- Di dời các công sở, trường học và bệnh viện ra ngoại thành để giảm áp lực quá tải lên hạ tầng các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài vẫn là câu chuyện về tầm nhìn, tư duy của lãnh đạo các thành phố và thể chế thực thi.

VietNamNet ghi nhận ý kiến của các nhà quản lý và chuyên gia quy hoạch đô thị tại cuộc tọa đàm: Vai trò của lãnh đạo đô thị do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Học viện Cán bộ Quản lý và Xây dựng tổ chức.

Lập đô thị kiểu phong trào

- Chúng ta vẫn chưa quên hình ảnh những người dân ở TP.HCM mới đây phải vật lộn giữa dòng nước ngập đến ngang bụng để về nhà. Hay mỗi người ngồi đây ngày nào cũng phải chiến đấu giữa dòng xe cộ kẹt cứng để tới nơi làm việc. Theo ông, làm thế nào để giảm tải cho hạ tầng các đô thị lớn?

Ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị Bộ Xây dựng: Đô thị hoá là quá trình tất yếu đối với mọi quốc gia và VN cũng không phải ngoại lệ. Từ năm 1999 trở lại đây, tốc độ phát triển đô thị của VN rất nhanh, từ 629 đô thị lên đến 780 đô thị.

Số lượng tăng nhanh như vậy nhưng phải nói thẳng rằng nhiều đô thị tiếng là đô thị nhưng chất lượng chưa tương xứng, các tiêu chí về hạ tầng đều không đạt chuẩn. Hầu hết chuyển từ xã lên phường mà không dựa trên điều kiện cụ thể, dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai.

Có thể nói giai đoạn vừa qua, hầu hết các đô thị đều phát triển theo dạng tự phát, phong trào, nhất là hình thành các dự án trên cơ sở mô hình chung mà không có quy hoạch phân khu và đặc biệt không có kế hoạch, lộ trình thực hiện.

Điều đó dẫn đến chúng ta chưa kiểm soát được dòng di cư cơ học từ nông thôn vào thành thị, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Dòng di cư khổng lồ này kéo theo hàng loạt vấn đề về nhà ở, việc làm, hệ thống an sinh xã hội, môi trường đô thị, trật tự an toàn xã hội…gây quá tải nghiêm trọng lên hệ thống hạ tầng của hai thành phố lớn. Do đó, những hiện tượng như ách tắc giao thông, ngập úng khi mưa, vấn đề lấn chiếm đất công, xây dựng không phép, sai phép…trở nên phổ biến.

Để giải quyết bài toán này, từ phía các nhà quản lý, đặc biệt là Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ nhiều giải pháp tổng thể. Trước tiên là Thủ tướng đã ký Quyết định 445 năm 2009 về Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị quốc gia. Quy hoạch tổng thể này đặt ra ba giai đoạn với ba mục tiêu:

Giai đoạn 1: đến năm 2015 cố gắng thực hiện được những đô thị hạt nhân trên các vùng miền cả nước để làm hạt nhân tăng trưởng cho mỗi vùng miền;

Giai đoạn 2: đến 2020 cố gắng hình thành những vùng đô thị tập trung theo vùng kinh tế xã hội lớn. Hiện VN có 6 vùng kinh tế xã hội chính và sẽ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng khung và các công trình đầu mối để cả 6 khu vực này đều có tốc độ phát triển đô thị nhanh hơn

Giai đoạn 3: đến 2025 liên kết các đô thị này thành một mạng lưới chung quốc gia, từ đó hỗ trợ lẫn nhau giữa đô thị lớn, đô thị nhỏ trong quá trình phát triển, tạo điều kiện đặc biệt để những đô thị nhỏ phát triển tốt hơn bởi đây là những nơi dễ bị tổn thương nhất trong quá trình đô thị hóa. Khi các đô thị nhỏ phát triển hơn thì sẽ tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm tại chỗ, nhờ đó hạn chế được dòng di cư cơ học từ nông thôn vào đô thị, từ các đô thị nhỏ vào đô thị lớn, giảm tải hạ tầng cho các thành phố lớn.

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang triển khai đồng bộ đề án này.

{keywords}
Những hình ảnh này đã trở nên quen thuộc mỗi ngày với cư dân Hà Nội và TP.HCM. Ảnh: VietNamNet

 

Giãn dân ra ngoại ô chỉ là giải pháp tình thế

- Về mặt lâu dài thì như ông nói phải có chiến lược phát triển đô thị một cách tổng thể và đồng bộ để giảm áp lực “nước chảy chỗ trũng”, di cư cơ học dồn về vài thành phố lớn. Nhưng ông nghĩ sao về một số giải pháp ngay trước mắt, có thể thực hiện được mà chúng ta đã từng có chủ trương rồi, như di dời các trường học, bệnh viện, cơ quan bộ ngành ra khỏi khu vực nội thành để giãn mật độ dân số?

Ông Đỗ Viết Chiến:
VN có tới 780 đô thị, nhưng chỉ có 2 đô thị lớn là TP.HCM và Hà Nội với dân số từ 7 triệu đến 10 triệu dân. Trong khi đó, chúng ta chưa kiểm soát được dòng di cư cơ học từ nông thôn vào các đô thị, từ các đô thị nhỏ xung quanh vào các đô thị lớn. Đây là một bài toán đòi hỏi một cách giải tổng thể, chứ không thể bằng biện pháp hành chính được.

Trước đây, chúng ta từng áp dụng biện pháp hộ khẩu để quản lý nhưng hiện nay giải pháp này đã lỗi thời, bởi chuyện lựa chọn nơi cư trú là quyền của công dân. Do đó, tôi vẫn nhấn mạnh giải pháp tổng thể và mang tính chiến lược là làm sao thu hẹp khoảng cách hiện nay giữa đô thị lớn và đô thị nhỏ, tạo dựng sự phát triển tương đối đồng đều trong khu vực cũng như trong hệ thống quốc gia.

Chỉ khi làm được như vậy, tức là tạo được nhiều công ăn việc làm ổn định hơn thì dòng di cư tìm về các đô thị lớn sẽ giảm bớt. Bởi xét cho cùng, mục tiêu của mọi người đều là tìm công ăn việc làm tốt hơn rồi dần dần định cư ngay tại đó.

Còn về giải pháp trước mắt, Quy hoạch chung cũng đã xác định rõ ba loại đối tượng phải di dời, bao gồm các cơ sở sản xuất và hệ thống các trường đào tạo, dạy nghề ra khỏi nội ô. Số lượng những cơ sở này tập trung trong lõi của đô thị Hà Nội vô cùng lớn, trong khi các khu dân cư, đô thị mới hình thành ở ngoại ô, dẫn đến hiện tượng dòng giao thông con lắc hàng ngày. Buổi sáng tắc chiều vào, buổi chiều tắc chiều ra. Cách tốt nhất là giãn các cơ sở này ra vùng ngoại ô, thậm chí di dời sang các tỉnh lân cận. Ngoài ra, các bệnh viện lớn trong nội thành cũng sẽ từng bước được di dời. Trước mắt di dời sớm các bệnh viện gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở cũ sau này sẽ đóng vai trò tổng hành dinh, tập trung các giáo sư, bác sĩ giỏi nhất, có thể sử dụng công nghệ thông tin để điều khiển các ca mổ phức tạp ở những địa phương rất xa chứ không nhất thiết phải đưa bệnh nhân và người nhà vào thành phố.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, đây vẫn chỉ là những giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, chỉ khi nào chúng ta hạn chế được dòng di cư cơ học vào các đô thị lớn thì khi ấy mới khắc phục được vấn đề quá tải giao thông.

{keywords}
Vài cơn mưa đầu mùa đã biến phố thành sông. Ảnh: VietNamNet

 

Quy hoạch có nhưng thực hiện kém

- Ngoài nạn kẹt xe, chuyện ngập úng, thoát nước tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM cũng đang ngày càng trở nên căng thẳng. Như chúng ta đã chứng kiến chỉ vài cơn mưa đầu mùa vừa rồi đã biến TP.HCM thành biển nước. Giải pháp tổng thể thì ông đã nói đến, nhưng liệu còn cách nào khác để khắc phục sớm tình trạng này hay không?

Ông Đỗ Viết Chiến: Ùn tắc giao thông và ngập úng đang là hai vấn đề bức xúc nhất hiện nay của hai đô thị lớn, cũng như các đô thị khác.

Quy hoạch hiện nay đã xác định rất cụ thể đâu là khu vực lưu vực thu nước, cốt khống chế của khu vực đó, hướng dòng chảy chính, kênh thoát nước lớn, hồ điều hòa, diện tích để bố trí các trạm bơm. Trong trường hợp tiêu thoát không kịp thì phải dùng biện pháp cưỡng bức như thế nào.

Mấu chốt ở chỗ việc quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch còn rất nhiều bất cập. Các dòng chảy thoát nước đều được xác định hành lang bảo vệ và phải cắm mốc công khai để người dân biết nhưng hiện nay tình trạng lấn chiếm, lấp hồ ao trong đô thị xảy ra phổ biến.

Trong quản lý cấp phép xây dựng cũng còn nhiều chuyện đáng nói. Về nguyên tắc, cấp phép phải xác định rõ cốt của mỗi công trình, đương nhiên cái phía sau phải thấp hơn cái phía trước thì nước mới thoát ra ngoài được. Nhưng hiện nay vì quản lý không tốt nên nhiều khi nước chảy vòng quanh chứ không thoát ra được.

Chỉ khi các nhà lãnh đạo đô thị đổi mới tư duy, hiểu đúng đắn về bản chất của đô thị thì khi đó mới quản lí tốt được.

Ông Achim Fock, Giám đốc Danh mục Đầu tư, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Tình trạng ngập lụt tại hai thành phố lớn mà chúng ta đã chứng kiến cho thấy những thách thức rất cụ thể đối với quy hoạch đô thị của VN, nhất là những thành phố lớn có tốc độ đô thị hoá chóng mặt. Tôi đồng ý với những giải pháp mà ông Chiến vừa nêu ra như việc phải xây dựng hạ tầng chuẩn ngay từ ban đầu, bao gồm xây dựng hệ thống thoát nước, các trạm bơm…

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm: vấn đề quy hoạch đô thị đặt ra đòi hỏi phải có những thể chế phù hợp. Tình trạng ngập lụt không chỉ do thoát nước mà còn liên quan đến vấn đề sử dụng đất, đến quy hoạch khu dân cư, đường xá. Để làm được điều đó, cần phải thu thập rất nhiều thông tin chuẩn xác, không chỉ thông tin về các dòng chảy mà còn phải dự báo được xu hướng phát triển của đô thị, hay các dòng chảy sẽ thay đổi ra sao dưới tác động của biến đổi khí hậu. Chúng ta chỉ có thể có quyết định sáng suốt khi dựa trên các bằng chứng thu thập được.

  • VietNamNet