực tối đa trong việc hỗ trợ cho miền Nam Việt Nam ngay bây giờ”.

Ngày 5-4-1975, trong bản báo cáo về tình hình Việt Nam gửi cho tướng Brent Scowcroft – Phó trợ lý Tổng thống về các vấn đề an ninh Quốc gia, đại tá Clinton Granger – sĩ quan quân sự cao cấp của Nhà Trắng – nhắc đi nhắc lại: “Chữ tín của chúng ta với tư cách một đồng minh sẽ được đánh giá bằng những nỗ lực của chúng ta trong vài tuần tới, và hy vọng là vài tháng tới. Tuy khả năng thành công có vẻ thấp, nhưng Hoa Kỳ cần thiết phải thể hiện một hình ảnh rõ ràng về thái độ trợ giúp cho miền Nam Việt Nam. Điều này sẽ khiến cho chính phủ Việt Nam có chút cơ may sống sót và quan trọng hơn, sẽ bảo vệ được chữ tín của Hoa Kỳ trên thế giới”.

Trước hàng trăm bức điện mật, hàng ngàn thông tin nổi chìm, Hà Nội dồn dập yêu cầu tất cả các mạng lưới tình báo mật ở miền Nam phải tìm được câu trả: Liệu Mỹ đã thật sự muốn chấm dứt chiến tranh? Mỹ có tiếp tục duyệt ngân sách hỗ trợ quân sự cho chính quyền Nam Việt Nam hay không? 

Câu trả lời thực sự cuối cùng: “Mỹ coi chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc. Mỹ sẽ không chi viện cho Việt Nam Cộng Hoà bằng lực lượng chiến đấu của Mỹ”. Đó chính là nội dung bức điện tuyệt mật được trả về cho Bộ Tổng tham mưu, khi Sài Gòn gửi thư cầu viện sang chính quyền Mỹ, ngay sau trận tiến công và giải phóng Phước Long của quân cộng sản. Nội dung này đã nhanh chóng được H3 chuyển về các nhà lãnh đạo miền Bắc để họ ra quyết định cuối cùng. Nhờ đó, những bước chân thần tốc của quân giải phóng tiến vào Sài Gòn càng trở nên táo bạo.

Năm 1977, trong cuốn sách nói về sự sụp đổ của Sài Gòn (Decent Interval), Frank Snepp, cựu chuyên gia phân tích chiến lược của CIA, đã bắt đầu tò mò về “con người vô danh” mà ông gọi là “điệp viên trong hàng ngũ thân cận của Tổng thống Thiệu”. 

Năm 2006, trong hội thảo quốc tế về “Tình báo trong Chiến tranh Việt Nam” do Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Công nghệ Texax cùng Trung tâm Nghiên cứu Tình báo thuộc CIA, Merle Pribbenow – cựu nhân viên CIA – căn cứ từ nhận định của Frank Snepp, những đoạn hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng và một vài chi tiết báo chí khác, đã chắp nối và phỏng đoán rằng: đúng là phải có một điệp viên cộng sản từng nằm ngay trong lòng BTTM. Dường như không phải là sĩ quan cao cấp, không phải là tuỳ tùng thân cận của Tổng thống Thiệu, song chắc chắn nhân vật này đã gửi ra Bộ Chính trị Bắc Việt nhiều tin tình báo chiến lược.

Hàng trăm đêm thức trắng cho những bản tin tuyệt mật

Sinh năm 1933, cha là người Hưng Yên, má là người Nhị Khê, Ba Minh rất tự hào: “Tôi cùng quê với Nguyễn Trãi đó!”. Thuở dắt dìu nhau vào Nam, ba má ông sinh được 6 người con: 5 trai 1 gái. Ông là con thứ hai, được đặt tên là Nguyễn Văn Minh, thường gọi Ba Minh theo cách của người Nam bộ.

tinh bao 1641618595.jpeg
Ông Ba Minh (ngoài cùng bên trái).

Suốt hơn 10 năm làm việc trong Bộ Tổng Tham mưu, Ba Minh là nguồn tình báo đã báo về cho Hà Nội một “núi” thông tin, toàn loại tuyệt mật. Luôn tự nhận mình là người “ít học”, nhưng Ba Minh lại là người được Cao Văn Viên tin tưởng nhất trong việc sắp xếp hồ sơ, tài liệu. Nhờ ở vị trí đó mà chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, ông đã chuyển ra ngoài 90 bản tài liệu, mỗi bản dày hàng chục trang.

Từ H3, Hà Nội nắm rõ đường lối hoạt động của Hải quân chế độ Sài Gòn theo kế hoạch 1974–1975. Hà Nội biết rõ kết quả quân đội Sài Gòn tiến hành “triệt hạ các vùng lõm của Cộng sản” ra sao, khi bản báo cáo này đến BTTM. Hà Nội còn biết ngọn ngành cả kế hoạch tái chiếm R.B, trước khi kế hoạch này được triển khai. Một trong những nguồn tài liệu quan trọng để Bộ Chính trị đưa ra quyết định giải phóng Tây Nguyên trước khi tiến về Sài Gòn chính là từ những tin tức tình báo mà H3 lấy được. Nguyên phó phòng tình báo J22 (phụ trách tham mưu), Đại tá T.T nhớ lại: “Từ năm 1974, mình đã nhận được sách lược quốc gia năm 1975 của VNCH. Tất cả những tin mà H3 gửi về đều giúp ta phán đoán được tình hình và là một trong những nguồn tin quan trọng phục vụ cấp trên quyết định mở chiến dịch cuối cùng năm 1975“. 

