Tại một bãi đá vôi nằm trên đường biên giới hai nước Bỉ và Hà Lan, các nhà khoa học phát hiện một mảnh xương nhỏ chĩa ra từ bên trong một hòn đá. Dựa trên sự tinh tế và nhẹ cân của mảnh xương, họ có thể xác định nó thuộc về một loài chim.
Sau khi chụp CT hòn đá, các nhà khoa học phát hiện một hộp sọ chim hoàn chỉnh được bao bọc bên trong lớp đá và có niên đại tới 66,7 triệu năm. Cùng thời gian với sự kiện quả thiên thạch khét tiếng rơi xuống Trái Đất và xóa sạch loài khủng long.
Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học nhận ra khối xương này có tính chất tương tự với xương của gà và vịt đang sinh sống ngày nay. Điều này có nghĩa rằng loài chim này không chỉ từng tồn tại cùng thời với khủng long, mà nó còn sống sót sau đợt thảm họa thiên thạch và phát triển mạnh mẽ.
Đây là xương sọ cổ xưa nhất của tổ tiên loài chim hiện đại, và các nhà đặt cho nó cái tên mỹ miều "Gà kỳ diệu - Wonderchicken". Nghiên cứu của họ được công bố trong một báo cáo khoa học xuất bản trên tờ Nature vào thứ tư vừa qua.
"Khoảnh khắc phát hiện những gì nằm bên trong hòn đá là khoảnh khắc phấn khởi nhất trong cả sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình", Daniel Field nói. Anh là tác giả của bản báo cáo và là một nhà cổ sinh vật học tại trường Đại học Cambridge. "Đây là hóa thạch nguyên vẹn nhất bất kể niên đại và địa điểm. Chúng tôi đã nghĩ bản thân đang nằm mơ khi nhìn thấy nó, đồng thời nhận thức rằng nó đến từ một khoảng thời gian nổi bật trong nền lịch sử của Trái Đất".
Tên khoa học của Gà kỳ diệu là Asteriornis maastrichtensis, đặt theo tên của vị thần chiêm tinh Asteria trong thần thoại Hy Lạp.
"Chúng tôi nghĩ đó là một cái tên phù hợp vì nó là một sinh vật sống trước khi sự kiện thiên thạch rơi xảy ra", Daniel Ksepka nói, đồng tác giả của báo cáo và quản đốc khoa học tại Bảo tàng Bruce, thị trấn Greenwich, Connecticut, Hoa Kỳ. "Trong thần thoại Hy Lạp, Asteria biến hình thành một con chim cút và chúng tôi tin rằng loài chim này có liên hệ rất gần với tổ tiên của chim cút, gà và vịt ngày nay".
Gà và vịt đều thuộc họ Điểu Cầm, danh pháp khoa học gọi là Galloanserae. Theo các nhà khoa học thì Asteriornis là một giống chim kỳ lạ do có cả đặc tính của gà và vịt.
Từ mảnh xương chân, họ xác định được chân của Gà kỳ diệu khá dài. Khoảng 66,7 triệu năm về trước, nhiều bộ phận của nước Bỉ là vùng nhiệt đới, nơi có các loài bò sát biển khổng lồ bơi lội dưới đại dương và khủng long bạo chúa săn mồi trên đất liền.
Các nhà khoa học tin rằng Gà kỳ diệu là một loài chim sinh sống tại bờ biển. Họ tìm thấy hóa thạch của nó tại các trầm tích đại dương và ước tính trọng lượng cơ thể của nó chỉ tầm 0,2 kg.
Hiện tại, có đến 11.000 giống chim tồn tại và hiểu được hết về dòng dõi của chúng là rất khó khăn. Một trong các nguyên nhân là vì xương của chim rất mong manh nên ít khi tồn tại hóa thạch nguyên vẹn.
"Nguồn gốc phân hóa của loài chim bị bao phủ trong một tấm màn bí ẩn. Chúng ta biết rằng giống chim hiện đại bắt đầu phát triển sau thời kỳ khủng long, còn trước khi thiên thạch rơi thì có rất ít bằng chứng về sự tồn tại của chúng", Albert Chen nói, đồng tác giả của báo cáo và sinh viên dự bằng Tiến sĩ tại trường Đại học Cambridge. "Hóa thạch này cho chúng ta cái nhìn trực diện về giống chim hiện đại trong thời điểm quan trọng trong lịch sử tiến hóa".
