Theo Bộ NN-PTNT, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại. Vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó đẩy mạnh chế biến nhằm nâng cao gia trị, tăng sức cạnh tranh sản phẩm.

Không chỉ vậy, việc phát triển vùng nguyên liệu nông sản còn là công cụ giúp nhà nước quản lý tốt về quy hoạch sản xuất, linh hoạt trong chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với quy luật cung cầu cho nông sản, từ đó quản lý hiệu quả được nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp.

Ở nước ta, sản xuất nông nghiệp bước đầu chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) ở một số vùng gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên phát triển các vùng nguyên liệu nông sản vẫn bộc lộ nhiều hạn chế.

{keywords}
Liên kết phát triển vùng nguyên liệu nông sản quy mô lớn là nền tảng để tạo chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững (ảnh: N.Thọ)

Đơn cử, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự hợp tác, liên kết; việc gắn kết và tương thích giữa vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến còn hạn chế, bị cắt khúc bởi giới hạn địa giới hành chính; nhiều vùng nguyên liệu đã được hình thành nhưng chưa được tổ chức và quản trị, hạ tầng yếu kém, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng.

Trong khi việc triển khai các chính sách của nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là các chính sách về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.

Thế nên, việc phát triển các vùng nguyên liệu, gắn kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là hình thành được các vùng nguyên liệu quy mô lớn, liên vùng, hiện đại, ổn định lâu dài là rất cần thiết để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Đây cũng là lý do Bộ NN-PTNT chỉ đạo xây dựng “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025” nhằm thí điểm cơ chế, cách làm trên địa bàn 5 vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung thuộc địa bàn 11 tỉnh, thành phố, tiến tới nhân rộng ra cả nước.

Tổng diện tích của 5 vùng nguyên liệu nông sản hàng hoá này lên tới 158.300ha. Trong đó, cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc (Sơn La, Hòa Bình) với diện tích 14.000 ha (chanh leo, dứa, xoài); gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững ở vùng duyên hải miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) với diện tích 22.900 ha; cà phê Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk) với diện tích 11.200 ha; lúa gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang) 50.000 ha; vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An) có diện tích 60.200 ha (xoài, mít, sầu riêng).

Trao đổi về đề án này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, đối tượng tham gia sẽ là doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản, HTX và 185.000 hộ nông dân. Trong đó, hạt nhân của các vùng nguyên liệu sẽ là các hợp tác xã (HTX).

Theo đó, mục tiêu thành lập mới 66 HTX và 5 Liên hiệp HTX; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản trị HTX; đào tạo nghề giám đốc HTX. Xây dựng 22 dự án, mô hình khuyến nông - khuyến lâm. 

Bộ NNPTNT cũng sẽ xây dựng và quản lý thông tin, dữ liệu vùng nguyên liệu gồm: thông tin, dữ liệu vềnông hóa thổ nhưỡng; nông sản đang sản xuất và có thể sản xuất; nguồn lực cho phép; hạ tầng phục vụ sản xuất.

Việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn sẽ khắc phục được những hạn chế của nông nghiệp như sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự hợp tác, liên kết. Đồng thời tăng cường gắn kết giữa vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến; nâng cao năng lực quản trị về cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, hướng phát triển của nông nghiệp sẽ phải kết hợp cả quy mô lớn với quy mô nhỏ. Theo ông, phải tích tụ, tập trung thành những chuỗi giá trị lớn, đồng thời không xóa đi vai trò của những hộ kinh doanh nhỏ, nhỏ nhưng không lẻ, phải liên kết lại với nhau. Làm sao nhỏ nhưng phải kết nối lại theo chuỗi, như những giọt nước kết nối với nhau thành biển cả, chứ không phải thủ tiêu cái nhỏ, cái nhỏ kết nối sẽ thành chuỗi lớn.

Hà Giang