- Những nội dung mà Tổng bí thư yêu cầu kiểm tra không chỉ là việc ông Thanh đi xe Lexus biển trắng được đổi thành biển xanh mà còn là quá trình bổ nhiệm.

Vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao UB Kiểm tra TƯ chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính TƯ, Ban Tổ chức TƯ, Bộ Công an, Ban cán sự Đảng: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước; Ban Thi đua - Khen thưởng TƯ, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí VN khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo chí đã nêu đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Những nội dung mà Tổng bí thư yêu cầu không chỉ là việc ông Thanh đi xe Lexus của cá nhân biển trắng được đổi thành biển xanh mà còn là quá trình bổ nhiệm ông Thanh.

Tổng bí thư yêu cầu UB Kiểm tra TƯ cùng với các cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban bí thư.

Đây là chỉ đạo kịp thời của người đứng đầu Đảng về việc thực thi pháp luật đối với cán bộ chủ chốt, không giấu giếm bao che.

Dư luận từ lâu đã có nhiều ý kiến về một số vụ việc được báo chí, người dân chỉ ra nhưng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng còn chậm, chưa minh bạch dẫn đến quần chúng phân tâm.

Trong vụ việc của ông Thanh, báo chí và dư luận bàn tán nhiều nội dung, từ việc được cơ quan công an của tỉnh cho đổi biển trắng thành xanh để tiện "thực thi công vụ" đến chuyện ông em "tốt bụng" cho ông anh mượn xe sang 5 tỷ và chịu làm lái xe chỉ nhận lương 3 triệu nhằm "học hỏi kinh nghiệm" của ông anh...

Mà lúc đầu cái chuyện dùng xe tư lắp biển xanh được vị Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang phát biểu “hồn nhiên”: “Tôi thấy việc này là bình thường. Dùng xe cá nhân đi, chứ có dùng xe nhà nước sai tiêu chuẩn đâu mà dư luận phê phán ầm ĩ”.

Dư luận đặt câu hỏi "nếu ai cũng có thể đổi biển như thế" để dùng thì còn gì là kỷ cương luật pháp.

Nhưng dư luận không chỉ dừng lại ở chuyện biển xanh, biển trắng, mà còn băn khoăn ở chỗ bảo xe mượn của bạn thực chất có phải là mượn hay của ông Phó chủ tịch cho người khác đứng tên? Bởi người cho ông mượn lại là lái xe cho ông, một cấp dưới mà ông đem theo từ một tổng công ty lớn của Tập đoàn Dầu khí VN, nơi mà trước đó ông làm chủ tịch. Rồi còn chuyện vì sao ông lãnh đạo cái tổng công ty đang làm ăn bết bát mà bỗng nhiên được qui hoạch luân chuyển về làm phó chủ tịch tỉnh...

Xin được nói về cái tổng công ty nơi chắp cánh cho ông. Đó là một tổng công ty lớn của Tập đoàn Dầu khí VN, có tên viết tắt là PVC.

Lúc đầu, tổng công ty này làm ăn cũng khấm khá, được phong tặng nhiều danh hiệu. Tuy nhiên, sau đó PVC bắt đầu xuống dốc, lâm vào tình trạng kinh doanh thua lỗ trầm trọng, gây khó khăn cho tập đoàn. Cụ thể, vào năm 2013, PVC báo cáo tài chính với khoản lỗ hợp nhất lên tới trên 3.200 tỷ đồng.

 Từ một công ty đang ăn nên làm ra mà chỉ trong thời gian ngắn lại thua lỗ trầm trọng như vậy là vì sao?

Do đó Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 49/TB – VPCP ngày 25/1/2014 theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Tập đoàn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ này.

Điều đáng nói là trước khi PVN bị kiểm điểm, ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch PVC đã rời ghế lãnh đạo của tổng công ty này và được bổ nhiệm làm trưởng đại diện văn phòng miền Trung của Bộ Công thương ở Đà Nẵng.

Những tưởng sau chỉ đạo của Thủ tướng thì ông Thanh và một số lãnh đạo sẽ không tránh được việc liên đới trách nhiệm, nhưng kỳ lạ thay, cho tới nay chưa hề thấy đề cập tới trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh. Và ông Thanh một lần nữa được bố trí ở vị trí cao hơn.

Ông đã được luân chuyển về làm Phó chủ tịch ở một tỉnh vùng Nam Bộ "gạo trắng nước trong" xa quê để ông có thời gian trải nghiệm.

Ngày 13/5/2016, HĐND tỉnh Hậu Giang tổ chức kỳ họp bất thường thông qua tờ trình của Chủ tịch UBND tỉnh về việc giới thiệu và đề cử nhân sự bầu bổ sung chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại kỳ họp này, với kết quả 43/47 phiếu đồng ý, ông Trịnh Xuân Thanh đã được bầu làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và đảm nhiệm chức vụ đó đến nay.

Được biết ông Thanh trước đó xuất thân từ doanh nhân. Tốt nghiệp kiến trúc năm 1990 sau đó sang Đông Âu làm ăn, về nước ông làm ở công ty Detesco của TƯ Đoàn, rồi chuyển sang tổng công ty Sông Hồng trước khi đầu quân cho PVC.

Có người cho rằng, ông Thanh đã "hạ cánh an toàn" sau vụ PVC bị thua lỗ. Và cũng chính vì vậy, người ta không thể không đặt câu hỏi: Có hay không “một ông anh” hay “một bà chị”... nào đó nâng đỡ, bố trí cho ông Thanh nói riêng và những vị lãnh đạo khác rời đi trong thời điểm đó một cách "an toàn"?

Từ sự ồn ào của dư luận, người đứng đầu Đảng đã có chỉ đạo kịp thời. Đây là cách làm đổi mới quyết liệt trong thực hiện nghị quyết TƯ 4 về chỉnh đốn Đảng

Vấn đề lấy lại lòng tin đối với Đảng là công việc cần kíp.  Phát biểu trong Hội nghị công tác dân vận vừa qua, Tổng bí thư nhấn mạnh: "Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội".  Và “Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất”.

Đây là việc "cần làm ngay" như Tổng bí thư yêu cầu. Chúng ta đã có đủ văn bản và bây giờ cần bắt tay vào những công việc cụ thể "nói đi đôi với làm" như Tổng bí thư chỉ đạo.

Nguyễn Đăng Tấn