Các nhà khoa học vừa tìm thấy những tàn tích của một lục địa cổ nằm rải rác giữa vùng biển Madagascar và Ấn Độ.

Cát chứa các mảnh vỡ của đá và khoáng chất cổ ở Mauritius được đưa lên bề mặt

Ngày 24-2, các nhà khoa học vừa công bố trên tạp chí Nature Geoscience bằng chứng về một tiểu lục địa đã mất tích từ lâu mang tên Mauritius, nằm cách Madagascar 900 km về phía tây. Tiểu lục địa này bị chia tách khỏi Madagascar cách đây từ 61-83 triệu năm do hoạt động núi lửa.

Nhà địa chất học Bjorn Jamtveit thuộc Đại học Oslo (Na Uy) cho biết: Khoáng chất bazan lâu đời nhất được tìm thấy ở Mauritius cách đây khoảng 8,9 triệu năm trước. Qua phân tích các hạt cát trên bãi biển Mauritius, các nhà khoa học phát hiện khoảng 20 loại khoáng chất cổ zircon kết tinh trong đá granit và nham thạch ít nhất 660 triệu năm về trước.

Mauritius được hình thành do sự đứt gãy bề mặt trái đất khiến siêu lục địa Pangea tách ra và hình thành nên những lục địa mà chúng ta biết ngày nay, chỉ có điều khác biệt là Mauritius bị ẩn đi. Những khoáng chất zircon cũng bị chôn sâu dưới địa tầng và chỉ bị đưa lên bề mặt do hoạt động của các núi lửa gần đây.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng còn rất nhiều mảnh vỡ của lớp vỏ lục địa nằm dưới đáy Ấn Độ Dương. Qua phân tích trường hấp dẫn của trái đất, một số khu vực rộng lớn ở Ấn Độ Dương có lớp vỏ đáy biển rất dày, ít nhất khoảng 25-30 km chứ không phải lớp vỏ 5-10 km như các đáy biển khác.

Theo NLĐ