Tỉnh vùng cao Bắc Kạn có diện tích đất tự nhiên chủ yếu là đồi rừng nên có tiềm năng rất lớn phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa; điều kiện vị trí thuận lợi khi ở trung tâm của vùng Đông Bắc, giao thông thuận tiện cho sản xuất, chế biến và phát triển các dịch vụ phụ trợ; nguồn lao động dồi dào... Hiện, tỉnh đã kịp thời chuyển hướng phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng liên kết, nâng cao chuỗi giá trị. 

Cùng với chăn nuôi trâu, bò, tỉnh Bắc Kạn xác định tập trung ưu tiên phát triển chăn nuôi lợn, coi đó là ngành hàng tham gia trục sản phẩm cấp tỉnh. Thông qua chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi được ban hành, cộng với sự hỗ trợ từ các nguồn lực thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, chăn nuôi lợn của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

W-anhminhhoa.png
Cùng với chăn nuôi trâu, bò, tỉnh Bắc Kạn xác định tập trung ưu tiên phát triển chăn nuôi lợn, coi đó là ngành hàng tham gia trục sản phẩm cấp tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 16 dự án chăn nuôi lợn được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng mức vốn đăng ký đầu tư 1.721 tỷ đồng; có khoảng 30 trang trại chăn nuôi lợn với quy mô nhỏ, vừa của các hợp tác xã và tư nhân đang đầu tư. Đến cuối năm 2022, tổng đàn lợn toàn tỉnh có 168.645 con; số con xuất chuồng 220.335 con; sản lượng thịt lợn hơi đạt 14.531 tấn, tăng 108% so với cùng kỳ năm 2021; tính riêng tổng đàn lợn thuộc các trang trại của các doanh nghiệp, hợp tác xã chiếm khoảng gần 20% tổng đàn lợn toàn tỉnh.

Trong 16 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, có 5 dự án đã hoàn thành và đi vào sản xuất với quy mô chăn nuôi khoảng hơn 3.000 con lợn nái và 29.000 con lợn thịt/năm. Các dự án chăn nuôi lợn sau khi đi vào hoạt động, các doanh nghiệp cơ bản chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, phát huy được hiệu quả, góp phần thúc đẩy chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương và doanh thu cho các doanh nghiệp, góp phần gia tăng tổng đàn và sản lượng thịt lợn, số con xuất bán, giết mổ của tỉnh.

Dự báo trong thời gian tới, chăn nuôi lợn có chiều hướng phát triển tích cực và có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là các dự án chăn nuôi lớn của các doanh nghiệp được phê duyệt đầu tư có cam kết thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu tăng trưởng giá trị chăn nuôi theo giai đoạn, tạo sự đột phá trong hoạt động sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức chăn nuôi trang trại từ quy mô nhỏ đến vừa. Yêu cầu đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng và gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên doanh.

Phấn đấu đến năm 2025 phát triển tối thiểu được 70 trang trại chăn nuôi trâu, bò, lợn quy mô vừa và nhỏ. Đưa sản phẩm thích ứng với thị trường, hoạt động chế biến thực phẩm từ lợn, trâu, gà đã từng bước phát triển, trong đó sản phẩm thịt lợn đen nổi tiếng vì chất lượng thơm ngon, thịt đỏ, nước luộc trong, mỡ giòn không ngấy, ngọt tự nhiên... được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là lợn đen bản địa của hợp tác xã Trần Phú (huyện Na Rì).

Nuôi lợn đen bản địa lợi nhuận cao hơn nhiều so với nuôi lợn lai trắng bởi giống lợn đen rất ít khi bị bệnh, thức ăn có thể tận dụng được tại chỗ như rau, bã đậu, bã bia nên giảm được chi phí. Không những tiết kiệm được chi phí nuôi mà giá bán lợn đen bản địa cũng luôn ở mức cao do đó chăn nuôi lợn đen bản địa không lo về giá. Về tiêu thụ, lợn đen bản địa của hợp tác xã Trần Phú cung ứng ra thị trường chủ yếu ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Thái Nguyên. Hiện trang trại của hợp tác xã Trần Phú không nuôi quá nhiều, mà chủ yếu nuôi lợn nái để cung cấp lợn con cho các hộ tham gia liên kết.

Theo đó, hợp tác xã Trần Phú đã liên kết với người chăn nuôi ở các xã Dương Sơn, Quang Phong, Kim Hỷ, Lương Thượng, Văn Vũ (huyện Na Rì) để chăn nuôi lợn đen bản địa.

Số lượng tham gia liên kết trên 300 hộ, ngoài ra hợp tác xã Trần Phú còn liên kết với 3 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Tham gia liên kết, người chăn nuôi được cung ứng lợn giống, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, toàn bộ sản phẩm được hợp tác xã Trần Phú bao tiêu. Ký kết hợp đồng thương mại tiêu thụ thịt lợn đen bản địa giữa hợp tác xã Trần Phú với hệ thống siêu thị Big C đã được thực hiện trong một hai năm gần đây với sản lượng cung ứng từ 5 đến 8 tạ thịt lợn/ngày. Các sản phẩm thịt lợn đen bản địa của Hợp tác xã được kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc hệ thống siêu thị Big C các tỉnh, thành phố phía Bắc bán thịt lợn đen bản địa với chất lượng, nguồn gốc rõ ràng từ Bắc Kạn, giúp người tiêu dùng được trải nghiệm sản phẩm đặc trưng.

Thu Huyền và nhóm PV, BTV