Bài 1: Phim truyền hình Việt hóa: Từ bom tấn đến bom xịt
Bài 2: 'Điều tối kỵ với người làm phim là không thấy hồn Việt'
Tiếp mạch bài về phim truyền hình Việt hóa từ kịch bản nước ngoài, VietNamNet phỏng vấn biên kịch Đặng Thiếu Ngân - người remake thành công bộ phim gây bão màn ảnh 2017 - Sống chung với mẹ chồng.
Không nghĩ phim Việt Nam kém hấp dẫn bởi yếu tố kịch bản
- Kể từ 'Sống chung với mẹ chồng', 'Người phán xử', 6 năm qua là giai đoạn bùng nổ của phim Việt hóa, chị có nghĩ 'Sống chung với mẹ chồng' là mở đầu cho trào lưu này của phim Việt và cũng là bộ phim Việt hóa thành công hiếm hoi?
Thật ra, Cầu vồng tình yêu phát sóng từ tháng 9/2011 mới có thể coi là khởi nguồn cho thành công của phim Việt hoá. Cầu vồng tình yêu phát sóng trong gần 1 năm, đã tạo nên làn sóng yêu phim truyền hình Việt Nam, với rất nhiều diễn đàn bình luận, fan club... hoạt động sôi nổi. Chính ekip sản xuất bản gốc - Vinh quang gia tộc cũng bất ngờ, thú vị trước thành công này của ekip Việt Nam vì Vinh quang gia tộc rất nổi tiếng, giành nhiều giải thưởng và là bộ phim dài tập, nội dung khai thác đậm nét văn hoá truyền thống Hàn.
- Quá trình làm kịch bản 'Sống chung với mẹ chồng', điều gì khiến chị hứng thú và có điểm gì thách thức chị nhất khi Việt hóa tiểu thuyết nổi tiếng của Trung Quốc, biến nó thành một tác phẩm phim truyền hình đậm màu sắc Việt Nam?
Sống chung với mẹ chồng thành công, theo tôi là bởi bộ phim khai thác đúng chủ đề gần gũi với mọi nhà, mọi người. Đối tượng khán giả đông đảo nhất là phụ nữ, hầu như đều thấy mình, người quen của mình... trong phim. Chính sự đồng điệu, cảm mến, thậm chí là tự tin về "bề dày kinh nghiệm" của bản thân trước các tình huống, chi tiết trên phim đã giúp khán giả thấy Sống chung với mẹ chồng hấp dẫn.
Ngoài đề tài dễ cảm thụ, tạo nên những đồng cảm với khán giả, thì thời điểm Sống chung với mẹ chồng phát sóng, phim truyền hình Việt Nam cũng có được sự đầu tư kỹ hơn nên ekip thực hiện thêm nhiều cảm hứng và điều kiện để sáng tạo nghệ thuật. Thời điểm này, làn sóng phim nước ngoài cũng đang tạm chững, không có được những thành tựu nổi bật như thời đỉnh cao của phim bộ Hong Kong hay Hallyu của Hàn Quốc. Vì vậy, có thể thấy Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử... may mắn hội tụ đủ 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hoà nên được yêu mến, góp phần khẳng định thành công của phim Việt hoá.
- Với tư cách biên kịch, theo chị, có quy tắc gì khi viết kịch bản Việt hóa và điều tối kỵ nhất khi biến một tác phẩm nước ngoài sang một kịch bản dành cho khán giả Việt là gì? Có chi tiết nào được cho là nhạy cảm và không phù hợp trong bản gốc đã được điều chỉnh hoặc thay thế không?
Với kinh nghiệm làm việc cùng nhiều ekip sản xuất phim Hàn Quốc, cả truyền hình và điện ảnh, tôi không nghĩ phim Việt Nam kém hấp dẫn bởi yếu tố kịch bản. Ví dụ ở Hàn Quốc, đầu tư, phát triển ngành giải trí được xem là một phần quan trọng của chiến lược phát triển hình ảnh quốc gia. Họ tập trung xây dựng ngành công nghiệp giải trí với rất nhiều khâu khép kín, đồng bộ nhằm biến công nghiệp giải trí thành một trong những mũi nhọn hàng đầu để xuất khẩu hình ảnh đất nước.
Những người làm nghệ thuật ở Hàn Quốc nói chung, trong lĩnh vực phim ảnh nói riêng, có môi trường được đầu tư bài bản và đắt giá. Hy vọng, với nhiều thành tựu của phim Việt những năm gần đây, cùng sự phát triển cả về thị hiếu của khán giả, trong tương lai gần chúng ta cũng sẽ có sự đầu tư hợp lý, để Việt Nam cũng phát triển ngành công nghiệp giải trí.
Khán giả dễ chấp nhận "à ở Tây họ thế", "Hàn Quốc có kiểu lạ nhỉ" nhưng...
