Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thông tin

Đây là một trong những giải pháp thiết thực được huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận chú trọng triển khai thời gian qua. Từ hệ thống thông tin này, người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách giảm nghèo, góp phần nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tâm lý trông chờ ỷ lại; nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. 

Thực hiện truyền thông giảm nghèo về thông tin thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Hàm Thuận Bắc đang tích cực triển khai truyền thanh thông minh đến các xã, thị trấn. Với nguồn kinh phí hơn 310 triệu đồng, huyện bố trí để thực hiện có hiệu quả tiểu dự án giảm nghèo về thông tin trên địa bàn. Cụ thể, trên hệ thống loa truyền thanh, nhiều tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững được phát thường xuyên. Đồng thời, qua truyền thanh, thông tin phản ánh những nhân tố điển hình trong sản xuất, gương điển hình về giảm nghèo bền vững cũng được cập nhật. 

W-giam ngheo Hue.jpg
Công tác truyền thanh được phát huy tích cực trong việc giảm nghèo về thông tin ở nhiều địa phương

Do đó, để giúp người dân tiếp cận, tìm hiểu và lựa chọn những thông tin hữu ích để vận dụng vào thực tiễn sản xuất nhằm phát triển kinh tế, huyện đã tăng cường đầu tư hạ tầng thông tin. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đông Giang K’Văn Vền, từ năm 2023 tới nay, xã được đầu tư 28 cụm loa phát thanh không dây. Ông Vền cho rằng, cụm truyền thanh không dây này đã phát huy hiệu quả tích cực, nhất là với những bà con không có khả năng tiếp cận với internet. Qua  đó, bà con nắm bắt kịp thời các thông tin, chủ trương chính sách, các cây trồng, vật nuôi, cách làm ăn mới… để từ đó áp dụng vào việc phát triển kinh tế của gia đình.

Phó trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hàm Thuận Bắc, ông Lê Trác Trung Hoài cũng chia sẻ, huyện bước đầu đưa truyền thanh thông minh về 5 xã, thị trấn, trong đó, hai địa phương thực hiện thí điểm là xã La Dạ và thị trấn Ma Lâm. Truyền thanh thông minh đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo. 

Ông Hoài cho biết, truyền thanh thông minh giúp cán bộ truyền thanh không phải đọc bài, nội dung phát sóng riêng cho từng khu phố, vừa thiết thực, nhanh chóng, vừa thu hút, hấp dẫn người nghe. Huyện Hàm Thuận Bắc phấn đấu sẽ số hóa truyền thanh, phủ kín truyền thanh thông minh tới các xã, thị trấn trên địa bàn vào cuối năm 2025.

Một người dân bày tỏ, loa phát thanh không còn nhiễu sóng, nghe rất rõ. Qua đây, các chính sách, hoặc các thông báo của địa phương được người dân hiểu rõ, hiểu đúng và biết thêm được nhiều chủ trương, chính sách của nhà nước dành cho người nghèo.

Đa dạng các hình thức tuyên truyền

Ngoài việc truyền thông bằng loa phát thanh thông minh, huyện còn thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền khác. Với phương châm: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở đã hướng dẫn cặn kẽ từ hình thức đến triển khai cụ thể các nhiệm vụ trong hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Tuyên truyền nhân rộng các mô hình giảm nghèo từ việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa bàn theo kế hoạch và mục tiêu huyện đã đề ra…

Bí thư đoàn thanh niên xã Đa Mi Hồ Viết Dũng cũng chia sẻ, đoàn thanh niên đã cùng mặt trận và các ban ngành đoàn thể của xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến đông đảo nhân dân trên địa bàn, thông qua các hình thức đa dạng như hệ thống loa phát thanh, các trang mạng xã hội, các nhóm zalo… Qua đó giúp người dân tiếp cận tốt các chính sách của Đảng, quy định pháp luật của nhà nước, từ đó mở ra các hướng đi mới cho người dân trong việc cải thiện, phát triển kinh tế, thoát nghèo và giảm nghèo bền vững.

Anh Dũng dẫn giải trường hợp xã đoàn kết nối hỗ trợ vốn  giúp anh Nguyễn Văn Thuận (thôn Đaguri) thực hiện mô hình trồng nấm kết hợp với canh tác sầu riêng. Đồng thời tạo điều kiện để anh tham gia các lớp chuyển giao công nghệ, tham quan mô hình để có thêm kinh nghiệm. Nhờ đó, sản phẩm nấm rơm của anh đã cung cấp cho nhiều thị trường, cơ bản giải quyết được vấn đề thu nhập, lấy ngắn nuôi dài để chăm sóc cây sầu riêng.

Nếu như năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Hàm Thuận Bắc còn 5,53% thì đến thời điểm hiện tại đã giảm xuống còn 3,2%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Việc người nghèo ở huyện được tiếp cận thông tin nhanh chóng, thuận lợi đã phát huy tác dụng, giúp nâng cao nhận thức, hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với công tác giảm nghèo.