Khi chào đời, bé Bi (Tân An, Đồng Nai) chỉ nặng 1,7kg, yếu đến mức 1 cơn gió cũng có thể lấy đi sự sống. Nhưng Bi vẫn khỏe lên và dần đủ cân trong phòng Kangaroo - nơi giúp các bé sinh non "chào đời lần thứ hai".

Chào đời lần thứ hai

Mẹ Bi kể, Bi sinh tháng 12/2009, sớm 2 tuần tuổi, nên Bi yếu đến nỗi cả nhà tưởng phải khăn gói lên bệnh viện Từ Dũ (Tp.HCM) ngay để cứu sống Bi. Thế nhưng bác sĩ vẫn yêu cầu gia đình để Bi ở lại và hướng dẫn thay nhau ủ Bi trong ngực áo, ngày cũng như đêm, khi ngủ cũng như lúc cho ăn, trừ lúc thay tã lót và massage cho Bi.

Ngày ấy, sáng nào ba mẹ cũng ôm Bi đến một căn phòng rộng chưa đầy 20m2, có tên Kangaroo - nơi tất cả người lớn đều "mang bầu giả" - những bé sinh non nhẹ cân ngồi áp mặt, như những chú ếch nhỏ bên trong. Bác sĩ sẽ tận tình hướng dẫn ba mẹ masasge, kiểm tra cân nặng, đo vòng đầu, kiểm tra thính lực, thị lực và sự phát triển tâm thần vận động của các bé.


Bi nằm hai tháng liền trong "cái túi" ấm áp, bình yên đó, và nặng dần (có ngày tăng đến 50g). Khi ra viện, Bi đủ cân như các bạn cùng tháng tuổi, bắt đầu biết bú mẹ, sức khỏe bình thường.

Mẹ Bi nói, nhờ phòng Kangaroo ở ngay bệnh viện đa khoa tỉnh, Bi không phải vượt qua quãng đường gần 40km đến cấp cứu ở BV Từ Dũ (Tp.HCM). Phép màu ở chỗ, người trực tiếp "cấp cứu" cho Bi là ông, bà, ba, mẹ, và cách cấp cứu duy nhất là ủ Bi trong ngực, da kề da 24/24 để truyền hơi ấm cho Bi.

Những căn phòng màu nhiệm

Không chỉ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An. Nhiều bệnh viện tuyến dưới ở Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Tuy Hòa (Phú Yên), Cai Lậy (Tiền Giang), Ninh Thuận, Trảng Bàng (Tây Ninh)... cũng thành lập phòng Kangaroo.

Phòng chăm sóc trẻ đẻ non tháng bằng phương pháp Kangaroo ra đời tại hàng loạt bệnh viện đa khoa tuyến dưới là sáng kiến của BV Từ Dũ, triển khai theo Đề án 1816 từ năm 2009. BS.CKII Phạm Việt Thanh - Giám đốc BV Từ Dũ cho biết, hàng chục bác sĩ tay nghề cao của Từ Dũ đã "về tỉnh" để tập huấn chuyên môn cho tuyến dưới theo kiểu "cầm tay chỉ việc", hỗ trợ khám, hội chẩn theo đúng chuyên khoa sản phụ khoa, nhi sơ sinh. Nhờ vậy, hàng trăm trẻ sinh non tháng ở nhiều tỉnh được cứu sống kịp thời mà không phải chuyển viện; giảm bớt chi phí điều trị, đi lại cho nhiều gia đình; y bác sĩ bệnh viện tuyến dưới nâng cao tay nghề khám - chữa bệnh (đặc biệt trong việc chăm sóc - điều trị trẻ sinh non); bệnh viện tuyến trêncũng được "giảm tải".

Chưa kể, theo PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân - Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, Kangaroo là phương pháp điều trị hiệu quả và nhân văn lớn. Trong khi các bệnh viện tuyến dưới thường không có lồng kính chăm sóc trẻ sinh non (nếu có thì rất ít, không đủ phục vụ), thì bệnh viện có thể tận dụng những "lồng kính sống" - chính là người thân của các bé.

Ở trẻ sinh non, do các bộ phận chưa trưởng thành nên trẻ chưa kịp thích nghi với môi trường bên ngoài, do đó nguy cơ tử vong rất cao. Ngay khi mới sinh, trẻ có thể bị suy hô hấp, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, nhiễm trùng nặng, vàng da kéo dài, xuất huyết não - màng não... Nguy hiểm hơn, trẻ dễ bị rối loạn vận mạch, xuất huyết (phổi, não, võng mạc), trương lực cơ yếu... Khi được ấp trực tiếp vào một cơ thể khỏe mạnh khác (nhất là người thân), trẻ sẽ được kích thích nhịp tim, nhịp thở, ổn định nồng độ ôxy trong máu, giảm tỷ lệ bại não, đột tử do trào ngược sữa.

Theo BS Xuân, trẻ được chăm sóc bằng phương pháp Kangaroo có thính lực và thị lực phát triển nhanh hơn trẻ nằm lồng kính, vì vậy không có lý do gì các cháu lại nằm trong lồng kính, thay vì hưởng hơi ấm của mẹ và người thân!

Tỷ lệ trẻ đẻ non có thể lên tới 3% - 20% trong tất cả các lần đẻ sống. Có khoảng 1/3 số trẻ bị đe dọa có di chứng lâu dài là do đẻ non.

Trẻ sơ sinh non tháng có thể trạng rất non yếu, khả năng chịu đựng rất kém các sang chấn và tình trạng thiếu oxy. Trẻ cũng dễ bị tử vong hơn những trẻ đủ tháng. Những trẻ sống được sẽ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn và gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình phát triển. Do đó, trẻ cần có những nhu cầu chăm sóc đặc biệt.

Trẻ non tháng nên được sinh ở các bệnh viện có khả năng chăm sóc tích cực cho trẻ ngay sau sinh hơn là phải chuyển trẻ đi ngay sau sinh. Kết quả tốt phụ thuộc vào sự chăm sóc sản khoa và sơ sinh trong lúc chuyển dạ, sổ thai và những ngày đầu của cuộc sống. Nếu được chăm sóc tốt và đúng cách, trẻ có thể sống và khỏe mạnh như trẻ bình thường.
(BV Từ Dũ, Tp.HCM

  • Quảng Hiếu