Cả khu phố tây hình chữ C ôm hết vòng cua trên đỉnh đèo Hải Vân “Đệ nhất hùng quan” hình thành sau ngày lão nhà thơ Lại Phiền Hà lên khai sơn phá thạch gần 3 thập kỷ trước giờ trở thành khu phố nhộn nhịp mở cửa đón khách Tây.
Lão “Thần hoàng” trên đỉnh đèo
Người đầu tiên khai phá đỉnh đèo Hải Vân và lập nghiệp từ 3 thập kỷ trước là lão nhà thơ Lại Phiên Hà. Lão được cư dân nơi đây gọi là “Thần hoàng”.
“Thần hoàng” Lại Phiên Hà bảo tất cả cơ ngơi dựng xây suốt mấy chục năm nay đã bàn giao cho Mắm “đại ca” - vợ lão - và mấy đứa con cai quản. Còn lão lui ra phía sau núi, ẩn mình nơi khu không gian đẹp có cái tên NICEVIEW để làm thơ và mở cửa đón khách Tây đến ngắm trời mây cùng lão mỗi ngày.
Bán căn nhà mặt phố ở quận Liên Chiểu được ba cây vàng, lão lên đỉnh đèo heo hút Hải Vân quan bắt đầu sự nghiệp kinh doanh.
Du khách nước ngoài đi theo đoàn, đi theo nhóm, người xe đạp, kẻ xe máy,... lũ lượt vượt đèo lên khu phố Tây ngắm cảnh. |
Ngày đó, chẳng ai nghĩ lão trụ lại được trên đèo chỉ có gió, mây mù, những vụ tai nạn giao thông thảm khốc và những băng cướp hoành hành hai phía đỉnh đèo bên Thừa Thiên Huế, bên Đà Nẵng - Quảng Nam.
“Không ai dám ở lại trên đỉnh đèo này vào ban đêm bởi trộm cướp hoành hành. Ban ngày một số người nhảy xe lên đỉnh đèo buôn bán lặt vặt, đến chiều là hạ sơn, chỉ mỗi mình tôi ở lại với mấy chiến sĩ biên phòng lên đóng chốt” - lão kể.
Kể từ ngày lão xuất hiện, với tấm thân hộ pháp, hàng ngày lão hì hục đào núi, phá đá, dựng nhà vệ sinh, mở quán kinh doanh. Nhiều lần bị bọn cướp quấy phá, nhưng lão không ngán, vẫn bám trụ.
Rồi những đêm một mình lão lao xuống vực sâu vừa cứu người bị tai nạn giao thông, vừa đuổi đám ong ve hôi của của người bị nạn. Lão sống hồn nhiên như cỏ cây nên cuối cùng cũng thu phục được đám giang hồ, cướp bóc trên đèo.
Nhiều người trong số đó tự nguyện “rửa tay gác kiếm” cùng với lão khai phá đỉnh đèo, dựng nhà buôn bán mưu sinh, nay số trụ lại buôn bán đã lên tới hơn 20 hộ dân.
Tòa thành cổ “đệ nhất hùng quan” hấp dẫn du khách |
Phố Tây trên đỉnh đèo
Khu phố Tây hình cánh cung ôm trọn vòng cua hình chữ C trên đỉnh đèo, nhà cửa san sát với những cửa hàng bán đồ lưu niệm, giải khát,... quay ra mặt đường, nhìn thẳng lên tòa thành cổ “Đệ nhất hùng quan” sừng sững rêu phong.
Chính nhờ tòa thành cổ còn sót lại nằm ở độ cao 496 mét cùng với phong cảnh hữu tình nên mấy năm nay, cư dân phố Tây ăn nên làm ra nhờ khách du lịch nước ngoài từng đoàn, từng nhóm, kẻ ôtô, người xe máy, kẻ xe đạp,... rồng rắn kéo lên đỉnh đèo Hải Vân để thưởng ngoạn. Bây giờ thì khu phố đón khách Tây nhộn nhịp suốt ngày.
Cư dân khu phố Tây hướng dẫn cho du khách tham quan |
Khách Tây thăm khu không gian đẹp |
Lão “Thần hoàng” lại Phiền Hà kể ngày đầu tiên lập làng Tây trên đỉnh đèo |
“Vào mùa nắng, ngày cao điểm, có cả nghìn khách Tây tìm đến ngắm cảnh, thăm thú. Đó là chưa kể các đoàn khách trong nước cũng tìm đến, khiến khu phố đỉnh đèo vui như hội”, lão khoe.
Nơi hàng quán của vợ con lão cai quản khách vào ra nườm nượp nhờ lợi thế đắc địa. Đó là chưa kể hệ thống nhà vệ sinh, và khu không gian NICEVIEW lão hì hục tạo dựng suốt cả chục năm trời rồi mở cửa miễn phí. Rồi mấy đứa con lão nói đủ thứ tiếng Tây, Tàu,... khiến khu vực này giờ là điểm đến lý tưởng của du khách nước ngoài.
Nếu lên đây mà hỏi ai là người yêu cái đỉnh đèo này nhất, chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời là: lão Lại Phiền Hà. Từ những ngày đầu lập nên khu phố này, lão xây dựng vườn hoa cây cảnh, trồng cây và sẵn sàng bán đàn bò 20 con vì sợ gây nguy hiểm cho phương tiện qua lại và ô nhiễm môi trường.
Lão chẳng nói giọng Quảng, cũng không giọng Huế, mà là thứ giọng miền chiêm trũng. Lão hồn nhiên sống ở nơi đèo heo hút này tự sản xuất ra điện, trồng rừng, nuôi lợn, bò, bắt cướp và... làm thơ. Thế mà gần ba thập kỷ sau, vùng đất nơi đỉnh đèo Hải Vân hoang vu ngày nào giờ trở thành khu phố Tây nổi tiếng, chỉ cách Đà Nẵng khoảng 30 phút chạy xe.
Vũ Trung
Loại rau nào “tắm” thuốc trừ sâu nhiều nhất?