Theo Nghị định số 114/2017/NĐ-CP của Chính phủ, "Vùng sâu, vùng xa" được xác định là vùng dân cư thưa thớt, nằm sâu trong rừng núi hoặc vùng ngập nước, ở xa các trung tâm kinh tế, văn hóa, giao thông không thuận tiện, đi lại khó khăn, kinh tế thường lạc hậu, kém phát triển.

Tỉnh Bắc Kạn, trong giai đoạn 2021 - 2025 có 65 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 07 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 được thực hiện, tỉnh Bắc Kạn đã bắt tay ngay vào triển khai các Dự án, Tiểu dự án.

w-anhminhhoa-2-1.png
Ảnh minh hoạ

Nhằm tạo động lực để bà con từng bước vươn lên, phát triển kinh tế. Để vùng sâu, vùng xa phát triển, Bắc Kạn xác định công nghệ thông tin - truyền thông đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp, hộ dân chuyển đổi nền kinh tế, tham gia nền kinh tế số, từ đó giảm bớt tác động đói nghèo, thiếu kết nối, thúc đẩy và tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Xây dựng mô hình xã hội số ở vùng sâu, vùng xa thúc đẩy phát triển nhanh, toàn diện. Nếu ứng dụng công nghệ rời rạc, thì sẽ không hiệu quả, nhưng nếu xây dựng được một cộng đồng cùng phối hợp triển khai, người này hỗ trợ người kia, người biết hỗ trợ những người chưa biết, từ việc đơn giản cho đến phức tạp thì có thể thay đổi được một cộng đồng. Xây dựng xã hội số là con đường nhanh nhất phát triển vùng sâu, vùng xa.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Bắc Kạn tập trung thực hiện thời gian qua đó là, phát triển mạnh mẽ tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương vùng sâu, vùng xa. Tổ công nghệ số cộng đồng có thể đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà tuyên truyền để người dân hiểu, vận động người dân trau dồi và nâng cao các kiến thức cũng như kỹ năng số. Tổ này chính là lực lượng xung kích giúp người dân tiếp thu những hướng dẫn của tổ và những thành viên trong tổ cũng nhận được hướng dẫn từ các chuyên gia.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế - xã hội, cơ cấu chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, hạ tầng phục vụ cho chuyển đổi số còn nhiều khó khăn, hạn chế... song, với quyết tâm từng bước tháo gỡ khó khăn, nỗ lực chuyển đổi số vì sự phát triển bền vững, tỉnh Bắc Kạn đang từng bước đưa chuyển đổi số vào trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, phổ cập điện thoại thông minh tới người dân, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển... góp phần mang lại cuộc sống tiện ích, hiện đại cho người dân.

Nhóm PV