Thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm ngày càng tinh vi
Qua giám sát, rà quét, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phát hiện 3 đối tượng gồm: Bế Văn Trường (sinh năm 1993, thường trú xã Yên Than, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh), Trương Đức Dương (sinh năm 1989, thường trú xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân, Hà Nam), Hoàng Quốc Anh (sinh năm 1999, thường trú thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) có hành vi lắp đặt, sử dụng trái phép trạm BTS tại một số địa điểm trên địa bàn TP.HCM, đã chuyển hồ sơ đến cơ quan công an để tiếp tục điều tra, xử lý hình sự.
Các đối tượng lắp BTS trái phép để phát tán tin nhắn giả mạo. Ảnh minh họa |
Khi phát hiện dấu hiệu xâm nhập trái phép mạng viễn thông, ngày 11, 12/2 Thanh tra Bộ TT&TT thông phối hợp với các đơn vị của Bộ và Cục A05 Bộ Công an đã tiến hành cuộc thanh tra đột xuất việc lắp đặt, sử dụng trạm phát sóng di động (BTS) trên địa bàn TP.HCM.
Quá trình thanh tra đã phát hiện Bế Văn Trường, Trương Đức Dương, Hoàng Quốc Anh thiết lập 3 trạm BTS giả tại 3 địa điểm tại quận Tân Bình và quận 12 để phát tán tin nhắn rác. Chỉ trong vòng 24 giờ từ khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, bằng biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ Thanh tra Bộ TT&TT đã xác định được vị trí phát tán, đối tượng thực hiện, kịp thời ngăn chặn.
Việc ra quân ngay từ những ngày đầu năm thể hiện quyết tâm của Bộ TT&TT trong việc ngăn chặn, xử lý triệt để loại hình vi phạm nghiêm trọng này và truyền đi thông điệp cảnh báo cho các đối tượng có ý đồ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam.
Thời gian gần đây, các đối tượng sử dụng cách thức tương tự để phát tán tin nhắn rác, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người, chúng thường mạo danh tin nhắn của cơ quan nhà nước, ngân hàng, của các đơn vị cung cấp dịch vụ… nếu ai không tỉnh táo thì rất dễ rơi vào bẫy của chúng. Đây là loại hình vi phạm nghiêm trọng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, không chỉ gây can nhiễu tần số vô tuyến điện, ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp, việc sử dụng dịch vụ của người dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin, bất ổn an ninh, chính trị.
Quá trình thanh tra cho thấy đối tượng thực hiện hành vi vi phạm đã sử dụng phương thức, thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi hơn, chúng sử dụng loại thiết bị nhỏ gọn, dễ dàng di chuyển đến các địa điểm khác nhau vì vậy cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong xác định đối tượng và vị trí mà chúng thực hiện hành vi vi phạm.
Theo lời khai nhận của Trường, Dương, Anh thì 3 đối tượng này được người Trung Quốc giao các trạm BTS (không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tên thiết bị, không có thông tin nhà sản xuất) và thuê phát tán tin nhắn rác tại khu vực có nhiều người qua lại. Bằng cách sử dụng kỹ thuật viễn thông, công nghệ thông tin chúng đã phát tán nhiều tin nhắn rác đến điện thoại người sử dụng gồm tin quảng cáo dịch vụ, giới thiệu các trang web cờ bạc… không loại trừ khả năng có phát tán tin nhắn xác thực cho các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam hoặc tin nhắn giả mạo ngân hàng để lừa đảo người dân.
Xét thấy hành vi vi phạm của Bế Văn Trường, Trương Đức Dương, Hoàng Quốc Anh rất nghiêm trọng và có dấu hiệu tội phạm, “Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” được quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã lập hồ sơ chuyển vụ việc đến Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Cần cảnh giác với tin nhắn giả mạo, lừa đảo
Trước những cách thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, Bộ TT&TT khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, khi nhận được tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, tin nhắn có gắn kèm theo đường liên kết (link), tin nhắn từ số điện thoại người thân hỏi vay tiền… phải thận trọng, kiểm tra kỹ, không nên thực hiện theo yêu cầu cũng như không ấn vào các đường liên kết trên tin nhắn để đề phòng kẻ xấu lừa đảo.
Mặt khác, khi phát hiện dấu hiệu bất thường, khả nghi của tin nhắn nhận được, phát hiện người lắp đặt thiết bị điện tử lạ, nhất là tại khu vực có mật độ dân cư đông đúc cần thông báo kịp thời cho Bộ TT&TT, Sở TT&TT hoặc cơ quan công an để ngăn chặn, xử lý.
Duy Vũ
Thực hư cuộc gọi hỏi tiêm phòng vắc xin rồi bị chiếm điện thoại, mất tài khoản ngân hàng
Đây hoàn toàn là tin nhắn giả mạo. Nội dung cụ thể thế nào để tránh?