Nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng chống tội phạm

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua, các mô hình đảm bảo an ninh, trật tự được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, góp phần vào công cuộc giữ gìn an ninh trật tự, bình yên cho người dân. 

Toàn tỉnh hiện có 07 mô hình phát huy hiệu quả tích cực, được Bộ Công an ghi nhận và đề nghị nhân rộng. Đó là mô hình “Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự”; mô hình "3 không, 3 có" trong khối cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; mô hình “Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thông qua mạng xã hội (Zalo)”; mô hình “Tiếng loa an ninh”; mô hình “Camera an ninh”; mô hình “Tự phòng, tự quản trong các cơ sở thờ tự”; mô hình “Tổ liên gia phòng chống tội phạm”. 

Thông qua các mô hình giúp cho người dân ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong tham gia bảo vệ an ninh, trật tự; phát huy tính tích cực, sáng tạo của mọi người trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Trong đó, tiêu biểu là mô hình “Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội” được xây dựng và triển khai đầu tiên tại chùa Pôthiphđôk, ấp Kinh Giữa 2, xã Kế Thành, huyện Kế Sách vào năm 2019. 

Một buổi lễ sinh hoạt tôn giáo tại chùa PreyChop, thị xã Vĩnh Châu. 

Việc thành lập và đưa vào hoạt động mô hình "Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự” nhằm huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, nhất là vai trò của các vị sư sãi, các thành viên Ban Quản trị chùa. Tuyên truyền, vận động bà con phật tử và người dân địa phương tuân thủ các quy định của pháp luật; tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phát hiện và tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Kịp thời thông tin cho lực lượng công an các thông tin có liên quan đến an ninh trật tự địa phương, cũng như trong khu vực chùa; góp phần đạt hiệu quả cao trong công tác bảo đảm giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Đồng thời, mô hình còn tạo mối quan hệ gần gũi giữa chính quyền với tôn giáo, lồng ghép những buổi sinh hoạt tôn giáo, tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn lôi kéo người tham gia vào các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Qua đó, các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động tín đồ, phật tử chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình sinh hoạt tôn giáo và sinh sống tại địa phương. Hòa giải các vấn đề mâu thuẫn trong tôn giáo, dân tộc; ổn định tình hình, tâm lý của phật tử. Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; ngăn chặn kịp thời các hoạt động liên quan đến an ninh, trật tự, không để phức tạp, nhất là tại các địa bàn trọng yếu, phức tạp về dân tộc, tôn giáo...

Mô hình “Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm” tại chùa Pô Thi ThLâng, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách. 

Để xây dựng và triển khai có hiệu quả mô hình này, Công an tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương phối hợp với với các ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, tranh thủ các vị chức sắc, chức việc trong các tôn giáo, người có uy tín trong dân tộc thiểu số… để vận động, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và tham gia mô hình. 

Bên cạnh đó, Công an tỉnh còn quan tâm, tổ chức thăm hỏi, động viên các vị chức sắc, chức việc, những người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo nhân dịp các ngày lễ hội, Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc, tôn giáo nhằm tăng cường, củng cố, thắt chặt mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và của lực lượng công an với đồng bào các tôn giáo, dân tộc.

Hiệu quả từ những mô hình hay

Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, một trong những biện pháp được đánh giá là mang lại hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Sóc Trăng là phối hợp công an các địa phương, đơn vị, ban ngành, cấp ủy chính quyền địa phương, xây dựng các mô hình đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở cơ sở, như mô hình “04 không, 03 có” tại Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ; mô hình “Sư sãi tham gia đảm bảo an ninh trật tự” tại một số chùa Phật giáo Nam tông Khmer…

Qua sơ kết đánh giá, xét thấy mô hình hoạt động hiệu quả, năm 2020 Công an tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tổ chức nhân rộng mô hình trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. 

Công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng công an, chính quyền, ban ngành các địa phương... xây dựng các mô hình gìn giữ an ninh trật tự ở cơ sở.

