Kế thừa tinh thần “tốc chiến, tốc thắng” trong các trận quyết chiến chiến lược chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, như: Chiến thắng Bạch Đằng (1288), Chi Lăng - Xương Giang (1427), Ngọc Hồi - Đống Đa (1789), … trong 5 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ ngày 26 đến 30/4/1975), thực hiện phương châm: Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”1 của Bộ Chính trị và mệnh mệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”2 của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, quân và dân ta đã tiến hành thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thực tiễn lịch sử cho thấy, gần 200 năm kể từ sau Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa ngày 5 tháng Giêng xuân Kỷ Dậu (1789), tinh thần “tốc chiến, tốc thắng” của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo, tổ chức và chỉ huy của nhà quân sự thiên tài Quang Trung - Nguyễn Huệ đã được dân tộc ta kế thừa và phát huy thành công trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975, đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tiêu biểu và mang đậm dấu ấn tinh thần “tốc chiến, tốc thắng” trong trận quyết chiến chiến lược này là cánh quân hướng Đông Nam - cánh quân Duyên hải, do Binh đoàn Hương Giang (Quân đoàn 2) đảm nhiệm. Điều đó được thể hiện rõ:

Trước hết, đó là cuộc hành quân thần tốc, vừa hành quân, vừa chiến đấu của Quân đoàn 2 vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh

Quán triệt và thực hiện phương châm, tư tưởng chỉ đạo tác chiến chiến lược của Bộ Chính trị: Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm”… Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm 1975, không để chậm…3, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 xác định tư tưởng chỉ đạo cuộc hành quân là “thần tốc, táo bạo, nhanh, mạnh, chắc”4. Để bảo đảm nhiệm vụ hành quân trong hành tiến, Quân đoàn tổ chức đội hình thành 4 khối. Từng khối lấy đơn vị cơ sở là sư đoàn, lữ đoàn bộ binh và binh chủng để tổ chức. Ngay từ đầu, mỗi khối được tăng cường thêm một số phân đội binh chủng chiến đấu và bảo đảm. Riêng khối đi đầu (Sư đoàn 325) làm nhiệm vụ chiến đấu mở đường được tăng cường xe tăng thiết giáp, pháo binh, cao xạ, công binh, hóa học… bảo đảm đồng bộ, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ. Sau 18 ngày đêm (từ ngày 7 đến 24/4/1975) liên tục vừa hành quân vừa chiến đấu từ Đà Nẵng đến Bắc Sài Gòn, với sức mạnh tiến công như “thác đổ, triều dâng” và tinh thần “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, Quân đoàn đã vào vị trí tập kết chiến dịch đúng thời gian, giữ được bí mật nhiệm vụ và đủ sức bước vào chiến đấu ngay khi có lệnh. Quá trình hành quân trong hành tiến, Quân đoàn vượt qua chặng đường dài gần 1.000km, xuyên qua địa bàn 3 quân khu của địch gồm 11 tỉnh, 18 thị xã, thị trấn thuộc miền Trung và miền Nam Trung Bộ, khắc phục hàng chục cầu cống bị địch phá hủy khi chúng rút chạy; thực hiện ba trận đánh hiệp đồng binh chủng trong hành tiến (quy mô từ cấp trung đoàn đến sư đoàn) và nhiều trận đánh máy bay, tàu chiến địch; tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng lực lượng của Quân đoàn 3 và Quân khu 3 ngụy, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng5. Đánh giá về thắng lợi của cuộc hành quân thần tốc, đồng chí Lê Trọng Tấn - Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Binh đoàn tiến quân theo trục Đường số 1 và ven biển miền Trung đã góp phần quyết định vào cuộc tiến công tiêu diệt, đập tan lực lượng và tổ chức phòng ngự của quân ngụy ở Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân, giải phóng các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy - khu vực phòng thủ từ xa của Mỹ - ngụy đối với Sài Gòn trên hướng Đông”6.

