Theo thông tin của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), Quyết định số 645/2020/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, công tác đồng hành hỗ trợ khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trong việc ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số là một trong những yếu tố quan trọng trong việc như hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; Mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới… 

W-anhquangba.png
Buổi tập huấn kỹ năng bán hàng trên nền tảng số tại Tuyên Quang

Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tích cực, chủ động triển khai một loạt các nhóm hoạt động để hoàn thành các mục tiêu trên và đạt một số kết quả nổi bật: 

Thường xuyên tổ chức đào tạo về pháp luật thương mại điện tử và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân tại địa phương. Theo đó thời gian qua đã có hàng trăm lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo về pháp luật thương mại điện tử cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp… tại các địa phương; qua đó tăng cường phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân sử dụng thương mại điện tử  thông qua các Chương trình trên toàn quốc.

Về các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử, Cục đã phát triển các giải pháp về thanh toán trong thương mại điện tử; Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam… nhằm góp phần thiết lập hạ tầng hỗ trợ, tạo môi trường giúp cho các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số. 

Bên cạnh đó, Cục cũng thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại địa phương, đẩy mạnh kết nối theo vùng, thúc đẩy liên kết vùng để tiêu thụ nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương qua phương thức thương mại điện tử. Nổi bật như các chương trình kết nối thương mại điện tử cho các tỉnh thành phố tiêu thụ sản phẩm như “Tuần lễ Nông sản Việt”, “Ngày đặc sản Sơn La”, “Ngày hội xứ Dừa – Đặc sản Bến Tre”, Lễ hội vải thiều Hải Dương, Bắc Giang, v.v… để đưa hàng trăm sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lên tiêu thụ trên Gian hàng Việt trực tuyến.

Hiện nay, bên cạnh Sàn Thương mại điện tử như Postmart đang hỗ trợ rất tích cực cho việc tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương, còn có các sàn thương mại điện tử khác đang triển khai với chương trình Sendo Farm, Tiki Ngon giúp bà con tiêu thụ tốt các loại thực phẩm nông sản qua mô hình đi chợ trên sàn thương mại điện tử hay marketplace với hàng nghìn sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP... được tổ chức tiêu thụ trên sàn.

Thông qua các chương trình hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác/Sàn TMĐT quốc tế lớn này, các sản phẩm đặc sản Việt Nam, do doanh nghiệp sản xuất có thể xuất khẩu qua thương mại điện tử thông qua các hình thức B2B, B2B2C đến với các thị trường nhiều quốc gia trên thế giới.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định, từ những kết quả đã thu được, những mô hình hoạt động trên sẽ tiếp tục là hoạt động trọng tâm của Cục trong giai đoạn tới nhằm hỗ trợ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử tại miền núi, vùng sâu, vùng xa qua đó góp phần tiêu thụ, các sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Linh Trang và nhóm PV, BTV