Bệnh nhân là ông P.D.A (62 tuổi, Lâm Đồng) được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) trong tình trạng đau tức vùng hông phải, đi tiểu ra nhiều máu cục. 

Tại đây, các bác sĩ phát hiện ông A. có khối bướu thận phải, kích thước 10x10x8cm, tương đương một nắm tay người lớn. Kết quả sinh thiết cho thấy ông bị ung thư biểu mô tế bào thận. Khối bướu đã xâm lấn tĩnh mạch thận phải, xâm lấn màng bụng và bể thận gây thận ứ nước.

Nguy hiểm nhất, chồi bướu đã đi vào tĩnh mạch chủ dưới, lan cao lên đoạn trên gan, nguy cơ đến tim gây tử vong. 

Theo bệnh nhân A., ông đau vùng hông lưng phải từ hai năm trước nhưng nghĩ rằng vì tuổi già. Khoảng 6 tháng trước nhập viện, ông sờ thấy một khối cứng ở vùng hông phải, đau tức, cân nặng ngày càng giảm, chán ăn và tiểu máu. 

Ca phẫu thuật kéo dài 6 giờ với 3 ê-kíp. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Theo các bác sĩ, đối với ung thư thận giai đoạn tiến xa, khả năng điều trị khỏi sau 5 năm chỉ dưới 10%, tỷ lệ rất thấp. Người bệnh được điều trị nâng đỡ tổng trạng và liệu pháp nhắm trúng đích đến tháng 12/2022. Mặc dù có hiệu quả, bệnh nhân vẫn tái diễn tình trạng tiểu máu. 

Trước tình hình trên, Bệnh viện Bình Dân đã hội chẩn liên chuyên khoa, liên viện gồm: Ngoại niệu, Tim - Mạch máu, Gan mật tụy, Gây mê hồi sức và ê-kíp phẫu thuật tim của Viện tim TP.HCM. Các chuyên gia thống nhất, sẽ tiến hành cắt thận phải cùng khối bướu an toàn, mở tĩnh mạch chủ để lấy trọn chồi bướu, đảm bảo chồi bướu không trôi vào bên trong tim hay mạch máu phổi khiến người bệnh tử vong.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, cho hay bệnh viện từng phẫu thuật cho những ca có chồi bướu xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới hoành, vùng cửa tĩnh mạch chủ. Tuy nhiên, trường hợp của ông A. lại có nhiều thử thách hơn. 

Đây là ca đầu tiên cắt thận do ung thư, đồng thời mở tĩnh mạch chủ và tâm nhĩ phải lấy chồi bướu với sự hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể. Theo y văn, tỷ lệ tử vong ngay trên bàn mổ trong tình huống này là hơn 15%. Tuy vậy, phẫu thuật là “ánh sáng cuối đường hầm” cho người bệnh.

Trong gần 6 giờ đồng hồ, 3 nhóm bác sĩ phẫu thuật thao tác cùng lúc. Ê-kíp các chuyên gia phẫu thuật niệu mở bụng, bộc lộ thận phải, tĩnh mạch thận; ê-kíp phẫu thuật tim mở đường mổ ngực nhỏ, đặt các thiết bị nội soi ít xâm lấn vào tâm nhĩ phải để kiểm soát nguy cơ chồi bướu trôi về tim.

Với hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể, người bệnh lúc này như có 2 trái tim cùng làm việc, lượng máu lớn trong phẫu trường được hút đi và tái sử dụng, giúp cho bác sĩ có thể quan sát và thao tác phẫu thuật hiệu quả.

Bệnh nhân A. tái khám 3 tuần sau ca phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Chỉ 6 giờ sau phẫu thuật, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, phục hồi nhanh và xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ 7. 

"So với nhiều bệnh nhân, tôi có tinh thần lạc quan và luôn nỗ lực để hợp tác tốt trong điều trị. Có lẽ, đây là bí quyết để chống chọi với bệnh tật của tôi. Ca phẫu thuật thành công như là một lần tái sinh để tôi đón năm mới bên gia đình, không còn đau đớn", ông A. chia sẻ. 

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Châu, ung thư thận khi được phát hiện sớm và điều trị triệt để, tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới hơn 80%. Bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt thận bán phần, bảo tồn chức năng phần thận lành còn lại cho người bệnh nếu khối bướu chưa xâm lấn.

"Ung thư thận ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, do đó mọi người nên tầm soát bệnh định kỳ mỗi năm một lần bằng siêu âm bụng. Khi có những triệu chứng bất thường như đau tức vùng hông lưng, sờ thấy khối gồ lên vùng hông lưng, tiểu máu…, cần đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời", bác sĩ Châu khuyến cáo.