Hai là, công tác chuẩn bị chiến đấu cho trận quyết chiến chiến lược được hoàn thành trong thời gian rất ngắn và đặc biệt khẩn trương

Do quy mô tác chiến của chiến dịch lớn, nhiều đơn vị và binh chủng tham gia chiến đấu đòi hỏi công tác bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật nhiều và phức tạp; thời gian để làm công tác tổ chức và chuẩn bị chiến đấu rất gấp. Hơn nữa, đây là tuyến phòng ngự kiên cố của địch nên đặt ra yêu cầu cao đối với cánh quân Đông Nam. 3 giờ ngày 24/4/1975, toàn bộ đội hình Quân đoàn 2 đã cơ bản vào đến vị trí tập kết chiến dịch (bố trí theo tỉnh lộ số 2 từ Đông Nam Xuân Lộc đến Bà Rịa) và thời gian hoàn thành công tác chuẩn bị chiến đấu cho Chiến dịch Hồ Chí Minh là trước 12 giờ ngày 26/4/1975. Trong vòng 2 ngày, phải làm sao quán triệt được mục đích, yêu cầu nhiệm vụ chiến dịch xuống tận cơ sở, tới từng chiến sĩ, đồng thời phải hoàn thành được toàn bộ công tác chuẩn bị chiến đấu. Mốc thời gian trên thực sự là một thử thách lớn về lề lối, tác phong công tác và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội ta. Đúng như Ph. Ăng-ghen đã khẳng định: Trong chiến tranh “Thời giờ là quân lính”7. Đứng trước thời khắc lịch sử của dân tộc, nhờ có sự chỉ đạo cụ thể, sát và kiên quyết: Việc gì cần phải làm, việc gì không làm, việc gì làm trước, việc gì làm sau, nhất nhất phải theo thời gian khống chế những việc lớn để thống nhất giữa các đơn vị; với tinh thần “thần tốc, quyết thắng”, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn đã nỗ lực phi thường và hoàn thành công tác chuẩn bị chiến dịch trên hướng Đông Nam vượt mốc thời gian quy định vào lúc 6 giờ ngày 26/4/1975. Trong quá trình chuẩn bị, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ và giúp đỡ tận tình của Đảng bộ và Nhân dân Đồng Nai, Sài Gòn - Gia Định. Đây cũng là nhân tố quan trọng để Quân đoàn thực hành “tốc chiến, tốc thắng”, phá vỡ tuyến phòng ngự Đông Nam, nhanh chóng tiến vào nội đô Sài Gòn.

Ba là, vận dụng cách đánh chiến dịch linh hoạt, táo bạo, phong phú, nhất quán từ trên xuống dưới và thể hiện được cách đánh của binh đoàn chủ lực tác chiến binh chủng hợp thành

Trước sức mạnh tiến công vũ bão của quân và dân ta, những cố gắng của Mỹ - ngụy chỉ là sự giãy giụa trong cơn hấp hối, đúng như chúng đã thừa nhận: Sự sống chỉ có thể tính từng ngày, từng tuần, không tính tháng. Nếu như “nhanh, mạnh, chắc” được xác định là tư tưởng chỉ đạo cuộc hành quân thần tốc vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, thì trong Chiến dịch này, trên hướng Đông Nam, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 xác định tư tưởng chỉ đạo tác chiến chiến dịch là “mạnh, nhanh, chắc”. Đây là một điểm hết sức độc đáo, thể hiện sự nhạy bén và trình độ phát triển trong chỉ đạo tác chiến chiến lược của Bộ Tư lệnh Quân đoàn. Thực hành tư tưởng chỉ đạo “mạnh, nhanh, chắc”, cánh quân Đông Nam đã vận dụng nhiều phương thức (hình thức) tác chiến rất linh hoạt như: Dùng sức mạnh binh chủng hợp thành để tạo sức mạnh đột phá tuyến phòng ngự địch, dùng binh đoàn hỗn hợp thọc sâu vào tung thâm phòng ngự địch, có mũi vu hồi chia cắt chiến dịch. Mỗi cách đánh đều phát huy hiệu quả sức mạnh tác chiến binh chủng hợp thành. Tất cả những điều đó đã tạo nên khí thế “tốc chiến, tốc thắng”. Trong 5 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, liên tục, Quân đoàn 2 đã tiến công đập tan tuyến phòng thủ Đông Nam Sài Gòn của địch, tiêu diệt, bắt và gọi ra trình diện hơn 2.000 tên địch, tiêu diệt và làm tan rã Lữ đoàn 468 lính thủy đánh bộ, Lữ đoàn 1 dù, Lữ đoàn 3 kỵ binh bay, Chiến đoàn 322, Chiến đoàn 318, bắn cháy 23 máy bay, thu và phá hủy hàng trăm khẩu pháo các loại, nhiều tàu thuyền chiến đấu cùng nhiều kho tàng và các phương tiện chiến tranh khác…; đánh chiếm và làm chủ căn cứ Nước Trong, Long Thành, Nhơn Trạch, Long Bình, Thủ Đức, Cát Lái, Quận 9, Quận 4, một phần Quận 1 và Dinh Độc Lập, bắt sống tổng thống và toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn8. Hiệp đồng tác chiến với Quân đoàn 2, sáng ngày 30/4/1975, Quân đoàn 3 (hướng Tây Bắc), Quân đoàn 1 (hướng Bắc), Quân đoàn 4 (hướng Đông), Đoàn 232 và chủ lực Quân khu 8 (hướng Tây và Tây Nam) đã đánh vào nội đô Sài Gòn chiếm các mục tiêu quân địch: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, v.v. Được sự ủy nhiệm của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 chủ động ra Thông cáo số 1 thông báo với toàn thể đồng bào: Quân Giải phóng đã làm chủ hoàn toàn thành phố Sài Gòn - Gia Định lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Tổng thống Dương Văn Minh đã phải đầu hàng vô điều kiện.

