Vi khuẩn phế cầu là căn nguyên chiếm khoảng 11% tổng số ca tử vong ở trẻ từ 1 - 59 tháng tuổi.

Được bác sĩ yêu cầu phải nhập viện điều trị ngay vì có dấu hiệu viêm phổi, bé B. Anh, 23 tháng tuổi, nằm thiêm thiếp, thở mệt nhọc trên tay mẹ. Mẹ bé, chị N.Vân (ngụ Quận 2, TP.HCM) vẫn còn không khỏi bàng hoàng: “Cháu mới ho, sổ mũi, sốt 2 ngày nay, sao chuyển viêm phổi nhanh thế”.

Trường hợp kể trên của cháu B. Anh không quá xa lạ với các bác sĩ khoa Nhi, bởi các bệnh nguy hiểm hàng đầu như viêm phổi, viêm màng não có những triệu chứng ban đầu rất dễ nhầm lẫn với bệnh thông thường. Tác nhân hàng đầu của hai căn bệnh chết người này là phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) – thủ phạm gây ra 11% tổng số ca tử vong ở trẻ từ 1 – 59 tháng tuổi (Số liệu từ báo cáo khoa học “Bệnh tật do vi khuẩn phế cầu ở trẻ em dưới 5 tuổi: ước tính toàn cầu” do nhóm nghiên cứu: Katherine L O’Brien, Lara J Wolfson, James P Watt, Emily Henkle, Maria Deloria-Knoll, Natalie McCall, Ellen Lee, Kim Mulholland, Orin S Levine, Thomas Cherian thực hiện).

Phế cầu khuẩn tấn công phổi trẻ như thế nào?

Khi xâm nhập các phế quản và túi phổi, phế cầu triển khai các đợt tấn công bằng cách tiết ra chất hydrogen peroxide. Chất này sẽ đánh tan thành lũy bảo vệ của DNA của tế bào. Càng nhiều DNA bị phá hủy thì tế bào càng bị hủy diệt nhanh. Khi phế nang của phổi bị viêm nhiễm sẽ chứa đầy dịch viêm, cản trở sự trao đổi khí gây ra khó thở.

Khi quan sát trẻ có những biểu hiện như: thở gấp và khó khăn, ho, sốt, cảm thấy ớn lạnh, đau đầu, mất đi sự ngon miệng và thở khò khè cha mẹ nên đưa trẻ đến trung tâm y tế để thăm khám kịp thời vì đây có thể là biểu hiện của viêm phổi.


Viêm phổi do vi khuẩn phế cầu là căn bệnh vô cùng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong có thể lên đến hơn 50% ở trẻ nhỏ

Viêm màng não do vi khuẩn rất nguy hiểm

Phế cầu là vi khuẩn gây viêm màng não với tỷ lệ tử vong và di chứng cao trong tất cả các nguyên nhân thường gặp (Theo báo cáo “Viêm màng não do vi khuẩn phế cầu tại bệnh viện Nhi Đồng 1 từ năm 2001 – 2009” do Bác sĩ Dư Tuấn Quy và Tiêu Châu Thy thực hiện).

Màng não chứa đầy dịch não tủy - đây là nơi vi khuẩn có thể nhân lên và bắt đầu tiết ra chất độc, khiến màng não và mô não bị viêm tấy, sưng phồng. Điều này tạo áp lực lên não, khởi phát các triệu chứng như nhức đầu, cứng cổ, sợ ánh sáng. Trẻ trở nên khó chịu, quấy khóc, ngủ gà, thóp sưng phồng, sốt cao, thở không đều, nôn ói…

Khảo sát tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) trong giai đoạn 2001 – 2009 (báo cáo Viêm màng não do vi khuẩn phế cầu tại bệnh viện Nhi Đồng 1 từ năm 2001 – 2009”) cũng cho thấy 80% bệnh nhân viêm màng não là trẻ dưới 6 tuổi. Tỷ lệ lành bệnh hoàn toàn sau khi xuất viện chỉ 70%. Không chỉ vậy, có đến khoảng 21% trẻ sống sót sau viêm màng não bị mất thính lực. Một số hệ lụy lâu dài khác có thể kể đến như rối loạn khả năng học tập, sử dụng ngôn ngữ, di chuyển, thỉnh thoảng lên cơn co giật.

Tiêm ngừa vắc-xin từ sớm cho trẻ- cách bảo vệ hiệu quả

Chủng ngừa bằng vắc-xin sớm cho trẻ từ 6 tuần tuổi là một trong những biện pháp hữu hiệu phòng ngừa bệnh phế cầu, được WHO khuyến khích đưa vào chương trình tiêm ngừa quốc gia (thông tin đăng tải trên website của WHO về viêm phổi do vi khuẩn phế cầu chỉnh sửa lần cuối 29/09/2014).


Chủ động phòng ngừa, bảo vệ con trước tác nhân gây hại phế cầu khuẩn để con yêu phát triển khỏe mạnh

Theo số liệu thống kê năm 2015 của WHO cho thấy, vắc-xin phế cầu khuẩn đã giúp 6-7,5 triệu trường hợp nhiễm phế cầu khuẩn được ngăn chặn, và cứu sống khoảng 290.000 trẻ dưới 5 tuổi.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên áp dụng các biện pháp sau: cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cho bé để phòng ngừa các bệnh lý do phế cầu khuẩn gây ra ở trẻ.

Tìm hiểu thêm thông tin tại website http://tiemngua.com và tư vấn bác sĩ về chủng ngừa.
Chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng được phối hợp thực hiện bởi Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam và VPĐD GlaxoSmithKline Pte. Ltd tại TP.HCM.

Thúy Ngà