Chiều 11/10, tại tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đã có buổi làm việc với lãnh đạo 5 địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

W-5A0A7902 gigapixel standard v2 2x faceai.jpeg
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Nam

Quảng Nam, Quảng Ngãi giải ngân dưới mức trung bình cả nước

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung cho biết, đến hết ngày 30/9, đầu tư công của các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 là 25.746,9 tỷ đồng, đạt 46,21% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (47,29%) và thấp hơn tỷ lệ của các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (52,99%).

Cụ thể, Thừa Thiên Huế giải ngân 4.068,4/6.957,9 tỷ đồng, đạt 58,47%. Đà Nẵng giải ngân 3.520/7.291,9 tỷ, đạt 48,27%. Quảng Nam giải ngân 2.672,9/6.520,6 tỷ, đạt 40,99%. Quảng Ngãi giải ngân 2.305,3/6.902,9 tỷ, đạt 33,40% và Bình Định giải ngân 5.456,1/7.865,7 tỷ, đạt 69,37%.

Như vậy, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Bình Định có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước trong khi Quảng Nam và Quảng Ngãi lại dưới mức trung bình. 

giai ngan.jpeg
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm. Ảnh: Hà Nam

5 địa phương đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 như: Xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất còn khó khăn; người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư, còn thắc mắc, khiếu nại đơn giá bồi thường về đất; Luật Đất đai mới được ban hành, nhiều dự án phải tính toán lại chi phí GPMB theo quy định mới.

Ngoài ra, có nguyên nhân liên quan tới năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư và năng lực triển khai dự án của nhà thầu; khó khăn về thiếu đất đắp nền và cát xây dựng.

Bên cạnh đó, tính đặc thù của các tỉnh duyên hải miền Trung như các tháng cuối năm thường là mùa mưa bão, nguy cơ sạt lở đất cao cũng ảnh hưởng đến công tác thi công nhiều dự án...

Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Để tạo thuận lợi hơn trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương đã đề xuất tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, Quảng Nam đề nghị Bộ GTVT quan tâm bố trí nguồn vốn để đầu tư các công trình gồm: Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh; Quốc lộ 14D; Quốc lộ 14G; Quốc lộ 14B; Quốc lộ 40B; Quốc lộ 14H.

W-5A0A7934 gigapixel standard v2 2x faceai.jpeg
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nêu đề xuất tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Nam

Thừa Thiên Huế đề nghị xem xét phân cấp, giao trách nhiệm cho địa phương trong quá trình lập, thẩm định dự án và lập, thẩm định thiết kế thi công để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị thực hiện các dự án tu bổ di tích cấp quốc gia.

Đà Nẵng đề nghị xem xét bổ sung dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường QL14G (đoạn từ QL14B đến Trường Tiểu học Lâm Quang Thự) vào danh mục các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương, giao cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản và sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương. 

Còn tỉnh Bình Định đề nghị xem xét, báo cáo cấp thẩm quyền cho chủ trương hỗ trợ địa phương triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Ngoài ra, Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng đề nghị Bộ KH-ĐT tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 đã được Thủ tướng giao cho các địa phương.

W-5A0A7957 gigapixel standard v2 2x faceai.jpeg
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Nam

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành ghi nhận, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của các địa phương để có biện pháp tháo gỡ, những nội dung vượt thẩm quyền kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng xem xét.

Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh Quảng Nam thời gian qua đã tập trung tháo gỡ khó khăn, chủ động thành lập nhiều tổ công tác đặc biệt để đôn đốc, chỉ đạo các dự án. 

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, xu hướng giá vật liệu sẽ còn tăng cao, do đó địa phương phải xác định, cần có những phương án để chủ động nguồn nguyên vật liệu, không để bị động.

"Dù khó khăn thế nào, các địa phương cũng phải phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công mà Chính phủ giao. Để hoàn thành mục tiêu, các địa phương cần bám sát các văn bản, chỉ đạo của Chính phủ. Bí thư các tỉnh, thành phải tăng cường quản lý, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, coi đây là nhiệm vụ chính trị cần phải hoàn thành", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng lưu ý, với những dự án trọng điểm, các địa phương cần tăng cường đôn đốc, tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn; tăng cường nguồn nhân lực ở các địa phương để hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ...