- Cho rằng trong quá trình giao dịch trên sàn vàng “ảo”, phía ngân hàng đã có sự nhầm lẫn trong việc thông báo kết quả khớp lệnh dẫn đến thiệt hại, khách hàng đã khởi kiện ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu ra tòa đòi bồi thường tổng cộng 8.450 lượng vàng.

Ngày 31/10, sau nhiều ngày nghị án, Hội đồng xét xử TAND TP.HCM đã tiến hành tuyên án đối với vụ tranh chấp hợp đồng mua bán vàng giữa nguyên đơn là ông Trần Trọng Nghĩa và bị đơn là ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB).

Nhà đầu tư tại một sàn vàng (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

 

Theo đơn khởi kiện, ông Trần Trọng Nghĩa trình bày: tháng 12/2007, giữa ông và ngân hàng ACB đã đứng ra ký kết hợp đồng kinh doanh vàng trên sàn vàng của ACB.

Ngày 24/12/2007, ông đặt lệnh bán 3.000 lượng vàng. Sau đó, ông nhận được nhân viên của ngân hàng thông báo hiện đã khớp lệnh 150 lượng còn lại 2.850 lượng vàng chưa khớp lệnh.

Sau khi nhận được thông báo trên, do giá vàng xuống, ông Nghĩa đặt lệnh hủy bán 2.850 lượng chưa khớp rồi đặt tiếp lệnh bán 2.850 lượng với giá thấp hơn, phía ngân hàng thông báo lệnh bán lần này đã khớp.

Tuy nhiên, chiều cùng ngày, ông nhận được thông báo từ ngân hàng là đã có sự nhầm lẫn. Trong lần khớp lệnh thứ nhất, thực chất đã khớp lệnh bán thành công 2.850 lượng vàng chứ không phải 150 lượng như đã thông báo.

Do đó, khi ông Nghĩa đặt lệnh bán tiếp 2.850 lượng thì trong tài khoản của ông đã âm 2.700 lượng.

Ngày 4/3/2008, ngân hàng thông báo ký lại hợp đồng giao dịch vàng, nếu khách hàng không chấp nhận thì ngân hàng chấm dứt hợp đồng. Khi đó, nếu có nhu cầu mua bán vàng, khách hàng đến mua bán theo hình thức thông thường. 

Ngày 10/3/2008, với lý do ông Nghĩa không đến ký lại hợp đồng, phía ngân hàng đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, chấm dứt giải ngân, từ chối thực hiện lệnh giao dịch của ông.

Ngày 21/3/2008, khi giá vàng tiếp tục xuống, với lý do tỷ lệ ký quỹ của ông Nghĩa rớt xuống dưới quy định, ACB tự ý bán 3.000 lượng vàng trên tài khoản của ông dựa theo hợp đồng đã bị ngân hàng vô hiệu trước đó để thu hồi nợ. Bản thân ông Nghĩa, do không biết hợp đồng đã bị vô hiệu nên vẫn tiếp tục bán tiếp 2.750 lượng vàng.

Theo ông Nghĩa, do phía ngân hàng đã có sự nhầm lẫn, thông báo sai cho ông nên ông mới tiếp tục bán vàng, dẫn đến thua lỗ, những việc làm trên của ACB đã gây thiệt hại cho ông tổng cộng 8.450 lượng vàng.

Từ đó, ông khởi kiện ACB ra tòa và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố vô hiệu các lần giao dịch trên do có sự nhầm lẫn, buộc ACB bồi thường thiệt hại cho ông sau khi cấn trừ khoản tiền 146 tỷ đồng ông đã nhận còn lại hơn 250 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại tòa, đại diện phía ngân hàng ACB cho rằng ACB làm đúng quy định nên không đồng ý bồi thường.

Sau khi nghị án, Tòa nhận định tuyên bác toàn bộ nội dung khởi kiện và yêu cầu của nguyên đơn với lý do các yêu cầu này không có cơ sở hoặc đã hết thời hiệu khởi kiện.

Cụ thể: theo Tòa, nếu giao dịch bán 2.850 lượng vàng thứ hai của ông Nghĩa được giao kết do có sự nhầm lẫn thì thiệt hại cũng không nhiều. Tuy nhiên, giao dịch từ 24/12/2007 mà tới ngày 5/10/2011 ông Nghĩa mới yêu cầu Tòa tuyên bố là vô hiệu thì đã quá thời hiệu 2 năm kể từ ngày giao dịch thực hiện nên không được xem xét.

Tương tự, yêu cầu của ông Nghĩa đề nghị Tòa tuyên bố vô hiệu giao dịch bán 2.750 lượng vàng do ông thực hiện sau đó và giao dịch 3.000 lượng vàng của ông do chính ACB thực hiện với lý do thu hồi nợ cũng bị tòa bác bỏ.

Tòa cho việc đề nghị tuyên vô hiệu giao dịch bán 2.750 lượng vàng đã quá thời hiệu yêu cầu còn việc ACB xử lý bán vàng của ông do tỷ lệ nợ đã vượt quá hạn mức quy định là đúng.

Sau khi Hội đồng xét xử tuyên án, luật sư Nguyễn Minh Thuận -  người bảo vệ quyền lợi cho phía nguyên đơn cho biết phía nguyên đơn sẽ kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại.

Mai Phượng