- Có ý kiến cho rằng do biên kịch Việt cạn ý tưởng, thậm chí kém nên mới thường phải dựa vào các kịch bản nước ngoài để Việt hóa. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng vì biên kịch ở Việt Nam được trả thù lao bèo bọt không tương xứng với sáng tạo của họ nên thường không ra được những kịch bản đắt. Chị có đồng tình với những ý kiến này?
Cùng là sáng tạo, những nhà làm phim Việt chắc chắn cũng sẽ rất nhiều ý tưởng. Nhưng không phải ý tưởng táo bạo, những thể hiện phá cách, không theo bất cứ quy chuẩn truyền thống hay những ấn định quen thuộc trong nhận thức của khán giả đều dễ được chấp nhận.
Khi xem phim nước ngoài, khán giả dễ chấp nhận "à ở Tây họ thế", "Hàn Quốc có kiểu lạ nhỉ"... và mặc nhiên đón nhận theo kiểu thưởng thức, "xem để biết" và không có nhiều phán xét hay bức xúc. Nhưng cũng là cách thể hiện đó, đơn thuần ở một bộ phim Việt Nam, có thể sẽ phải nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ngoài việc chúng ta chưa có được sự đồng bộ, chuyên nghiệp để sở hữu một ngành công nghiệp giải trí, thì sự sát cánh của khán giả sẽ giúp sáng tạo của những người làm nghệ thuật được thăng hoa hơn.
Việc lựa chọn những kịch bản có sẵn để Việt hoá không đơn thuần là vì biên kịch cạn kiệt ý tưởng, thiếu sáng tạo mà là sự đầu tư theo xu hướng hội nhập chung. Ở góc độ cá nhân, tôi thấy việc đưa kịch bản gốc từ nước ngoài, hay kịch bản chuyển thể từ các tác phẩm văn học có sẵn, là sự trân trọng và yêu mến khán giả. Vốn đã thích 1 bộ phim nào đó, 1 cuốn tiểu thuyết nào đó, nay có thể xem thêm phiên bản của nước mình, hay từ truyện lên phim cũng sẽ thêm thú vị. Cái gì đã có tiếng mà muốn sở hữu đều cần đầu tư về tài chính. Mua bản quyền, tác quyền cũng phải đầu tư, như thế là để phục vụ khán giả chứ không đơn thuần là thoả mãn sở thích của ekip làm phim.
Tất nhiên, động cơ tốt, vì để phục vụ khán giả nhưng áp lực và trách nhiệm lại thuộc về ê kíp Việt hoá. Thường những gì đã lung linh, khi làm lại rất khó để thoả mãn mọi kỳ vọng, yêu mến mà mọi người đã dành cho bản gốc.
Vì thế, một trong những yếu tố góp phần giúp kịch bản phim Việt hấp dẫn, thú vị, đa dạng hơn, đó là khán giả có dễ đồng tình với những phá cách trong sáng tạo nghệ thuật không? Chẳng hạn như phóng tác ngược hẳn những dữ kiện lịch sử, đưa ra các hành xử khác hẳn phong tục tập quán...? Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là sự chuyên nghiệp, môi trường, con người... để cùng tạo nên những tác phẩm hay.
- Kịch bản là yếu tố quyết định độ hay dở của phim nhưng kịch bản phim Việt hóa lại hay bị so sánh với bản gốc nên tạo áp lực lớn cho biên kịch. Vậy yếu tố quan trọng nhất để có những kịch bản Việt hóa hay là gì? Thù lao cao cho biên kịch có ý nghĩa quyết định lớn không, thưa chị?
Chúng ta không thể nói vì tiền ít nên kịch bản không hay vì để viết hay, phụ thuộc vào khả năng của người viết. Tuy nhiên, để bộ phim hay, cần nhiều yếu tố mới đạt đến thành công. Giống như bạn có thịt ngon nhưng bạn thiếu củi lửa, thiếu dụng cụ làm bếp, thiếu gia vị, làm sao chế biến ra một món ăn ngon?
Còn xét ở góc độ cơm áo gạo tiền, thù lao của biên kịch cũng như thu nhập của những ngành nghề thông thường khác. Bạn ở lĩnh vực nào, thu nhập đủ sống và đủ để thăng hoa sáng tạo trong công việc của mình không? Các biên kịch cũng giống bạn thôi. Họ cũng lúc thăng, lúc giáng với những nỗi lo thường nhật, những ngày vui phấn khởi và những ngày cảm xúc bị rơi.
Viết kịch bản để chạm đến cảm xúc của khán giả đã khó, làm kịch bản Việt hoá còn khó hơn chứ không phải có nền móng là đổ gạch sẽ lên luôn ngôi nhà nguy nga, lộng lẫy. Có thể dùng từ "gạn đục khơi trong" cho công việc Việt hoá kịch bản phim, vì phải giữ được tinh thần nguyên tác nhưng vẫn phải để khán giả Việt thấy mình, thấy bạn mình, thấy cuộc sống thường nhật của xã hội Việt Nam qua mỗi tập phim.
Những câu thoại ấn tượng trong phim 'Sống chung với mẹ chồng' (nguồn: VTV)