Qua thực tiễn lịch sử chiến đấu và chiến thắng oanh liệt của cánh quân trên hướng Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, một trong những kinh nghiệm lớn được rút ra là: Việc quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, nắm vững thời cơ, nhuần nhuyễn tư tưởng chỉ đạo tác chiến để có quyết tâm, ý chí chiến đấu cao, dũng cảm xốc tới là điều kiện cơ bản thực hiện “tốc chiến, tốc thắng”.

Đối với cánh quân Đông Nam, việc quán triệt nhiệm vụ chiến dịch không phải chỉ làm sau khi nhận lệnh của Bộ, mà đã được tiến hành kết hợp trong việc giáo dục thực hiện cuộc hành quân thần tốc từ Đà Nẵng vào tham gia chiến dịch. Quân đoàn 2 đã quán triệt sâu sắc nhiệm vụ và nhận thức rõ, đây là thời cơ có một không hai của cách mạng miền Nam và của cách mạng Việt Nam, nếu bỏ lỡ thì không những sẽ còn gặp nhiều khó khăn, mà còn có tội với lịch sử. Tinh thần quán triệt nhiệm vụ và nắm thời cơ được thể hiện ở tính chủ động, mạnh dạn đề đạt ý kiến, hoàn toàn nhất trí với Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu khi được tiến quân vào tham gia trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Quá trình quán triệt nhiệm vụ là một quá trình đấu tranh tư tưởng, giáo dục trong cấp ủy, trong Đảng, trong cán bộ rồi mới lan ra chiến sĩ. Bất kỳ một công tác gì, một cuộc vận động nào cũng phải được kết hợp chặt chẽ với việc quán triệt nhiệm vụ, phải chống cho được tư tưởng nghỉ ngơi, mệt mỏi sau quá trình hành quân đường dài, thần tốc trong 18 ngày đêm liên tục vừa hành quân, vừa chiến đấu. Việc quán triệt đó, tiếp tục được tiến hành xuyên suốt từ chuẩn bị bộ đội, chuẩn bị chiến trường, cơ sở vật chất, kỹ thuật, hậu cần. Nhờ đó, mọi công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng Đông Nam, mặc dù thời gian ngắn và rất khẩn trương, nhưng kết quả cuối cùng đã đáp ứng yêu cầu các mặt, vượt thời gian quy định, bảo đảm cho Quân đoàn 2 thực hành “tốc chiến, tốc thắng”.

