Theo CNN, các nhà thiên văn học lần thứ hai đã phát hiện một dạng chuỗi bùng nổ sóng vô tuyến nhanh (FRB) lặp đi lặp lại từ ngoài không gian. Đó là các đợt bùng nổ sóng vô tuyến kéo dài chỉ vài phần nghìn giây ngoài Trái đất, để lộ một vài dấu vết về thiên hà quê hương của chúng.
Các chuyên gia cho biết, khác với những vụ bùng nổ sóng vô tuyến đơn lẻ thường xảy ra một lần và không lặp lại, FRB phát tỏa các sóng vô tuyến ngắn, năng lượng cao nhiều lần.
Các quan sát trước đây cho thấy, thường mỗi khi lặp lại, FRB phát tỏa lẻ tẻ hoặc thành một cụm. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi khi giới thiên văn học khám phá ra rằng, FRB 180916.J0158+65 có kiểu bùng nổ xảy ra trung bình 16,35 ngày một lần. Trong suốt 4 ngày, tín hiệu bí ẩn sẽ bùng nổ một hoặc 2 lần mỗi giờ. Sau đó, nó "án binh bất động" trong 12 ngày tiếp theo.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu phát hiện ra một dạng FRB thứ hai và đặt tên cho nó là FRB 121102. Trong chu kỳ hoạt động, FRB 121102 phát tỏa liên tục trong 90 ngày, rồi tạm dừng hoạt động trong 67 ngày. Chu kỳ này lặp lại sau mỗi 157 ngày.
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, FRB 121102 là dạng bùng nổ sóng vô tuyến nhanh đầu tiên có thể lần ra nguồn, liên quan đến một thiên hà lùn nhỏ nằm cách Trái đất hơn 3 tỷ năm ánh sáng vào năm 2017. Việc tín hiệu bí hiểm này có dạng hoạt động dài hơn ít nhất 10 lần so với FRB 180916.J0158+65 có thể ám chỉ phạm vi hoạt động lớn hơn, ví dụ như quanh quỹ đạo một ngôi sao khổng lồ hay một hố đen trong vũ trụ.
Cho đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân thực sự của các vụ bùng nổ FRB như trên. Trong khi chưa có câu trả lời chính xác, một số ý kiến nêu giả thuyết về sự liên quan của trí thông minh ngoài Trái đất, thứ mà nhân loại đang tìm kiếm suốt nhiều thập niên qua.
Tuấn Anh