Tuy vậy, các nhà khoa học đã không thể nhận ra tầm quan trọng của các phát hiện nếu thiếu đi quá trình chụp CT.
"Khả năng chụp CT hóa thạch đã hoàn toàn thay đổi phương thức nghiên cứu cổ sinh vật học của thế kỷ 21", Field phát biểu.
Field và đồng tác giả Juan Benito (cũng là một học sinh dự bằng Tiến sĩ) đã cùng nhau tìm thấy hộp sọ chim khi tiến hành chụp CT.
"Tôi đã rất kinh ngạc khi phát hiện hộp sọ", Benito nói. "Nếu thiếu đi những công nghệ quét tiên tiến này, chúng tôi đã không hề biết mình đang cầm trong tay hộp sọ của loài chim lâu đời nhất thế giới".
Theo Field, phát hiện này có khả năng hỗ trợ các khám phá trong tương lai và sẽ giúp chúng ta tìm hiểu nguyên nhân, thời điểm và địa điểm giống chim hiện đại lần đầu xuất hiện.
Việc tìm thấy hóa thạch chim ở châu Âu và bán cầu Bắc khiến phát hiện này càng thêm đặc biệt.
"Hóa thạch chim thuộc về Kỷ Phấn Trắng ở châu Âu là cực kỳ hiếm hoi", John Jagt nói, đồng tác giả của báo cáo. Anh làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Maastricht, Hà Lan. "Việc khám phá ra loài chim Asteriornis đã đưa ra những bằng chứng đầu tiên chứng minh châu Âu là một khu vực quan trọng trong lịch sử tiến hóa của giống chim hiện đại".
Nếu điều đó là sự thật, các loài chim hiện nay đều có thể đã tiến hóa từ loài Asteriornis và nó có thể được coi là một loài chim vương miện. Chim vương miện là cách gọi loài chim được cân nhắc là tổ tiên chung của mọi loài chim.
"Hóa thạch này cho chúng ta biết rằng vào thuở xa xưa, các loài chim có cơ thể nhỏ bé và sống gần các bãi biển", Field nói. "Loài chim Asteriornis giúp ta nhận biết mục tiêu tìm kiếm trong các cuộc khám phá hóa thạch tương lai và tôi mong rằng nó có thể mở ra một thời đại khám phá về phương pháp, thời gian và địa điểm tiến hóa của loài chim hiện đại".
Nhưng câu hỏi quan trọng vẫn chưa được trả lời. Tại sao loài chim này và các loài chim khác sống sót đượt thảm họa thiên thạch?
Tác giả báo cáo nói rằng họ tin là những chú chim này có các đặc tính độc đáo giúp chúng sống sót.
"Loài chim này có vẻ đã sở hữu một cơ thể nhỏ nhắn và có tập tính không sống trên cây, có khả năng bay và ăn tạp", Field nói. "Chúng tôi tin rằng những đặc tính này đã đảm bảo sự sinh tồn của loài chim sau thảm họa thiên thạch, mặc dù hàng xóm khủng long của chúng thì không".
Trước đó, Field xuất bản một báo cáo về loài chim khác sống sót qua các sự kiện diệt chủng hàng loạt. Chúng cũng là những con chim nhỏ, sống trên cạn tương tự như loài chim này.
Field và đồng nghiệp sẽ nghiên cứu thêm những mẫu đá khác với hi vọng khám phá thêm nhiều điều về lịch sử của loài chim hiện đại.
Hóa thạch của chim Gà kỳ diệu sẽ được trưng bày ở Bảo tàng Khoa học Trái Đất Sedgwick, trú tại thành phố Cambrige, nước Anh. Buổi trưng bày sẽ dành riêng cho nó và có tên "Bình minh Gà kỳ diệu". Tuy nhiên, hiện nay bảo tàng đã đóng cửa do dịch bệnh hoành hành.
Theo GenK