Hôm nay (30/8), trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Thiên Văn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, ông vừa có chuyến đi thực tế trên sông Krông Ana (đoạn qua huyện Lắk) để khảo sát, đánh giá tình hình sạt lở của dòng sông này.
Theo ông Văn, qua chuyến đi thực tế, ông nhận thấy tình trạng sạt lở ở sông Krông Ana tương đối nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, diện tích đất nông nghiệp và đất rừng đặc dụng.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở này, ông Văn khẳng định, ngoài yếu tố tác động bởi dòng chảy, biến đổi khí hậu thì các doanh nghiệp khai thác cát cũng không thể vô can.
"Tôi đã đề nghị UBND huyện Lắk, Sở Tài nguyên và Môi trường, ngành Công an tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp được cấp phép đúng quy định về đăng ký phương tiện, số lượng phương tiện... Đặc biệt là các khu vực cấm, tạm cấm khai thác; đồng thời tuyên truyền để người dân kịp thời thông tin, phản ánh các vấn đề vi phạm trong khai thác cát", ông Văn cho biết thêm.
Trước đó, báo cáo của UBND huyện Lắk cho thấy đã ghi nhận một số vị trí sạt lở dọc bờ sông Krông Ana, các vị trí sạt lở này nằm trong ranh giới cấp phép khai thác cát cho 3 doanh nghiệp.
Cụ thể, vị trí 1, sạt lở kéo dài 1.210m, thuộc đoạn sông được cấp phép khai thác của Công ty CP VLXD Tây Nguyên, thuộc địa phận xã Yang Tao.
Vị trí 2, sạt lở kéo dài 570m, thuộc đoạn sông được cấp phép khai thác của Công ty CP Đoàn Chính Nghĩa, thuộc địa phận xã Yang Tao.
Vị trí 3, sạt lở kéo dài 430m, thuộc đoạn sông được cấp phép khai thác của Công ty CP VLXD Tây Nguyên, thuộc địa phận xã Đắk Liêng.
Ngoài ra trong 14,5km khu vực khai thác của Công ty CP VLXD Tây Nguyên có 2 điểm sạt lở bờ sông đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt khu cấm khai thác cát với tổng chiều dài 1,85km. Trong đó, 3 hộ dân có đất sạt lở nằm trong khu vực này với tổng diện tích sạt lở theo thống kê 0,35 hecta.