Dự án trọng điểm của khu vực Bắc Trung Bộ

Những ngày qua, người dân xã Hải Hà, Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) tụ tập trước bến cảng số 3, Dự án cảng container Long Sơn và trước cổng trụ sở UBND xã để phản đối việc xây dựng.

Người dân cho rằng, việc triển khai xây dựng bến số 3 sẽ ảnh hưởng tới hàng chục hộ dân làm nghề lưới rê, xăm moi, cào ngao và các hoạt động không thường xuyên ở vùng biển ven bờ.

Trao đổi PV. VietNamNet, ông Mai Sỹ Lân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, cho biết, Khu Kinh tế Nghi Sơn là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước, được Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển, với mục tiêu xây dựng nơi đây thành một khu vực phát triển năng động, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

W-z4801681681047-9c1e320bfce2db733f62011e82bd4743-1.jpg
Khu vực xây dựng bến số 3, dự án cảng container Long Sơn

Trong đó, Dự án Cảng container Long Sơn, do Công ty TNHH Long Sơn đầu tư, là dự án thuộc danh mục các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của tỉnh.

Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2837/QĐ-UBND ngày 29/7/2016. Đây là công trình hạ tầng biển quan trọng không chỉ với Khu Kinh tế Nghi Sơn, mà còn đối với tỉnh Thanh Hóa và cả khu vực Bắc Trung Bộ. Việc triển khai đầu tư xây dựng dự án thời điểm này là rất cần thiết nhằm hình thành, phát triển khu vực cảng container chuyên dụng đầu tiên tại Cảng Nghi Sơn.

“Đến thời điểm này, khi dự án bắt đầu triển khai thì một số người dân phải đối với lý do ảnh hưởng tới ngư trường, ảnh hưởng nơi neo đậu thuyền của bà con”, ông Lân nói. 

Cần sự đồng thuận của nhân dân

Trước sự việc trên, các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa khẳng định, trên địa bàn xã Hải Hà hiện có 415 phương tiện khai thác hải sản trên 410 hộ dân; trong đó có 1 tàu cá có chiều dài trên 15m; 13 tàu cá chiều dài từ 12m đến dưới 15m; 362 tàu cá có chiều dài từ 6-12m và 39 tàu cá có chiều dài dưới 6m), với khoảng 1.042 lao động.

Cơ cấu nghề khai thác ở địa phương tùy thuộc vào thời điểm, mùa vụ làm các nghề như: lưới kéo tôm, lưới kéo moi, lưới rê, câu tay, vớt sứa; ngư trường hoạt động thường xuyên ở vùng biển Thanh Hóa đến Nghệ An, một số phương tiện hoạt động ở vùng biển tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Ninh.

W-untitled-1hhhhhhhhhh.jpg
Người dân xã Hải Hà đối thoại với chính quyền địa phương.

Có 33 hộ đang làm nghề khai thác thủy sản thủ công, với tổng số 123 lao động. Trong đó, có 9 hộ làm nghề lưới rùng khai thác không thường xuyên ở ven biển xã Hải Hà, có nguồn thu nhập phụ từ nghề này; 24 hộ làm nghề lưới rê, xăm moi, cào ngao, dắt hoạt động không thường xuyên ở vùng biển ven bờ, chỉ khai thác theo thời điểm, mùa vụ, có thêm nguồn thu nhập.

Theo đó, về ngư trường sau khi hình thành bến số 3 sẽ tạo thành đê chắn sóng, chắn gió cho nhân dân xã Hải Hà, đồng thời tạo thành vùng nước với diện tích khoảng trên 10ha phục vụ cho ngư dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn. Các ngư dân vẫn có ngư trường khai thác ven bờ rộng lớn.

Đối với 14 tàu cá/14 hộ có tàu cá chiều dài từ 12m trở lên, theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên hoạt động ở vùng lộng và vùng khơi. Thực tế đối với các tàu này chủ yếu hoạt động ở vùng lộng, khu vực phía Đông Nam Đảo Hòn Mê, vùng biển Nghệ An, Hà Tĩnh...

Do đó, ngư trường khai thác hải sản của các hộ ngư dân này không bị ảnh hưởng bởi việc thi công bến số 3 cảng container Long Sơn.

Theo ông Lân, Công ty Long Sơn đã và đang thực hiện sửa chữa 4 công trình công cộng cấp thiết, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, tiến hành khảo sát để hỗ trợ đầu tư tuyến đường kết nối đường dân sinh ven biển với đường vào cảng container.

"Công ty đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nên rất cần sự đồng thuận của người dân”, ông Lân bày tỏ.