- "Hiện nay không thể kể hết tên những cuộc thi, show game đang khai thác bolero một cách thái quá. Người ta phát ngấy khi từ các cụ già đến các em nhỏ, từ ca sĩ chuyên nghiệp đến không chuyên nghiệp, diễn viên rồi cả danh hài đều chạy ào theo bolero", nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.
Sốt bolero ít di chứng hơn là cúm gà
Không thích - thích!
Bolero bị mặc định là dòng nhạc quá ủy mị, lời ca với những câu chuyện tình buồn thê lương, bi kịch của tình yêu. Sự chia ly, tủi phận, không môn đăng hộ đối, sự phụ tình, phận nghèo thiệt thua… Những nội dung được xem không tích cực ấy lại được khoác lên mình một tính chất âm nhạc dàn trải, kể lể. Trong khi mỗi ca sĩ hát lại cố thể hiện sự mùi mẫn, rên xiết với mong muốn cho bài hát chạm được tới đáy của sự khổ đau qua giọng hát của mình. Cộng hưởng những điều này càng làm cho bolero buồn hơn.
Danh ca Giao Linh. |
Ở góc độ nào đó, những cảm nhận trên không phải không có lý. Và vịn vào đó làm lý lẽ, nhiều người sợ rằng, những bài hát ấy sẽ làm cho tâm hồn buồn càng buồn hơn, trái tim yêu yếu đuối càng yếu đuối hơn, những tâm hồn đang ở ngưỡng khủng khoảng tinh thần không lối thoát sẽ bị chặn đứng bởi một bức tường thành của sự thê lương, u ám. Mà đời người đâu chỉ có nỗi buồn!
Những người thích bolero lại có lý lẽ riêng. Bolero là bạn tâm hồn của những người nghèo, những người thiệt phận, những người bị tình yêu bội bạc, những người có hoặc từng có những bế tắc trong cuộc sống… Khi ở cái ngưỡng của sự khổ đau, khi những người thân hiện hữu đã cạn lời sẻ chia mà tâm hồn vẫn chưa được nguôi ngoai, họ tìm tới những bài hát buồn ấy như tìm sự đồng cảm, vịn vào nó như một lời động viên, tự an ủi lòng mình.
Thật ra, nỗi buồn cũng là một phần của cuộc sống. Sự chán chường, thất tình… cũng cũng giúp cho cuộc sống thêm trải nghiệm. Các cụ ta xưa đã nói “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời” cũng chỉ là để an ủi, động viên nhau. Vậy thì hai vợ chồng đang trong tâm trạng bế tắc thì câu hát “Không giờ rồi anh ngủ đi thôi, hơi đâu mà lo lắng anh ơi” tưởng chừng như than thở, nhưng lại là lời động viên nhau bởi một niềm tin cho dù có thể rất mịt mờ ở phía trước...
Nhưng nói gì thì nói, thích hay không thích thì nhạc vàng - bolero vẫn tồn tại. Và “không thích - thích” sẽ mãi là cặp phạm trù cùng song song tồn tại, sẽ không có gì có thể triệt tiêu trừ khi dòng nhạc này bị triệt tiêu khỏi đời sống tinh thần của người Việt. Và điều đó sẽ thật khó. Vậy tại sao ta không sống chung với nó?
Bolero là một sáng tạo
Thực tế không phải ngẫu nhiên bolero tồn tại bền bỉ như vậy thậm chí còn đạt tới ngưỡng có thể gọi là "cuồng". Mọi sáng tạo được sinh ra đều nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Đối với nghệ thuật, nó là lăng kính phản ánh tâm tư, tình cảm, tư tưởng và cái nhìn đầy nhạy cảm của người nghệ sĩ về thế giới mà họ đang sống, để rồi họ gửi gắm vào sáng tác của mình.
Tôi cho rằng, một trong những lý do tác động đến sự ra đời của dòng nhạc này là hoàn cảnh xã hội. Bolero ra đời từ nhu cầu thực tiễn của người Việt, trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, xã hội ở miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 có nhiều biến động. Một đặc điểm khác nữa là đặc trưng dân tộc. Cùng với sự tồn tại của dân tộc Việt là triền miên những cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Mỗi một cuộc đấu tranh là biết bao nhiêu cuộc chia ly; trong đó bao nhiêu cuộc chia ly sẽ mãi mãi không có ngày đoàn tụ? Vì nghĩa lớn, nó vẫn mặc nhiên được người Việt chấp nhận.
Rất nhiều bài nhạc tình buồn của sự chia ly đã có từ hàng trăm năm nay, có thể dễ dàng tìm thấy trong nhiều thể loại ca hát dân gian truyền thống từ Bắc chí Nam. Phải chăng điều đó có ảnh hưởng tới thẩm mỹ, tới cách nghe nhạc của người Việt? Và điều đó cũng là một trong những lý do để bolero xuất hiện và tồn tại cùng đời sống người Việt trong một lát cắt lịch sử?
Ở góc độ âm nhạc, sự giao lưu văn hóa âm nhạc phương Tây với con người bản địa đã tạo nên dòng nhạc. Những bản nhạc trữ tình dòng âm nhạc tiền chiến của nền tân nhạc có từ trước đó được nhiều nhạc sĩ miền Bắc mang theo khi di cư phổ biến ở miền Nam. Cũng trong giai đoạn trước 1975 miền Nam có sự cởi mở, giao lưu văn hóa, bolero cùng những điệu nhạc quyến rũ khác đã xâm nhập và nhanh chóng lan tỏa.
