Khách trẻ ghé quán bánh ướt trên đường Nguyễn Thị Nhỏ chỉ thấy đĩa bánh ngon và rẻ. Nhưng với những người nhiều năm ở khu vực đó thì món ăn này đã gắn bó với họ hơn 30 năm nay.
“Chốn xưa” của phố bánh ướt Nguyễn Thị Nhỏ là vòng xoay Lê Đại Hành-Âu Cơ. Khi đó vòng xoay còn là ngã ba nhỏ, thời hưng thịnh - những năm 89, 90, một cái ngã ba mà đến 5, 6 quán, quán nào cũng chất lượng như nhau. Đĩa bánh ngày xưa cũng lớn hơn, đầy đủ nem chả, bánh đậu giòn, giá trụng, đặc biệt nước mắm pha cực ngon.
Một trong 3 quán bánh ướt lâu năm ở Nguyễn Thị Nhỏ Bánh ướt ngon nhờ nguyên liệu tự làm kiểu gia truyền |
Những năm 80 đèn đường chưa nhiều, quán bánh ướt ngay ngã ba cũng gọi là vị trí dễ nhìn mà còn rất khiêm tốn. Bước vào cửa là đi xuống mấy bậc vì đường làm sau lên lề cao, nhà xây trước nên thành nền thấp, lún xuống. Quán cũ kỹ với tường tô lâu ngày bong tróc, đèn bóng tròn mờ mờ. Nhưng bánh ướt thì cực ngon, đựng trong cái đĩa đá to, sâu lòng, chan ngập nước mắm chua ngọt, giá trụng và nem, chả. Nem lấy từ lò Thủ Đức, chua ngon và không có trộn vỏ bưởi thay cho da heo. Chả thì dai, không có mùi bột pha. Bánh ướt cũng xay bột làm tại nhà, bánh đậu cũng tự làm. Một đĩa bánh bưng ra đầy có ngọn.
Bánh ướt hiện tại vẫn như xưa, đầy đặn bánh, chả, nem, giá, bánh đậu giòn và nước mắm chan chua ngọt. |
Các quán ở vòng xoay ngày xưa đều không có bảng hiệu nhưng người quận 11 thì hầu như ai cũng biết đến bánh ướt khu vực này. Hút khách nhất là quán có ba chị em cô giáo đứng bán, người dân ở đây quen gọi là quán ba cô. Ba người ngày đi dạy, tối về bán bánh ướt, làm nghề dạy học nên nói năng lúc nào cũng nhỏ nhẹ, dễ thương. Trong đám khách cũng không ít chàng cứ có tiền là ra ăn bánh ướt, ngồi ăn chỉ để canh ngắm một trong ba cô đi dạy về, để lăng xăng xin được dắt chiếc xe đạp của cô chủ xe xuống thềm, để ngắm thêm tà áo dài duyên dáng lướt nhanh qua.
Phố bánh ướt hiện giờ còn 3 quán cũ là Dì Ba, Hoàng Trúc và Hồng Lan |
Khoảng năm 94 đến 98, những quán này dời về đầu đường Nguyễn Thị Nhỏ. Đĩa bánh vẫn thế, nhưng người bán đã khác. Ba cô giáo thì vắng hẳn bóng, không biết di dời về đâu. Con đường Nguyễn Thị Nhỏ giờ dài hun hút với cả một danh sách ẩm thực các món bình dân. Còn phố bánh ướt ngày xưa giờ chỉ còn ba quán, đó là Hoàng Trúc, Dì Ba và Hồng Lan. Đa phần khách đến đây là khách quen, ăn từ xưa tới nay.
Bánh ướt ở Nguyễn Thị Nhỏ là kiểu cha truyền con nối |
Bánh ướt ở Nguyễn Thị Nhỏ là quán kiểu cha truyền con nối, duy trì đến ngày nay là do muốn giữ lại cái nghề của gia đình. Có quán chủ cũ vốn là người gốc Bắc, lập gia đình vào Nam mang theo nghề làm bánh gia truyền. Ban đầu chỉ đơn giản là ngâm gạo xay bột làm ra thứ bánh ướt quê nhà bán cho thợ thuyền quanh xóm ăn sáng, ăn xế. Rồi thành hàng quán đông khách, truyền từ ông bà, cha mẹ đến con cái. Cứ thay nhau ra cắt bánh, xếp chả, chan nước chấm từ sáng đến tối.
Đĩa bánh ở quán Hoàng Trúc |
Khách cũ đến quán quen, thích nhất là không cần gọi món. Chủ quán chỉ nhìn mặt khách là không cần nói cũng biết khách muốn ăn gì hay mua mang về, ăn cay vừa hay cay nhiều, bao nhiêu hộp… Đĩa bánh vẫn như xưa, đầy đặn bánh, chả, nem, giá, bánh đậu giòn và nước mắm chan chua ngọt. Giá từ 20.000-25.000 đồng/đĩa.
Một đĩa bánh trung bình là 20.000 đồng Chả, nem tính riêng |
Giữa Sài Gòn nhiều đổi thay, những quán này bao nhiêu năm vẫn thế, như một “chốn về” thân quen của những người xa quê. Những người chốn cũ lâu lâu về thăm nhà lại ra bánh ướt ngã 3 Lê Đại Hành (giờ là Nguyễn Thị Nhỏ), thấy yên tâm khi quán bánh ướt mình ăn từ bé giờ vẫn còn, mà theo lời những người bán thì “ngày nào khách còn ăn thì nhất định quán sẽ còn bán”.
(Theo PNO)