- 10 phim Hàn đến VN làm liên hoan riêng cho thấy diện mạo rất khác với hình dung của nhiều người về một dòng phim ủy mị và nhiều khi rất “sến”.

Phim Hàn Quốc không còn xa lạ với khán giả Việt Nam. Nhưng lần đổ bộ của phim Hàn lần này qua LHP Việt – Hàn lần thứ nhất diễn ra từ 18 – 24/10 được tiến hành một cách quy mô, bài bản cho thấy tham vọng của điện ảnh xứ kim chi tại Việt Nam không chỉ dừng ở mức vài phim mỗi năm.



Phim “As One” (Đồng đội) nêu thông điệp về hòa hợp Nam – Bắc Triều Tiên.

Mang sang Việt Nam 10 bộ phim với đa dạng thể loại, từ hài, tâm lí cho đến chính luận, cổ trang, từ nhẹ nhàng, lãng mạn cho đến những phim nghệ thuật đỉnh cao từng tham dự LHP quốc tế, điện ảnh Hàn Quốc đã chứng tỏ họ không chỉ mạnh trong các thể loại tình cảm (mà nhiều khi rất “sến” và ủy mị) như nhiều người vẫn nghĩ, mà phim của họ cũng có tiếng nói trong đấu tranh giành công lí, trong đời sống nghệ thuật và trong cả lĩnh vực chính trị vốn rất nhạy cảm khi hai miền Triều Tiên còn chia cắt.

Không né tránh chuyện chính trị, bộ phim “As One” (Đồng đội) đề cập đến những bất đồng sâu sắc giữa Nam và Bắc Triều Tiên. Câu chuyện xoay quanh việc hợp nhất hai đội bóng bàn Nam – Bắc thành một đội Triều Tiên duy nhất để có thể tham dự giải bóng bàn quốc tế vào những năm 1990.

Khoảng cách tư duy quá lớn giữa hai bên đã làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn tưởng chừng không thể hòa giải, đến nỗi những người phía Hàn Quốc phải lí giải rằng “cấu trúc não của họ (CHDCND Triều Tiên) khác chúng ta”. Nhưng thái độ đó dần nhường chỗ cho những tình cảm yêu thương khi họ cùng sát cánh bên nhau giành chức vô địch thế giới năm 1991.

Chính lúc tình cảm trở nên đầy đặn nhất cũng là lúc họ buộc phải từ biệt nhau để trở về địa phận của mình. Thể thao, tình người đành bất lực trước chính trị khi mà vĩ tuyến 38 vẫn mãi ngăn cách hai miền Triều Tiên. Kể từ đó đến nay, họ vẫn không có dịp gặp nhau. Bộ phim vừa là một câu chuyện đầy tính nhân văn về tình bạn bè, tình đồng đội, vừa như mũi dao xoáy vào nỗi đau chia cắt mà các nhà chính trị đã dựng nên, không chỉ chia cách về mặt địa lí mà còn phân ly tình cảm, khiến cho người dân hai miền mãi mãi không thể đến được với nhau.


Phim “Unbowed” (Không khuất phục) đặt vấn đề về hệ thống tư pháp Hàn Quốc.

Đề cập đến việc nước nhưng ở một góc nhìn dân sinh, “Hoàng đế giả mạo”, bộ phim cổ trang đang ăn khách nhất tại Hàn Quốc cũng được mang sang LHP lần này. Nhà vua Gwanghae ở triều đại Choson vì lo ngại bị ám sát đã ra lệnh tìm một người đóng thế mình. Người được tìm thấy là Ha-seon, một anh chàng chuyên đóng vai hề.

Không ngờ ít lâu sau, nhà vua bị hạ độc thật và tình hình khá nguy kịch. Ha-seon buộc phải đóng vai nhà vua trong một thời gian dài trong khi chờ đức vua thật phục hồi. Trong thời gian đó, gã hề đã chủ trì việc nước một cách sáng suốt và công tâm, đến nỗi ngay cả tể tướng cũng nhận ra ông làm vua tốt hơn Gwanghae nhiều lần. Nhưng xung quanh cũng bắt đầu xuất hiện những bàn tán về sự thay đổi của nhà vua...

Làm phim cổ trang nhưng không cần đến nhiều những pha võ thuật, cũng không cần đến những người đẹp sắc nước hương trời, “Hoàng đế giả mạo” đi sâu vào khai thác tâm lí, “đánh” thẳng vào những bức xúc của người dân trước một xã hội chia rẽ bởi phe phái. Điều này đã khiến bộ phim chinh phục được không chỉ đông đảo khán giả Hàn Quốc, mà cả báo giới trong buổi ra mắt tại Việt Nam. Phim sẽ được chiếu tại các rạp từ ngày 26/10.

Sự dũng cảm của điện ảnh Hàn Quốc còn được thể hiện ở bộ phim “Unbowed” (Không khuất phục) đầy khốc liệt. Bộ phim là cuộc chiến giành công lí không biết mệt mỏi của một vị giáo sư toán học, mà ở đó, lẽ phải chỉ thuộc về những kẻ có quyền. Phát hiện đề thi sai, giáo sư Kim Kyoung không chịu che giấu sai phạm nên bị buộc cho nghỉ việc. Ông kiện đòi phục chức nhưng thua kiện mà không có lí do rõ ràng.

Quá bức xúc, ông cầm cung tên đến đe dọa thẩm phán để rồi bị tống giam với tội danh cố ý giết người. Cuộc đấu tranh diễn ra trong suốt 4 năm ông ở tù, qua các cấp sơ thẩm, phúc thẩm với hàng loạt phiên tòa. Dù đã nhiều lần chứng minh được sự trong sạch của mình nhưng thẩm phán vẫn giữ nguyên kết luận, và ông tiếp tục kháng án lên tòa tối cao...


“In Another Country”, cựu ứng viên tranh giải Cành cọ vàng có đề tài ca ngợi tình cảm gia đình.

Bộ phim phơi bày mặt tối của hệ thống tư pháp Hàn Quốc, có thể đổi trắng thay đen, thậm chí trắng trợn phán quyết mà không cần đến lẽ phải. Làm được một bộ phim từ một câu chuyện có thật như vậy, điện ảnh Hàn Quốc đã chứng tỏ được tiếng nói của mình trong công cuộc đấu tranh giành chính nghĩa.

Bên cạnh đó, những bộ phim khác được trình chiếu trong LHP Hàn lần này cũng cho thấy phim của họ không phải chỉ có những chuyện yêu đương sướt mướt (dù đây là đặc sản không thể thiếu như phim “Mãi yêu em”), mà đa số là những bộ phim mang tính nhân văn như “Những ngày trong sáng”, “Dạ phục đen” về tình bạn, “Cậu học trò nổi loạn” về tình thầy trò, “Mảnh ghép nơi đất khách” về tình gia đình...

Hàn Quốc hiện đang sản xuất khoảng 150 phim điện ảnh mỗi năm, gấp 10 lần so với Việt Nam cùng với những đề tài đa dạng và có tính chính luận cao. Điều đó đáng để điện ảnh Việt Nam nhìn nhận, học hỏi trong bối cảnh đa số phim Việt hiện nay chỉ quanh quẩn trong chuyện hài hước về tình yêu, gia đình chủ yếu là để giải trí. Điện ảnh Việt rất cần những bộ phim mang thông điệp về những vấn đề nhức nhối trong xã hội mà vẫn được làm một cách dung dị, gần gũi, thu hút như vậy.

Minh Khôi