Nhưng với đặc trưng của người Việt, luôn ý thức về cái tôi của tính dân tộc nên những điệu nhạc được khai thác gần như đã không tìm thấy sự nguyên bản, thay vào đó là những đặc trưng riêng phù hợp với nhu cầu của người Việt. Vì thế điệu nhạc bolero Việt có tiết nhịp chậm hơn, mang tính kể lể, dàn trải... Một số điệu nhạc khác tương đồng với tính chất này cũng được khai thác để các nhạc sĩ viết lên những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ. Từ đó, góp phần tạo nên hình hài một dòng nhạc được gọi với nhiều cái tên khác nhau như nhạc vàng, nhạc sến và ngày nay gọi là bolero. Đáng chú ý, ngay chính bản thân dòng nhạc dù là một tính chất đặc trưng nhưng có nhiều màu sắc khác nhau. Có những bài mang tính trữ tình, tự sự, lại có những bài khai thác chất liệu dân gian, âm hưởng Nam Bộ...
Dù đã có hơn một nửa thế kỷ tồn tại, bolero vẫn được sự đón nhận nồng nhiệt, chứng tỏ nó còn sức sống và còn là chỗ dựa tinh thần cho một bộ phận người Việt cả trong nước và hải ngoại. Cho nên, bolero ra đời là sự đóng góp đáng trân trọng chứ không phải thứ âm nhạc cần loại bỏ khỏi đời sống người Việt.
Bolero đang bị lạm dụng
Mang trong mình những đặc điểm thuộc về thế giới tinh thần của người Việt, nên theo tôi, dù bolero là dòng nhạc dễ nghe nhưng không dễ hát. Để hát ra chất, bên cạnh giọng hay, mượn mà, hoặc gai góc còn cần tình cảm dạt dào. Nhưng vẫn chưa đủ, người hát bolero phải có sự trải nghiệm cuộc đời, nếm đủ đầy những đắng cay, buồn vui, tủi cực và hạnh phúc ngập tràn để mang điều đó vào âm nhạc. Khi đã có đủ những điều này vẫn còn một yếu tố quyết định nữa đó là yếu tố “nghề”, sự chuyên nghiệp, độ “tinh” của người hát.
Có lúc nào bạn tự hỏi tại sao giọng hát Chế Linh, Thanh Tuyền, Giao Linh... lại khiến bạn không thể quên, cho dù họ có thể lạc giữa hàng ngàn giọng hát vẫn dễ dàng nhận ra? Để có được “cái tôi” của giọng hát, chắc chắn họ phải tìm hiểu và tìm ra cách riêng cho mình. Vì vậy mà ngay từ trước đây, thời hoàng kim của bolero, cũng không có nhiều gương mặt được vang danh. Ngày nay, khán giả biết tới cũng chỉ còn một vài cái tên như: Duy Khánh, Chế Linh, Giao Linh, Thanh Tuyền... rồi Tuấn Vũ, Trường Vũ hay Mạnh Quỳnh, Như Quỳnh, Ngọc Sơn, Cẩm Ly, Quang Lê. Lệ Quyên... Trong khi những cái tên ấy lại trải dài trong nhiều thế hệ.
Chế Linh - Thanh Tuyền. |
Ấy vậy mà hiện nay không thể kể hết tên những cuộc thi, show game đang khai thác bolero một cách thái quá. Người ta phát ngấy khi từ các cụ già đến các em nhỏ, từ ca sĩ chuyên nghiệp đến không chuyên nghiệp, diễn viên rồi cả danh hài đều chạy ào theo bolero... Trên thực tế, dù có là “sơn hào hải vị” thì cuộc sống cũng không chỉ cứ mãi một món. Ngược lại, sự đa dạng các món ăn mới là điều góp phần tôn lên nét riêng biệt, giá trị của từng món. Sự khai thác đang có phần lạm dụng của các nhà tổ chức chương trình giải trí trên truyền hình đang góp phần tạo nên một không gian hỗn độn cho bolero. Đẩy tăng số lượng người thiếu thiện cảm cho dòng nhạc này.
Để thực trạng không đáng có này diễn ra có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do những lý do khách quan từ yếu tố lịch sử, một thời gian dài dòng nhạc này có những hạn chế phổ biến nhất định. Một phần nữa là bởi ngành văn hóa còn lạc hậu, “cởi” quá chậm so với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Một phần khác nữa là cơ chế sự quản lý nghệ thuật biểu diễn hiện tại chưa thống nhất giữa hai ngành quản lý văn hóa với phát thanh truyền hình. Trong khi ngành phát thanh truyền hình chưa thấy có những quyết định nhằm khống chế thời lượng cho dòng nhạc vốn đang bị khai thác quá đà.
Đương nhiên, bolero là sự đóng góp có giá trị cần được ghi nhận, nhưng không nên quá lạm dụng. Đặc biệt, ngoại trừ những bài khai thác chất dân gian có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, miền đất thì bolero hoàn toàn không phù hợp với trẻ em. Chừng nào bolero còn bị lạm dụng chừng đó còn có những cuộc tranh cãi không hồi kết. Chừng nào, bolero vẫn còn là bài hát để cho các em nhỏ thể hiện chừng đó còn thể hiện sự thất bại trong chiến lược giáo dục thẩm mỹ. Chừng nào bolero còn bị lạm dụng chừng đó còn thể hiện sự lúng túng trong quản lý văn hóa nghệ thuật của các cơ quan có trách nhiệm.
Nguyễn Quang Long
(Nhà lý luận phê bình âm nhạc)