50 năm chưa một lần đứng dậy
Quán vẫn đông. Người bán mải mê công việc. Khách ăn vội vàng cho xong bữa để còn kịp giờ đến cơ quan. Chỉ có chị - một tay chống xuống đất nhích đi từng chút, một tay cầm xấp vé số đến từng bàn mời từng người mua giúp chị.
Chị cứ lết như thế rất lâu nhưng xấp vé số vẫn còn nhiều. Đến cạnh tôi, chị mời, chú mua dùm con. Tôi quay lại nhìn chị. Một phụ nữ đứng tuổi. Chị ăn mặc tươm tất sạch sẽ.
Chị vẫn ngồi bệt dưới đất. Chân trái của chị co quắp. Tay trái cũng thế. Chỉ còn một tay cầm xấp vé số mưu sinh. Chị tên Đinh Thị Kim Thảo, năm nay vừa tròn 50 tuổi. Quê chị ở xã Hòa Trị, H. Phú Hòa (Phú Yên).
Căn nhà vé số 115 tầng 1, lô E, chung cư Ấn Quang. |
Chị kể, tuổi thơ của chị hết sức nhọc nhằn. Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng chỉ 2 tháng sau - sau một cơn sốt - nửa người bên trái của chị gần như liệt hẳn. Rồi cứ thế lớn lên. Chị không thể lao động được nên mọi việc đều có người phụ giúp.
Nhà có 4 anh chị em, chị là con giữa, bị khuyết tật. Chị lớn lên trong sự nuôi nấng của cha mẹ. Được một thời gian, cha chị qua đời. Một mình mẹ bươn chải với ruộng đồng nuôi chị lớn khôn.
Năm mươi năm làm người theo đúng nghĩa đen chị chưa một lần đứng lên được. Hình ảnh người mẹ ngày ngày lầm lũi dưới nắng mưa đã làm chị phải nhiều đêm suy nghĩ… Mình không thể để mẹ khổ mãi về mình.
Những người bán vé số cùng tá túc trong căn nhà nay suốt 8 năm liền. |
Rồi chị ra đi cùng với những người bạn cùng cảnh ngộ đến đất TP.HCM tìm cách mưu sinh. Nghề vé số đến với chị từ đó.
"Thấm thoát mà đã 8 năm rồi đó chú". Chị nói với tôi. Cuộc sống đến nay kể cũng đã ổn. Mỗi ngày chị đi bán từ chiều đến tối và hôm sau từ sáng đến trưa có thể kiếm được vài trăm ngàn. Tiền nhà tiền ăn gói ghém cũng qua ngày mà không phải nhờ vả đến ai. Đã thế, chị còn dành dụm chút ít thỉnh thoảng gửi về biếu mẹ.
Tôi hỏi thăm về chuyện tình cảm và nơi ở của chị. Chị cho biết, "con như thế này thì ai mà đoái hoài tới. Hiện con đang ở chung với khoảng 15 người cùng quê Phú Yên vào bán vé số trên tầng 1 chung cư Ấn Quang".
Chị Thảo lết đi từng bước một. |
Tầng 1 làm sao con có thể lên xuống được? Chị cười nhẹ, "Được chứ chú. Con lết theo từng bậc tam cấp. Mỗi ngày con lên xuống cũng vài lần. Có đi đâu xa thì con nhờ đến xe ôm. Con mời chú hôm nào đến thăm căn nhà vé số Phú Yên chú sẽ gặp được nhiều người, nhiều mảnh đời đáng thương lắm".
Vừa đi bán vé số vừa chữa bệnh cho cháu
Chúng tôi đến thăm căn nhà vé số vào một buổi xế chiều. Nhà số 115, tầng 1, lô E, chung cư Ấn Quang (P.9 Q. 10 TPHCM). Nhà rộng. Nhìn vào trong, hai bên giáp tường nhiều người còn nằm ngủ.
Mời mua vé số. |
Một người đón chúng tôi cho biết trong nhà có khoảng 15 người cư ngụ. Những người này có người khuyết tật có người không. Họ ở hầu hết ở quê, có hoàn cảnh hết sức khó khăn nên vào đây chung sống và mưu sinh bằng nghề bán vé số từ 8 năm nay.
Những năm gần đây tình trạng dịch bùng phát làm cho cuộc sống của bà con vốn đã khắc nghiệt càng thêm vất vả. Có người phải bỏ về quê để tá túc qua ngày nhưng rồi khi vé số đã có lại, họ quay về với nghề cố hữu.