Đến giữa tháng 4-1975, khi quân giải phóng áp sát Xuân Lộc, cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn, H3 đã hoàn thành xong sứ mệnh mà ông theo đuổi: Cống hiến cho Cách mạng. Ông lặng lẽ ẩn mình, lưới điệp báo A3 ngưng liên lạc. Việc duy nhất cuối cùng còn phải làm chỉ là bảo vệ trọn vẹn hồ sơ tài liệu, chờ đợi ngày toàn thắng.

Anh lính 'quèn' mê chơi số đề 

Ẩn trong vóc dáng gầy ốm, Ba Minh lẳng lặng đến công sở hằng ngày, ít nói và vô cùng thận trọng, bởi với ông, “lúc nào mình chẳng như cá nằm trên thớt”. Hơn 10 năm làm thư ký đánh máy tại BTTM là hơn 10 năm Ba Minh sống trong hang hùm. 10 đứa con nheo nhóc, 10 năm làm việc không màng gì thăng tiến, viên thượng sĩ nhất hay đau yếu liên miên ấy lại có cách làm việc rất chuyên nghiệp. “Chẳng xía vô chuyện của ai bao giờ”, Ba Minh trở thành một trong những viên thư ký được các đời Tổng tham mưu trưởng (trải từ thời tướng Nguyễn Hữu Có cho tới tướng Cao Văn Viên) đặc biệt tin cậy.

Ông biết cách sắp xếp tài liệu rất gọn gàng, có khi chỉ 2 phút sau khi tướng Viên yêu cầu là đã tìm xong. Ông còn là người được Cao Văn Viên tin tưởng, nhờ tìm mua những cuốn Kinh Phật trong giai đoạn cuối của cuộc chiến ở Việt Nam. Ông là thượng sĩ duy nhất được vào phòng Tổng tham mưu trưởng mà không cần xin phép trước. Thậm chí, có những tài liệu mật mà chỉ 5 người được phép biết, trong đó, 4 người kia đều phải hàng chóp bu. Có mỗi ông thì lúc nào cũng lờ đờ là một anh thượng sĩ.

Nhưng làm lính tráng quèn của BTTM mà chỉn chu, nghiêm túc quá thì cũng kỳ. Như ai, Ba Minh cũng đôi lần quậy dữ. “Tôi sống tự nhiên để có thể đóng góp những cái quý nhất cho cách mạng. Khi liên lạc bị đứt, tôi cũng sống làm việc bình thường thôi. Thậm chí tôi cũng gây lộn, đánh bạc… như tất cả người khác trong BTTM. Có dạo đánh bạc cũng dữ. Binh xập xám, tổ tôm… oánh tất. Một ông thiếu tá tuỳ viên, cận vệ của ông tướng phó trưởng liên quân, tương đương tổng tham mưu phó, cũng hay qua phòng tôi chơi bài”.

Sau này, chính bí quyết nguỵ trang số đề ấy đã giúp cho H3 giữ được an toàn tuyệt đối trong giai đoạn phải truyền tin tức dồn dập ra ngoài hồi cuối năm 1974. Thậm chí, cái vỏ “đề đóm” còn khiến ông “đến khi giải phóng lại thu được tiền lời bằng 8 tháng tiền lương”.

...

Trong ngôi nhà nằm ở ngay quận ngoại ô TP.HCM, vào một ngày cuối tháng 4-2007, H3 lặng ngồi hồi tưởng lại khoảnh khắc 30/4 của đời mình: “Khi đó, đang ở toà nhà chính, tôi thấy người của anh Bảy Vĩnh treo cờ. Tôi liền kiếm cái khác cho mấy ảnh treo. Rồi lúc trung đoàn xe tăng vô, đi tới đâu bắn tới đó. Tôi ngồi trong nhà lầu chắc chắn nhưng vẫn thấy rung rinh. Tôi lấy áo trắng ngoắc làm tín hiệu cho xe vô để khỏi bắn tốn đạn. Lúc đó tôi đã thay thường phục rồi. Cảm giác khi ấy mừng lắm. Mấy chục năm rồi… nay tôi đã thoát vòng nguy hiểm. Mừng, mà không chia sẻ được với ai“. 

Mấy ngày sau, ông ra trình diện, đi học tập cải tạo mất… 3 ngày, trước khi chính thức khoác lên mình bộ quân phục của người chiến sỹ tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bộ quân phục của ông khi ấy vẫn là bộ ngoại cỡ: dài lòng khòng cho cái thân gầy lọc cọc.

Phần 3: Điều tiếc nuối của thủ trưởng Hai Kim

Thế Vinh - Trường Giang - Việt Hà