Vi pham ban quyen phan mem.jpg
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan Việt Nam tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ để thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

>> 81% phần mềm máy tính ở Việt Nam vi phạm bản quyền

Cả doanh nghiệp "ngoại" và "nội" đều là... nạn nhân

Tại Tọa đàm về Sở hữu trí tuệ (SHTT) và đổi mới sáng tạo do Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức sáng nay, 18/9/2012 ở Hà Nội, nhiều số liệu cập nhật và góc nhìn mới đã được chia sẻ xung quanh việc vi phạm quyền SHTT, một câu chuyện được coi là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” song chưa thể giải quyết triệt để.

Ông Matthew Cheetham, Cố vấn khu vực về Bảo vệ nội dung, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ cho biết, khảo sát thị trường mới đây của Hiệp hội cho thấy ở Việt Nam đang có ít nhất 80 website có những nội dung vi phạm luật SHTT. Đặc biệt, Hiệp hội này rất đau đầu trước tình trạng đĩa DVD lậu trên mạng. “Những nội dung trên mạng vi phạm sở hữu SHTT giống như cỏ dại trên cánh đồng, ảnh hưởng tới sự tươi tốt của cây trái. Việt Nam cần nhổ hết cỏ dại để hoa quả trở nên tươi tốt, tạo thuận lợi cho các công ty quốc tế và địa phương có thể phát triển”, ông Matthew Cheetham ví von.

Nhận xét về cách thức xử lý của các cơ quan chức năng tại Việt Nam đối với những hành vi vi phạm quyền SHTT nói chung và bản quyền phần mềm nói riêng, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cho rằng những hành động đó chưa đủ mạnh.

Theo ông Thomas Treutler, đại diện Công ty Luật hợp danh Tilleke & Gibbins, hành lang pháp lý của Việt Nam thiếu chặt chẽ. Chẳng hạn với quy định pháp luật về bảo vệ tên miền hiện hành, nếu các chủ thể vi phạm luật bản quyền về tên miền trốn mất thì các cơ quan chức năng không thể làm được gì. Với góc nhìn của một luật sư, ông Thomas Treutler cho rằng, Chính phủ Việt Nam vẫn dè dặt trong việc giải quyết những trường hợp khó, "ngại" phạt nhiều tiền vì sợ người vi phạm không đủ tiền để nộp!?

Không chỉ có doanh nghiệp “ngoại” là nạn nhân mà các doanh nghiệp trong nước cũng khốn khổ vì hiện trạng vi phạm SHTT tại Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Bộ phận An ninh mạng, Tập đoàn Bkav cho biết đang rất đau đầu trước nạn sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền, phần mềm bẻ khóa (crack). “Các kỹ sư của Bkav phải mất 2 - 3 năm để làm ra 1 sản phẩm, nhưng chỉ vài phút sau khi ra mắt thị trường, sản phẩm này đã có thể bị đánh cắp. Nếu vào các trang tìm kiếm, gõ từ khóa “crack Bkav” sẽ thấy có ngay vài trăm nghìn kết quả. Không được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp khó có thể có doanh thu để tái đầu tư sản xuất ra các sản phẩm phần mềm tốt hơn và tăng lợi thế cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế”, ông Đức chia sẻ.

Cần sự thay đổi từ cơ quan chức năng

Trước hiện trạng vi phạm SHTT ngày càng phức tạp và gia tăng, các cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều hoạt động để giảm thiểu vi phạm.

Đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cho biết: từ đầu năm tới nay, Thanh tra Bộ này đã kiểm tra sự tuân thủ quyền SHTT của hơn 50 doanh nghiệp. Theo đó, đã xử phạt 48 doanh nghiệp, nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng tiền phạt, đồng thời đề nghị các đơn vị vi phạm khắc phục bằng cách mua bản quyền của các chủ sở hữu. Ước tính có trên 1,7 triệu USD được các đơn vị vi phạm chi ra để mua bản quyền phần mềm máy tính sau khi bị xử lý.

Tuy nhiên, ông Đào Anh Tuấn, đại diện Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA) tại Việt Nam nhận định mức phạt hành chính chưa đủ mạnh để răn đe hành vi vi phạm: “Mới đây, mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quyền SHTT đã được tăng lên mức tối đa 500 triệu đồng (tương đương 3.000 USD) nhưng thực tế các cơ quan chức năng thường chỉ áp dụng mức phạt tới 50 triệu đồng”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, “gánh nặng” xử lý vi phạm SHTT vẫn “đổ lên vai” 2 cơ quan là Thanh tra của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch và Thanh tra của Bộ Khoa học Công nghệ, dù rằng đã có 9 cơ quan tham gia liên kết trong sự nghiệp bảo vệ SHTT (trong đó có cả tòa án, viện kiểm sát, công an...).

Liên quan tới vấn đề này, bà Đỗ Thị Minh Thủy, Cán bộ thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ cho biết: “Vấn đề tranh chấp quyền SHTT thực chất là tranh chấp dân sự. Hiện tại Việt Nam vẫn chủ yếu dùng biện pháp hành chính nhưng trong tương lai sẽ chuyển dịch việc giải quyết tranh chấp SHTT sang Tòa án”. Bà Thủy cũng khuyến nghị những doanh nghiệp nên mạnh dạn đưa các vụ việc về vi phạm quyền SHTT ra tòa án và có chiến lược xử lý vi phạm SHTT một cách bài bản, chẳng hạn thay vì xử lý một vài cửa hàng nhỏ lẻ thì xử lý từ đầu mối nhập khẩu.

Được biết, Bộ Khoa học Công nghệ đang gấp rút soạn thảo một bộ tài liệu hỗ trợ thẩm phán xử các vụ SHTT với các chỉ dẫn và trường hợp điển hình cụ thể.