Bà Nguyễn Thị Sáu, 70 tuổi, ở xã Hòa Xuân, H. Đông Hòa cho biết, bà có thâm niên 8 năm trong nghề bán vé số. Chồng chết khi còn trẻ. Bà ở vậy nuôi 3 con. Các con nay đã lớn có gia đình đều làm nông nhưng không đủ ăn vì thế bà phải vào TP.HCM sống bằng nghề bán vé số. Bà nói, mặc dù con tôi không đứa nào đồng ý cho tôi làm nhưng tôi vẫn phải kiếm chút đỉnh, mai này khi nằm xuống còn có tiền để chúng lo cho mình.
Kiểm lại số đã bán... |
Mỗi ngày bà rời nhà từ 5h chiều đi đến 11h đêm. 4h sáng hôm sau đi tiếp đến trưa. Lặn lội hết Quận 5 đến Quận 10, mỗi ngày bà bán được hơn 100 tờ. Thu nhập mỗi ngày cũng chỉ đủ cho bà qua ngày nhưng bà cũng chia sẻ với chúng tôi: “Ít còn hơn không. Ở quê dẫu cho làm lụng đến mấy cũng không có được khoản thu như thế”.
Không gì xót xa cho bằng khi nhìn bà - tuổi đã cao, lưng đã còng - vậy mà vẫn lam lũ mưu sinh tự lực không phiền đến con cháu.
Bên trong, một người đàn ông đứng tuổi đang dìu một cậu con trai bước ra. Chúng tôi mời ông ngồi xuống.
Bà Nguyễn Thị Sáu. |
Ông là Hà Văn Ra, 63 tuổi, ngụ ở xã Hòa Thắng, H. Phú Hòa. Đứa bé đi cùng ông là Hà Sơn Phát 15 tuổi, là cháu ngoại của ông. Hằng ngày hai ông cháu cùng nhau đi khắp các đường phố để bán vé số. Nhìn Phát trắng trẻo, mập mạp, đẹp trai - mấy ai nghĩ rằng cháu bị mù, phải cùng ngoại lê la khắp các nẻo đường.
Ông Ra cho biết điều kiện và hoàn cảnh đưa đẩy ông vào nghề bán vé số không giống một ai cả. 15 năm trước con gái ông lấy chồng và sinh ra cháu Phát. Nuôi con bình thường cho đến năm lên 7 tuổi Phát bất ngờ lâm bệnh viêm não bại liệt Nhật Bản. Cháu mù mắt phải nằm một chỗ.
Con vừa ngã bệnh, cha cháu lại bỏ đi biền biệt. Ông ngoại buộc lòng phải thay mẹ thay cha lo cho cháu. Sau nhiều ngày điều trị ở quê, ông đưa cháu vào TP.HCM để tiếp tục chữa trị.
Ông Ra cùng cháu ngoại. |
Thế nhưng, ông Ra nói không thuốc men nào trị cho cháu hiệu quả bằng nghề bán vé số. "Nhờ bán vé số tôi dẫn cháu đi bộ, tập luyện cho cháu mà hiệu quả trông thấy. Cháu không cần phải dùng xe lăn như trước đây.
Thu nhập nhờ vào vé số cũng đắp đổi qua ngày. Những miếng bánh, những món ăn ngon tôi đều nhường cho cháu để cháu có sức vượt qua. Và cũng nhờ vậy, cháu mới có sức khỏe khá tốt. Tuy nhiên, đôi mắt cháu vô phương cứu chữa". Giọng nói ông càng lúc càng buồn.
Ông Nguyễn Quí An, tổ trưởng Tổ 65, Khu phố 4 cho biết, sau nhiều năm cư ngụ tại căn nhà 115 lô E, những người bán vé số đã sống rất chân thật và đầy lòng tự trọng. Họ làm lụng miệt mài bằng chính sức lao động của mình. Họ không hề than vãn, không hề cầu xin trợ giúp. Bà con bán vé số có cuộc sống thoải mái - ít ra về tinh thần - không làm phiền ai và cũng không để xảy ra điều tiếng gì.
Trần Chánh Nghĩa
Vợ đau ốm 18 năm, chồng đẩy xe cùng đi bán vé số mỗi ngày
Xuất hiện tại Tình trăm năm tập 83, chuyện hôn nhân của ông Nguyễn Văn Thuận (65 tuổi) và bà Nguyễn Thị Rỡ (64 tuổi) lấy đi không ít nước mắt của khán giả.