Các quốc gia biển luôn tìm cách qui hoạch các vùng bờ biển thành các khu dịch vụ, thương mại… hơn là cắt xẻ thành các dự án manh mún và cần tránh tối đa xây dựng các công trình, dịch vụ ven biển chỉ nhằm phục vụ lợi ích riêng của một nhóm nhỏ cá nhân.
Cơ hội cho những khu vực Biển
Từ trước đến nay trên thế giới đã có nhiều công trình kiến trúc xây dựng ven biển. Nhiều công trình đã chứng minh sự thành công nhưng không ít công trình đã cho thấy sự thất bại do tư lợi, cách tiếp cận ngắn và không loại trì thiếu nghiên cứu thấu đáo những hệ lụy kéo theo.
KTS Trần Ngọc Chính, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đánh giá, hiện nay các khu du lịch biển, đặc biệt là resort cũng có nhiều thành công và mang thương hiệu cho những khu vực biển như ở Đà Nẵng, Nha Trang.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Đối với những thành phố đặc thù, những khu xa đô thị nhưng có khu vực bãi biển đẹp thì chúng ta vẫn xây dựng các khu du lịch tốt. Những resort hay làng du lịch hoặc khách sạn riêng biệt, phía trước là biển. Đó là mô hình thế giới làm nhiều, nhưng công tác quy hoạch và quản lý địa phương phải hài hòa lợi ích của cộng đồng. Vì nếu ta không có những thương hiệu quốc tế thì không thu hút được khách du lịch quốc tế và không thu hút được đầu tư.
Có thể nhìn thấy ngay những khu như Sơn Trà (Đà Nẵng) có những khách sạn thiết kế đẹp, là một trong bốn khu du lịch nổi tiếng thế giới. Những khu khác từ bãi tắm Sơn Trà đến Hội An của cả Quảng Nam và Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết. Mũi Né… cũng vậy. Những khu vực ấy đã làm nên bức tranh du lịch Việt Nam và đã thu được tiền cho xã hội rất tốt.
Từ những thành công của Đà Nẵng, ông Chính quả quyết, nếu làm tốt công tác quy hoạch biển và quy hoạch khu du lịch, những khu resort nổi tiếng thì thu lại lợi nhuận rất lớn. Tại Đà Nẵng đặc biệt vào dịp bắn pháo hoa hoặc những kỳ nghỉ dài, nếu khách không đặt trước sẽ không đặt được chỗ trong các khách sạn.
Tránh xung đột lợi ích người dân – doanh nghiệp
Với quốc gia biển, không ai phủ nhận lợi ích thu mang lại từ các qui hoạch vùng bờ biển thành các trung tâm thương mại, dịch vụ, Nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để không xung đột giữa lợi ích công và lợi ích của nhà đầu tư.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tuy nhiên theo ông Trần Ngọc Chính, đây không phải vấn đề khó, nếu chúng ta giải quyết lợi ích của cộng đồng tốt, tạo nên những cơ sở hạ tầng tốt để người dân du lịch, có bãi tắm đẹp, có chỗ tắm nước ngọt, chỗ đỗ ô tô, có quy hoạch khu vực cộng đồng cho người dân, và người ta thỏa mãn.
Câu chuyện làm sao để dung hòa được lợi ích người dân và lợi ích doanh nghiệp tại các khu du lịch biển cũng được kiến trúc sư người Mỹ - Carlos Zapata, người có nhiều kinh nghiệm và cũng từng tham gia nhiều thiết kế, kiến trúc tại Việt Nam quan tâm sâu sắc.
Theo ông Chính, quy hoạch khôn ngoan là phải thiết kế con đường ven biển có chỗ đi gần biển cho người dân, một phần để làm khách sạn liền kề. Cái đó là nghệ thuật thiết kế đô thị để tạo nên sản phẩm du lịch phong phú. Tiếc rằng, khu vực Mũi Né - Phan Thiết có thành công nhưng trong đó có thất bại, vì anh chia đều mặt biển ra. Những resort như bức tường che chắn người dân không đến được biển, tạo ra sự chia cắt.
Ông Carlos Zapata đã chia sẻ với Tuần Việt Nam rằng, việc đầu tư, xây dựng, cải tạo các khu vực ven biển không những tạo được cơ hội để tăng cường các hoạt động công cộng mà còn mang đến cơ hội kinh tế lớn lao để thúc đẩy sự phát triển của khu vực đó.
“Tuy nhiên dù có tác động thế nào cũng dứt khoát phải tính đến cân bằng sinh thái, tôn trọng thiên nhiên. Do đó, nhiệm vụ của các kiến trúc sư, nhà quy hoạch hay các kỹ sư và chuyên gia liên quan là học hỏi từ những thành công trước đây và cố tránh, không lặp lại sai lầm đã được thực tiễn chứng minh”, ông Carlos Zapata khuyến cáo.
Hải Đăng - Lan Hương