Song song với việc quán triệt nhiệm vụ, nắm vững thời cơ, thì việc quán triệt nhuần nhuyễn tư tưởng chỉ đạo tác chiến chiến dịch tiến công chiến lược giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trong quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã xác định tư tưởng chỉ đạo tác chiến “mạnh, nhanh, chắc”. Kết quả phát triển của chiến dịch đã chứng minh tư tưởng chỉ đạo đó là chính xác, hoàn toàn phù hợp. Việc quán triệt đã được tiến hành xuyên suốt trong công tác tổ chức chỉ huy và thực hành chiến dịch. Cán bộ chỉ huy và chiến sĩ tham gia chiến dịch luôn thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo tác chiến “mạnh, nhanh, chắc”. Nội dung cơ bản của mạnh là phải tập trung ưu thế lực lượng có trong tay, phải được tổ chức tỉ mỉ, chu đáo, phải hiệp đồng nhất trí ăn khớp, phải có cách đánh (chiến thuật) đúng, linh hoạt, sắc bén… cuối cùng đạt được việc phát huy sức mạnh tổng hợp binh chủng hợp thành; nhanh là phải hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian quy định, nâng cao tốc độ tiến công, khắc phục mọi trở ngại trên đường tiến quân để đi tới đích, phải chuẩn bị và tổ chức chiến đấu cho gọn, đầy đủ, khéo bố trí và kết hợp các công việc với nhau, thời cơ diệt địch xuất hiện thì dũng mãnh xốc tới; chắc là chuẩn bị có tổ chức, phân tích lợi hại một cách toàn diện về địch, về ta, về địa hình để tiến hành công tác chuẩn bị, tổ chức chỉ huy và thực hành tác chiến, đồng thời tính toán một cách chắc chắn, khách quan và toàn diện để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, tránh tình trạng lề mề, chậm chạp, bỏ lỡ thời cơ và tránh đánh ẩu. Hiểu được bản chất của “mạnh, nhanh, chắc” lại còn phải thấy rõ mối liên quan hỗ trợ của nó; nhanh mà không mạnh không chắc thì cũng không thể đột phá tuyến phòng ngự của địch, mạnh mà không nhanh không chắc thì dễ mất thời cơ, không mạnh không nhanh thì không thể bảo đảm (chắc) “tốc chiến, tốc thắng”. Nói như vậy để nhấn mạnh rằng, cần phải hiểu ba vế trên một cách hoàn chỉnh, không chỉ tập trung vào một vế. Các yếu tố “mạnh, nhanh, chắc” có mối quan hệ biện chứng, tác động hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên sức mạnh để quân ta thực hiện “tốc chiến, tốc thắng”.

Trải qua một thời gian nỗ lực chuẩn bị và đẩy mạnh tiến công địch, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, miền Nam được giải phóng hoàn toàn, non sông thu về một mối. Vinh dự được tham gia trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn - Gia Định, Quân đoàn 2 một lần nữa thể hiện sức chiến đấu lớn, sức đột kích mạnh, tính cơ động cao, xứng đáng là thành viên lực lượng chủ lực cơ động trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, truyền thống “thần tốc, táo bạo, quyết thắng” của Quân đoàn được hình thành từ chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và cuộc hành quân thần tốc phá vỡ các tuyến phòng thủ ngăn chặn của địch dọc các tỉnh Duyên hải miền Trung và miền Nam Trung Bộ được phát huy cao độ với khí thế “tốc chiến, tốc thắng”, đã trực tiếp góp phần quyết định làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975. Trong Lễ kỷ niệm lần thứ nhất thành lập Binh đoàn Hương Giang tại Thủ Đức (17/5/1974 - 17/5/1975), Đại tướng Văn Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh khẳng định: Binh đoàn Hương Giang đã hoàn thành nhiệm vụ một cách đặc biệt xuất sắc.

Thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng Đông Nam là một minh chứng sống động khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh. Với sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của cấp trên, sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với đơn vị bạn trên các hướng, với đặc công và sự chi viện đắc lực của Đoàn 559, Quân đoàn 2 đã phát huy cao độ truyền thống “thần tốc, táo bạo, quyết thắng” hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Trong tình hình hiện nay, mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng diễn biến thay đổi hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; các mâu thuẫn cơ bản của thời đại tiếp tục tồn tại và phát triển. Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, đặc biệt là tinh thần “tốc chiến, tốc thắng” nhằm “xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại,…”9 đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cán bộ, chiến sĩ toàn quân phải thực hiện tốt các yêu cầu cơ bản sau:

Thứ nhất, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội và sự nghiệp quốc phòng. Bất luận trong hoàn cảnh nào, Quân đội phải luôn giữ vững định hướng chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Đường lối quân sự của Đảng là ngọn cờ trăm trận trăm thắng. Do đó, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng là nguyên tắc, yêu cầu quan trọng nhất, nhân tố quyết định và xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta trong thời kỳ chiến tranh cách mạng trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Thứ hai, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, gắn bó máu thịt với Nhân dân làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn quân. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, kết hợp với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua, các cuộc vận động của toàn quân, v.v. Đây là giải pháp nền tảng góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Kịp thời khắc phục những nhận thức, tư tưởng lệch lạc, chủ quan, thiếu cảnh giác; chủ động đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động quân sự, quốc phòng, văn hóa - văn nghệ, gương điển hình tiên tiến trong Quân đội; chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời định hướng dư luận, đặc biệt là trước các vấn đề phức tạp, nhạy cảm nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng xuyên tạc, kích động, lôi kéo. Tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động in, xuất bản, báo chí, văn hóa - văn nghệ, bảo đảm giữ vững định hướng chính trị với phương châm “cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”10.