Mô hình đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Số vụ việc phức tạp có liên quan đến an ninh chính trị (gây rối, lôi kéo kích động chức sắc, chức việc, phật tử tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật) và các hoạt động vi phạm pháp luật khác (tệ nạn ma túy, cờ bạc, vi phạm giáo luật, vi phạm giao thông…) có sự chuyển biến tích cực và giảm rõ rệt. Qua đó đã giúp chính quyền địa phương hòa giải 40 vụ mâu thuẫn trong tín đồ, phật tử, cung cấp 145 tin báo cho lực lượng chức năng… 

Thông qua hoạt động của mô hình đã tuyên truyền, vận động được 157 cuộc, có 12.767 người dự; chức sắc, chức việc, phật tử đã cung cấp cho lực lượng công an và chính quyền địa phương 180 tin báo tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật. 

Nhờ vậy, giúp lực lượng công an khám phá 10 vụ việc vi phạm pháp luật; bắt, xử lý 40 đối tượng, phạt hành chính 101.750.000 đồng; giúp cảm hóa, giáo dục 69 đối tượng; hòa giải 37 vụ việc mâu thuẫn trong dân tộc, tôn giáo; vận động 93% cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh treo cờ Tổ quốc… Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch, phản động; thủ đoạn hoạt động các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật khác. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật trong quần chúng nhân dân, giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, Công an tỉnh đã nhân rộng được 29 điểm, Ban Chỉ đạo mô hình có tổng số 408 thành viên, huy động được 62 chức sắc, 72 chức việc, 3.409 tín đồ phật tử tham gia. 

Thiếu tá Thạch Quốc Thi, Trưởng công an xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề cho biết, xã có tổng số 9.899 nhân khẩu. Dân tộc Kinh chiếm 52%, dân tộc Khmer chiếm 43,4 %, dân tộc Hoa chiếm 9,2%, còn lại là các dân tộc khác. Mô hình "Sư sãi và phật tử tham gia phòng chống tội phạm" từ khi thành lập đến nay đã mang lại hiệu quả cao. Trong những ngày sinh hoạt tôn giáo tại các điểm chùa, các điểm sinh hoạt tôn giáo cộng đồng, Công an xã cùng nhà chùa lồng ghép, tuyên truyền trực tiếp và những người đến tham dự là những cầu nối để họ tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, qua đó nêu cao tinh thần tố giác tội phạm.

Thiếu tá Thạch Quốc Thi thăm, tặng quà Đại đức Lâm Hữu Tài, trụ trì chùa Phnô Ta Niêu ở ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, đồng thời dự họp mô hình "Sư sãi và phật tử phòng chống tội phạm".

Tại xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, chùa Thiên Thới đã phối hợp với chính quyền xã thành lập mô hình này trong phạm vi nhà chùa.

Cũng ở xã này, chùa Pô Thi Thlâng ở ấp An Nhơn, nơi vốn tập trung đông phật tử người Khmer đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương và công an trong việc tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho hơn 100 phật tử nhà chùa…

Từ khi có mô hình “Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự”, tình trạng mất cắp, móc túi, cướp giật không còn. Những vụ việc gây rối nơi công cộng giảm thiểu. Ngoài ra, tổ tuyên truyền của mô hình thường xuyên tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chính sách dành cho người dân tộc. Từ đó tình trạng vi phạm pháp luật giảm, bà con phật tử chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Ra mắt mô hình “Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự” ở chùa Đoltru, phường 1, thị xã Vĩnh Châu.

Tại phường 1 thị xã Vĩnh Châu có 1 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer là chùa Đoltru. Những năm qua, sư sãi và phật tử chùa luôn tích cực tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật.

Để lan tỏa và thúc đẩy hơn nữa công tác này, ngày 19/5, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phường 1 đã ra mắt mô hình “Sư sãi và phật tử tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội” của chùa Đoltru.

Ông Sơn Chốt, Phó Ban quản trị chùa Đoltru, phường 1 thị xã Vĩnh Châu chia sẻ: "Sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động, các thành viên của mô hình đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trong sư sãi và đồng bào phật tử, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao cảnh giác tội phạm cho bà con phật tử, qua đó ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội. Đến nay, tình hình an ninh trật tự tại chùa và cuộc sống của bà con trong phum, sóc được giữ vững, bà con yên tâm chăm lo phát triển kinh tế - sản xuất".

Kim Chi và nhóm PV, BTV