- Chị là người Việt đầu tiên học thạc sĩ ở Anh ngành Nghệ thuật trong công tác phát triển xã hội. Lập gia đình nhưng do chịu một sức ép khá lớn từ sự khác biệt văn hóa Việt - Úc chị quyết định đơn thân nuôi con....Chị là Phan Ý Ly, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo & Phát triển cộng đồng Life Art.

Phan Ý Ly chụp chung với con trai Dion lúc con 2 tuổi. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Người Việt đầu tiên học thạc sĩ ở Anh

Vóc dáng mảnh khảnh, gương mặt sắc cạnh, Ý Ly còn gây ấn tượng ở lối sống cũng như quan niệm về hạnh phúc gia đình và chuyện nuôi dạy con.

Không chọn cho mình con đường bằng phẳng dễ đi, chị luôn muốn tìm đến những thử thách, khát khao khám phá bản thân và được thỏa sức sáng tạo. 16 tuổi, cô gái trẻ Ý Ly lên đường đi học ĐH ngành Tâm lý và xã hội ở Ấn Độ.

19 tuổi về Việt Nam và làm nhân viên Dự án xóa đói giảm nghèo cho Liên Hiệp Quốc ở Hà Giang. Khi Hội đồng Anh tổ chức một khóa học về Nghệ thuật và văn hóa trong phát triển, Ý Ly đăng ký tham gia dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ David Glass.

Một tháng sau, Ý Ly giành được học bổng Chevening - trở thành người Việt Nam đầu tiên học thạc sĩ ở Anh cho một ngành học rất mới: Nghệ thuật trong công tác phát triển xã hội.

24 tuổi, Ý Ly khởi xướng dự án đào tạo mô hình sân khấu diễn đàn cho một tổ chức dân vận từ xóm liều Kibera, thủ đô Nairobi, Kenya. Tham gia Trại Nghệ thuật biểu diễn Mekông lần 1 tại Manila (Philippines). Sáng lập sân khấu Nháp – nhóm sân khấu thể nghiệm độc lập đầu tiên tại Việt Nam được hình thành và quy tụ của lứa tuổi 8X.

Phan Ý Ly bên con trai. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

25 tuổi chị đạo diễn phim “Thảo nguyên xanh tươi” và một số dự án phim ra đời sau đó...Và trở thành nữ đạo diễn duy nhất trong 5 đạo diễn được chọn trong dự án làm phim cùng Discovery ở tuổi 28.

Một năm sau, chị thành lập và làm Giám đốc Trung tâm Sáng tạo & Phát triển cộng đồng Life Art với các lớp học “Yêu và bảo vệ bản thân” cho các bé 6-7 tuổi; “Tôi là ai?” cho các bé 8-12 tuổi; “Sống sáng tạo” cho nhóm học sinh trên 10 tuổi…

Lập gia đình rồi...đơn thân nuôi con

Có một sự nghiệp tạm gọi là thành công nhưng hạnh phúc với Ý Ly lại không hoàn toàn như chị mong muốn. Chồng Ý Ly là một người Úc. Hai người  không gặp rào cản gì từ phía gia đình, bạn bè.

Nhưng, thời gian sống chung, phải chịu một sức ép khá lớn từ sự khác biệt văn hóa và kỳ thị đến từ những người bạn ngoại quốc của chồng… chị cảm thấy bị quá tải. Phan Ý Ly quyết định sống đơn thân khi con trai tròn 1 tuổi.

"Tôi thích cuộc sống hiện tại" - chị nói. Dù vất vả nhưng bản thân tự thấy mình là người “nồng nhiệt, gai góc, không hợp lắm với sự bình an” vì nếu không ly thân cuộc sống vẫn đủ đầy cả về vật chất lẫn tinh thần....

Mẹ con cùng nhau làm đồ gốm. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Quan niệm sống ấy, theo chị “không phải theo lối của phương Tây hay ở đâu đó. Đơn giản là phải làm những gì tốt nhất cho cuộc sống được vui...”

Vậy là sáng sáng mẹ đi làm, con đến trường. 14h con về nhà chơi dưới sự giúp đỡ của cô trông trẻ đợi mẹ về. Cuối tuần, chị sẽ đưa con đi chơi hoặc cùng nhau làm một công việc gì đó để mẹ con hiểu nhau hơn. Với chị, đó là hạnh phúc!

Luôn lắng nghe để hiểu con

Chị từng lo lắng “con sẽ là nạn nhân của căn bệnh thành tích, thích bằng cấp hơn năng lực”. Nhưng, chị vẫn cho con tới trường bởi: “Nếu chỉ bao bọc con, cháu sẽ mất đi sự đề kháng. Nên mình nghĩ rằng đưa con đến trường dù hoàn hảo hay không cũng là việc mô phỏng một xã hội thu nhỏ. Ở đó, các cháu phải học cách làm chủ, sống được giữa những điều chưa hoàn hảo”.

Theo chị, “giáo dục không đồng nghĩa với chỉ có trường học. Giáo dục còn là cách con sống, cách con giao tiếp ở ngoài chợ, với thiên nhiên hay cách con mắc lỗi,... tất cả giúp con trưởng thành, hiểu mình là ai và có bản sắc riêng”.

Phút vui đùa của bé Dion. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Ở nhà, chị có bức tường để mẹ con thích gì thì vẽ lên đó rồi mẹ con giải thích cho nhau nghe. Luôn lắng nghe con để hiểu con, chị có thể ngồi hàng giờ...trong nhà vệ sinh để cùng con tô màu lên các bức tường và bồn cầu.

Chị không ngại khi cuối tuần dẫn con đi ra công viên cho con nghịch đất hay nói chuyện và giúp đỡ người ăn xin hay người bán hàng rong.

Ý Ly nói mình dễ tính nhưng vẫn có một số quy định với con như giờ này là ăn, giờ này là dừng. Nếu hết 15 phút cháu không ăn được nữa thì dừng lại.

Chị không chọn cách ép con ăn bằng cách lôi người này, người kia ra dọa bé. Thay vào đó, chị luôn cố gắng trung thực, nói những gì mình hiểu với con, dạy con cách đối mặt....Với những điều bản thân chưa biết, Ý Ly sẵn sàng nói “mẹ chưa biết con ạ” tránh giải thích lòng vòng, quanh co.

Chị quan niệm, không phải đánh con là nghiêm khắc mà nghiêm khắc là không xuề xòa, không để con mông lung không biết đâu là đúng. Ở lứa tuổi mầm non, việc chịu trách nhiệm cho hành vi và phải mang nỗi xấu hổ là quá sức.

"Các cháu cần niềm tin và sự vỗ về của bố mẹ. Con biết mình sai - người lớn nên chỉ cho con cách làm tốt hơn - đó mới là phương pháp giáo dục hiệu quả” - chị chia sẻ.

  • Văn Chung