Thứ ba, thực hiện tốt chức năng nghiên cứu, tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng. Tập trung quán triệt, nắm vững đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có chủ trương, đối sách xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Chú trọng nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp tổng thể, cơ bản, lâu dài, ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, nhất là vấn đề Biển Đông và vùng biển Tây Nam. Quán triệt và thực hành hiệu quả các chiến lược, nghị quyết, kết luận, đề án quan trọng về quân sự, quốc phòng như: Chiến lược quốc phòng Việt Nam, Chiến lược quân sự Việt Nam, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược phát triển Ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045; Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tình báo trong tình hình mới; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Luật Quốc phòng năm 2018 (sửa đổi), Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Luật Biên phòng Việt Nam,… góp phần hoàn thiện, phát triển tư duy lý luận quân sự, quốc phòng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài.

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá, tạo sự chuyển biến về tổ chức, biên chế; huấn luyện và đào tạo; xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật của bộ đội và cải cách hành chính quân sự. Tập trung triển khai thực hiện tốt nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng…, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”…

Tiếp tục đột phá đổi mới huấn luyện theo Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành huấn luyện, đào tạo theo hướng “Tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”. Thực hiện phương châm huấn luyện “Cơ bản - Thiết thực - Vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu. Xây dựng một số học viện, nhà trường theo mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; đồng thời, nâng cao chất lượng công tác bảo đảm huấn luyện đáp ứng yêu cầu “Khoa học - Hiệu quả - Kịp thời”.

Duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt, công tác; nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ. Tăng cường kiểm tra đột xuất đánh giá thực chất tình hình, kết quả thực hiện kết luận, chỉ thị, quy định về xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật của cơ quan, đơn vị. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện và triển khai hiệu quả Đề án “Cải cách hành chính trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Thứ năm, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; các kết luận, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng phù hợp với Chiến lược quốc phòng Việt Nam, Chiến lược quân sự Việt Nam và yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Quy hoạch, sắp xếp các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt trên ba miền phù hợp với thế trận phòng thủ chiến lược. Xây dựng công nghiệp quốc phòng theo hướng “tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng” trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước.

Trên đây là năm yêu cầu nhiệm vụ cơ bản, có ý nghĩa chiến lược đối với quá trình xây dựng Quân đội ta trong thời điểm hiện tại và những năm tiếp theo. “Nếu muốn hòa bình thì hãy chuẩn bị chiến tranh”11. Lời khẳng định đó của Ph. Ăng-ghen cho thấy tầm quan trọng, sự cần thiết phải nâng cao sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang, trong đó Quân đội là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm chiến đấu thắng lợi. Với tinh thần đó, việc học tập, kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc ta, đặc biệt là tinh thần “tốc chiến, tốc thắng” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là nhiệm vụ quan trọng mang tính thường xuyên, liên tục, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chiến lược của Quân đội ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
______________________

1 - Điện của Bộ Chính trị ngày 01 tháng 4 năm 1975.

2 - Điện của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ngày 07 tháng 4 năm 1975.

3 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 95-96.

4 - Quân đoàn 2 - Tổng kết hành quân thần tốc vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, Nxb QĐND, H. 1996, tr. 14.

5 - Binh đoàn Hương Giang, Nxb QĐND, H. 1985, tr.160. (Xem thêm: Quân đoàn 2 - Tổng kết hành quân thần tốc vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, Sđd, tr. 62-63).

6 - Trung tướng Lê Trọng Tấn - Mấy vấn đề về chỉ đạo và chỉ huy tác chiến, Nxb QĐND, H. 1979, tr. 369-370.

7 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H. 1993, tr. 623.

8 - Binh đoàn Hương Giang - Nxb QĐND, H. 1985, tr.204.

9 - Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội nhiệm kỳ 2020 - 2025, Số 176-NQ/ĐH, tr. 4.

10 - Phát biểu của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tại Hội nghị Báo chí toàn quốc, ngày 31/12/2020.

11 - Ph. Ăng-ghen - Tuyển tập luận văn quân sự, Tập VI, Nxb QĐND, H. 1974, tr. 97.