- Sự việc VTV quyết định dừng phát sóng phim ‘Anh chàng vượt thời gian’ vừa qua cho thấy chất lượng các bộ phim truyền hình đang có vấn đề còn khán giả thì ngày càng có quyền lực hơn.

Ngay khi bộ phim ‘Anh chàng vượt thời gian’ đang phát sóng, những chuyện lục đục của đoàn làm phim đã bị chính người trong cuộc tố trên mặt báo. Chuyện mâu thuẫn giữa nhà sản xuất, diễn viên với những phát ngôn hết sức thiếu văn hoá được phơi ra khiến khán giả phát ngán. ‘Anh chàng vượt thời gian’ không phải là bộ phim truyền hình đầu tiên làm dư luận khó chịu vì chuyện cơm không lành canh chẳng ngọt giữa các thành viên trong đoàn làm phim bởi trước đó đã có khá nhiều bộ phim dù chất lượng chẳng ra gì nhưng lại nổi tiếng vì những cuộc đấu khẩu giữa đạo diễn và nhà sản xuất với diễn viên trên các phương tiện truyền thông.

Cùng "Anh chàng vượt thời gian", một bộ phim khác đang được phát sóng trên VTV là "Xin thề anh nói thật" cũng không khá khẩm hơn. Bộ phim được PR rất rầm rộ trước khi chiếu nhưng khi phát sóng thì bị khán giả la ó, báo chí chê bai hết lời vì những tình tiết vô lý, diễn xuất thiếu thuyết phục của nam và nữ diễn viên chính. Trước đó, người ta còn thêu dệt lên cái nghi án hết sức vô lý về chuyện bộ phim Tết ăn khách "Cô dâu đại chiến"  đạo kịch bản của "Xin thề anh nói thật". Xem phim thì thấy "Xin thề anh nói thật" nếu mà được như "Cô dâu đại chiến" thì đã tốt. Đạo diễn Victor Vũ của "Cô dâu đại chiến" từng trả lời trên báo chí rằng anh không loại trừ đây là chiêu PR cho "Xin thề anh nói thật".


Cảnh trong phim "Xin thề anh nói thật'.


Trở lại với "Anh chàng vượt thời gian", sự việc trở nên phức tạp hơn khi ngày 20/4, VTV đã ra quyết định dừng phát sóng bộ phim này sau khi kết thúc tập 18. Một việc làm chưa từng có tiền lệ trước đây. Lý do được đưa ra là VTV muốn nhà sản xuất phim có thời gian để tự giải quyết những chuyện nội bộ với các thành phần đoàn làm phim liên quan. Việc dừng phát sóng phần 1 cũng là cần thiết để nhà sản xuất tập trung làm những tập phim tiếp theo thật chất lượng.

Quyết định "đá" bộ phim "Anh chàng vượt thời gian" khỏi sóng giờ vàng cho thấy chất lượng của phim truyền hình hiện nay đang có vấn đề. Song song với việc xã hội hoá làm phim, nhiều hãng phim mới ra đời, thời lượng cho phim Việt trên sóng tăng lên thì cũng xuất hiện những cuộc chạy đua làm phim theo số lượng mà quên đi chất lượng. Việc VTV dừng phát sóng "Anh chàng vượt thời gian" cũng là hồi chuông cảnh báo cho các bộ phim sau muốn vào giờ vàng rằng nếu chất lượng không tốt, bị khán giả tảy chay thì có thể bị gỡ khỏi sóng bất cứ lúc nào cho dù quảng cáo đã bán hết.


Trường hợp của "Anh chàng vượt thời gian" gợi nhớ đến một bộ phim từng gây xôn xao dư luận cách đây 2 năm là "Những người độc thân vui vẻ". Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC) đã đưa ra một quyết định chưa từng có tiền lệ là ngừng sản xuất bộ phim này ở tập thứ 171. Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến khi đó đã đứng ra nhận trách nhiệm về mình và thừa nhận rằng bộ phim không được như mong muốn ban đầu. "Nhà sản xuất và đội ngũ làm phim kỳ vọng đây là một thể loại mới, thể loại phim hài tình huống kéo dài trong 2 năm và tin tưởng bộ phim này sẽ đi được dài hơi và ngày càng tốt lên. Nhưng chặng đường đi của nó không suôn sẻ như vậy, doanh số lại bình bình, không được như sự chờ đợi cũng như công sức những người làm phim đã bỏ ra".


NSX chủ động ngừng sản xuất "Những người độc thân vui vẻ".

Do vậy, dù đã "book" sóng cho 250 tập phim nhưng VFC đã quyết định cho "Những người độc thân vui vẻ" dừng lại giữa chừng. Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến lý giải: "Một dự án đang làm lại bỏ dở giữa chừng như thế này đương nhiên sẽ thiệt hại rất nhiều. Nhưng không có sự tổn hại nào lớn bằng sự tổn hại về mặt uy tín và thương hiệu. Song chúng tôi cho rằng quyết định ngừng sản xuất bộ phim là điều cần thiết". Cách hành xử của VFC được cho là cực kỳ cầu thị và sáng suốt vào thời điểm đó dù  những người mắng mỏ bộ phim này không phải là ít. Tuy nhiên, việc quyết định dừng sản xuất một dự án phim mà mình cho là đã không còn sức hút nữa khác hẳn với việc một bộ phim khi đang phát sóng lại bị tuýt còi vì chất lượng quá dở.


Một đạo diễn phim truyền hình nổi tiếng của phía Bắc trong một chuyến công tác tại TP.HCM nhận giải Cánh diều 2011 thông báo một tin khiến nhiều người giật mình: Đã có kỷ lục làm phim truyền hình mới. Đó là 3 ngày 2 tập! Tuy nhiên, vào thời điểm này, kỷ lục mới đã được xác lập: 1 ngày/tập. Với thời gian quay ngắn như vậy thì sao có thể đảm bảo chất lượng cho mỗi tập phim. Vẫn biết trong thời buổi này, quay thêm ngày nào là tốn kém ngày đó, áp lực về tốc độ sản xuất nhanh cho kịp ngày phát sóng cũng rất cao nhưng không thể lấy những lý do này để bào chữa cho lối làm phim cẩu thả, bất chấp khán giả.

Hạnh Phương